ClockThứ Hai, 06/01/2020 14:16

Kiên trì, vượt khó

TTH - Gia cảnh khó khăn, mồ côi cha từ sớm, chàng trai Phan Văn Hồng, ngụ tại xã Phú Thanh, huyện Phú Vang đã từng bước vươn lên, tạo điều kiện để những chị em phụ nữ, các bạn đoàn viên có thêm thu nhập.

Nữ Trung tá công an tiêu biểuMột phụ nữ tử vong vì cháyĐồng hành cùng phụ nữ hoàn lương

Anh Phan Văn Hồng tận tình hướng dẫn cho công nhân

Cha mất từ lúc Phan Văn Hồng lên ba, mẹ của anh phải cáng đáng việc nhà và bốn đứa con nhỏ. Vì vậy, đến năm 10 tuổi, anh Hồng phải xin nghỉ học phụ giúp mẹ. Khi đã cứng cáp hơn anh rời quê, vào TP. Hồ Chí Minh mong có cuộc sống ổn định.

“Nơi xứ người công việc thăng trầm tùy lúc. Vậy mà mãi sau bao năm, mình vẫn không khá lên được. Đến năm 2012, mẹ mình, chỗ dựa tinh thần còn lại của mình cũng mất”, anh tâm sự.

Sau cú sốc mất người thân lần hai, anh Hồng về quê, chăm lo hương khói, quyết tâm lập nghiệp. Vốn sẵn có trong tay nghề may, hai vợ chồng anh may ngày may đêm, những mong cuộc sống khấm khá hơn.

“Lúc đó, trung bình mỗi ngày mình may 15 – 16 tiếng. Con tằm nhả tơ sẽ có ngày thành lụa, mình dành dụm mãi sẽ đủ tiền mở rộng xưởng”, anh nói.

Từ hai chiếc máy may và bao giọt mồ hôi, chắt bóp, dành dụm mãi, anh mở rộng được quy mô xưởng, tăng thêm số lượng máy. Đến năm 2015, ước mơ của anh thành hiện thực. Không chỉ mang lại thu nhập khấm khá cho mình, cơ sở may của anh tạo cơ hội việc làm cho những đoàn viên khác.

Chị Bùi Thị Bảo Trâm, gắn bó với xưởng may của anh Hồng bốn năm nay, chia sẻ: “Anh Hồng rất tận tâm dìu dắt chúng em. Lấy anh Hồng làm gương, em sẽ gắng làm tốt, tích góp vốn, biết đâu sẽ có xưởng may của riêng mình”.

Hiện tại, xưởng của anh Hồng đang may gia công áo quần trẻ em. Trung bình mỗi tháng anh thu lãi 15-20 triệu đồng. Xưởng của anh tạo thêm công ăn việc làm cho 10 nhân công, lương mỗi tháng dao động tầm 3,5 – 4 triệu đồng. Không khí trong xưởng may lúc nào cũng vui vẻ, ấm cúng.

Anh Hồ Khắc Quang Sơn, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Phú Thanh chia sẻ: “Những tưởng hoàn cảnh khó khăn sẽ làm anh Hồng chùn bước. Nhưng anh đã nỗ lực, kiên trì để có được thành quả như ngày hôm nay”.

Hiện tại, xưởng may nhỏ của anh Hồng có tổng cộng 20 máy (bao gồm máy may và máy vắt sổ). Tuy xưởng nhỏ, nhưng tấm lòng của anh thật rộng lớn. Bày vẽ tận tình cho công nhân, đối xử thân ái, đồng cảm. Anh nói: “Mỗi bạn có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng mình hiểu cảm giác dùng sức mình để kiếm tiền, đam mê với nghề may và nỗ lực từng ngày để đạt được mơ ước. Cơ ngơi của mình không lớn, nhưng đó là thành quả của bao cố gắng. Nếu mình làm được thì mọi người cũng sẽ làm được”.

Với những nỗ lực của mình, anh Phan Văn Hồng vinh dự được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong khởi nghiệp, lập nghiệp năm 2018.

Quyết tâm, sự chịu khó, nỗ lực của anh Hồng đã được đền đáp. Anh đã truyền lửa đam mê, khơi gợi hy vọng cho những đoàn viên khác biết ước mơ, nỗ lực theo đuổi đam mê.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Quán triệt Chỉ thị 42 đến hội viên nông dân Phú Vang

Chiều 20/3, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã quán triệt Chỉ thị số 42-CT/TU, ngày 8/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cho hơn 300 cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Phú Vang.

Quán triệt Chỉ thị 42 đến hội viên nông dân Phú Vang
Return to top