ClockThứ Sáu, 27/01/2017 15:01

Kiều bào giữ hồn văn hóa Tết

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài không chỉ giữ Tết và giáo dục cho con cháu mình yêu tết, mà còn đưa Tết Việt đến với những người dân bản xứ.

Cộng đồng người Việt tại Indonesia đón Tết Đinh Dậu đầm ấm​Các đại sứ ăn Tết ViệtRộn ràng Tết Việt ở nước ngoài

Việt Nam hiện có khoảng 4,5 triệu kiều bào đang sống tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở đâu cũng vậy, cộng đồng người Việt sống quây quần, hỗ trợ, giúp đỡ nhau và cùng nhau hướng về Tổ quốc.

Gói bánh tét, bánh chưng vẫn là nét đẹp ngày Tết ở nhiều gia đình Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Không chỉ làm ăn sinh sống và góp phần xây dựng đất nước bằng kiều hối, bằng vai trò cầu nối đưa hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, bằng các dự án đầu tư về Việt Nam ngày càng nhiều, kiều bào còn giữ và quảng bá văn hóa Việt như một niềm tự hào.

Trong từng gia đình kiều bào, qua bao thế hệ, dù ở đâu, vẫn cố gắng có một cái Tết thật Việt Nam. Với đồng bào Việt Nam xa xứ, thấy Tết là thấy quê hương.

Tết này, gia đình chị Nguyễn Kim Liên đang sinh sống và kinh doanh tại tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan vui hơn và có không khí hơn. Đó là vì chị Liên sau khi về Việt Nam dự chương trình Xuân Quê hương do Bộ Ngoại giao tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và trở lại Thái Lan với một chậu mai vàng.

Chị Kim Liên đem về gia đình mình những câu chuyện về sự đổi thay, phát triển của Việt Nam cùng nhiều vật phẩm, thực phẩm Tết. Đã có 4 đời sinh sống, làm ăn tại Thái Lan hơn 60 năm nay, gia đình chị luôn truyền cho con cháu văn hóa Việt, từ truyền thống kính trên nhường dưới, cúng giỗ tổ tiên đến các món ăn cổ truyền ngày tết cùng ý nghĩa của nó. Giao thừa nào cả gia đình cũng quây quần chúc Tết, sau đó là đi lễ chùa Việt được kiều bào ở Ubon cùng xây dựng nên.

Chị Nguyễn Kim Liên kể: “Tôi sinh ra ở Thái Lan. Bố tôi là người Việt, trong nhà vẫn nói tiếng Việt, phong tục, ăn ở kiểu người Việt mình. Ngày Tết ở Thái Lan vẫn làm Tết kiểu Việt. Chúng tôi làm cơm cúng ông bà; con cái trong gia đình gặp nhau ăn bữa cơm, chung vui cùng nhau. Có bánh chưng, có gà, có đủ mọi thứ”.

Ở xa đất nước hơn chị Nguyễn Kim Liên, nhưng gia đình anh Phạm Tuấn Anh cùng cộng đồng người Việt ở Moscow, Liên bang Nga cũng chuẩn bị một cái tết cổ truyền đầy đủ hương vị. Năm nay cũng như nhiều năm trước, gia đình anh cùng nhiều gia đình Việt khác ở gần Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cùng nhau gói bánh chưng vào ngày 27/12 (âm lịch), ngay sau khi bánh chưng chín, từng nhà chia nhau cúng tổ tiên rồi góp lại làm tiệc tất niên, mừng tuổi người lớn và lì xì cho trẻ nhỏ.

Anh Tuấn Anh kể: “15 năm trước, đi lại giữa Việt Nam và Nga chưa thuận tiện như bây giờ, nên muốn có những món Việt ngày tết là phải chuẩn bị mua sắm, để dành cả năm trời. Giờ mọi việc đã dễ dàng hơn, nên tại Nga có thể sắm Tết đủ đầy”.

Anh Phạm Tuấn Anh và cộng đồng Việt kiều ở đây không chỉ giữ Tết và giáo dục cho con cháu mình yêu Tết, mà còn đưa Tết Việt đến với cả những người bạn Nga: “Tôi thường kể cho anh em bạn bè người Nga về ngày Tết nguyên đán. Chúng tôi bên đó vẫn tổ chức gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, bàn thờ. Hàng năm phát quà cho các cháu nhỏ vào ngày Tết”.

Bà Phạm Bạch Lan, 70 tuổi, sống ở Australia đã 15 năm nay. Kể từ ngày xa quê hương, bà chưa bao giờ quên việc đi chợ Tết của cộng đồng người Việt tại Australia. Với bà, đưa con cháu mặc áo dài, đi chợ tết là nét văn hóa đẹp, phải giữ, chứ không chỉ đơn thuần là đi mua sắm.

Bà Lan nói: “Tôi cũng cho các cháu đi chợ Tết của người Việt, làm theo những phong tục của người Việt Nam, chúc tết, mặc trang phục truyền thống Việt. Theo tục lệ của ông bà, mình cũng sắm sửa đầy đủ. Mình cũng nói cho con cháu biết, hiểu và con cháu đều vui vẻ đón Tết giống như truyền thống người Việt mình”.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ kiều bào.

Tết đến, từng kiều bào, từng gia đình và cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới luôn quây quần đón một năm mới như đồng bào đang sống tại Việt Nam. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài luôn trân trọng điều đó và có rất nhiều hoạt động thiết thực để Tết Việt ở nước ngoài đầy đủ ý nghĩa, hương vị hơn.

Ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: “Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài luôn luôn hỗ trợ bà con. Chúng tôi gửi những văn hóa phẩm cho bà con trong dịp Tết. Có những nơi chúng tôi hỗ trợ cả vật chất để làm bánh chưng, giò chả. Đặc biệt, chúng tôi cử các đoàn văn nghệ đem những làn điệu dân ca của đất nước sang phục vụ bà con trong dịp Tết. Bà con đánh giá rất cao”.

Gặp gỡ kiều bào về thăm đất nước trong dịp tết này, nghe chuyện kể của những người con xa quê, ai cũng có chung một cảm nhận, càng xa quê hương càng yêu văn hóa Việt, Tết Việt và trân trọng, lưu giữ bằng cả tấm lòng mình./.

Theo Dân trí

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Return to top