ClockThứ Tư, 30/03/2022 15:32

Kinh tế trang trại: Từng bước thích ứng trước yêu cầu mới

TTH - Trong số hơn 245 trang trại (TT) toàn tỉnh có 1/3 TT đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Hầu hết các TT đều vượt qua khó khăn, thách thức trước đại dịch COVID-19 để duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Bền vững cho kinh tế trang trạiĐồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế trang trại

Trang trại rau an toàn ở Quảng Thành (Quảng Điền)

Vượt khó

TT chăn nuôi gia súc, gia cầm của ông Trần Thiện Chương ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền) được công nhận đạt quy định về TT của Bộ NN&PTNT với các tiêu chí về diện tích, quy mô và hiệu quả sản xuất. Đây cũng là một trong những TT đầu tiên ở vùng rú cát Quảng Điền vượt qua nhiều khó khăn trước thiên tai, dịch bệnh để tồn tại đến nay.

Ông Chương chia sẻ, trong vòng hơn một năm qua, hàng ngàn con gia cầm và hàng trăm ngàn trứng gà tại TT phải bán với giá thấp hơn so với bình thường từ 20-30% để duy trì SXKD. Mặc dù chỉ hòa vốn, thậm chí có lúc chấp nhận thua lỗ, nhưng để tiêu thụ được một lượng lớn sản phẩm như vậy cũng là điều đáng mừng trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp gây cản trở lớn khâu đầu ra, giá thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào tăng cao.

Chủ TT tại vùng cát Quảng Lợi, ông Nguyễn Thuận cho hay, từ hai năm nay, chăn nuôi lợn thường xuyên thua lỗ, hoặc chỉ hòa vốn nên ông giảm số lượng nuôi với mục đích duy trì SXKD, “lấy ngắn nuôi dài”. Ông Thuận chỉ tập trung vào nuôi gà thương phẩm, song số lượng cũng dao động 3.000-4.000 con/lứa, giảm 10-20% so với thời điểm bình thường và tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như rau xanh tại TT để giảm chi phí đầu tư và hạn chế khó khăn về đầu ra sản phẩm do ảnh hưởng dịch COVID-19...

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Ngô Văn Dinh thông tin, các TT trên địa bàn huyện đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng đã cố gắng vượt qua. Ngoài việc duy trì SXKD của các TT cũ, trong năm 2021, huyện Quảng Điền còn tiếp nhận, thẩm định phương án sản xuất và cho thuê đất đối với 10 hộ có nhu cầu xây dựng, phát triển mô hình TT mới. Một số mô hình liên kết chăn nuôi lợn với Công ty cổ phần CP Việt Nam, các mô hình sản xuất gà giống, ấp trứng gia cầm, trồng rau thủy canh hồi lưu trong nhà màng, theo chuỗi giá trị mới đây được đánh giá bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế trang trại (KTTT).

Liên kết và hỗ trợ vốn

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đình Đức, từ thực tế phát triển KTTT của tỉnh trong những năm qua và kinh nghiệm của các tỉnh cho thấy, phát triển KTTT là giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp. Đây là điều kiện để ngành nông nghiệp phối hợp với các ban ngành, địa phương đang triển khai đồng bộ các giải pháp tích cực, phát huy và thúc đẩy phát triển KTTT trong thời gian đến.

Nhiều chủ TT có vốn lớn còn mua sắm trang thiết bị máy móc, từng bước thực hiện cơ giới hóa vào quá trình sản xuất như ôtô, máy kéo, máy bơm, tưới, hệ thống cung cấp thức ăn, uống tự động; xây dựng chuồng trại, bể ươm nuôi và các trang, thiết bị tiên tiến khác vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, năng suất cây trồng và vật nuôi. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo tính cạnh tranh.

Một số chủ TT bắt đầu hướng đến mô hình chuỗi giá trị, có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất nên chủ động tiêu thụ sản phẩm, giá cả ổn định. Đồng thời, xây dựng các công trình khí sinh học để tận dụng chất thải trong chăn nuôi và sử dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải, không gây ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Nguyễn Đình Bách thông tin, theo định hướng của tỉnh và ngành nông nghiệp, huyện Phong Điền cũng như các huyện, thị xã đang triển khai xây dựng quy hoạch các vùng phát triển KTTT trên cơ sở phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương nhằm sản xuất nhiều sản phẩm hàng hóa, phù hợp với nhu cầu thị trường, khắc phục tình trạng phát triển tự phát, hiệu quả thấp. Việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các chủ TT có điều kiện sản xuất phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp và sử dụng đất có hiệu quả để yên tâm đầu tư phát triển lâu dài, bền vững.

Phát triển KTTT theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực xây dựng và phát triển hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn theo mô hình TT. Ngành nông nghiệp cùng với các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ, tư vấn tiếp cận nguồn vốn tín dụng, được vay vốn mở rộng quy mô và dự báo thị trường giúp chủ TT chủ động định hướng SXKD. Các chủ TT được hỗ trợ, môi giới, giới thiệu với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm ổn định; hướng đến hình thành các hiệp hội TT, hiệp hội ngành hàng để liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global Gap, hữu cơ. Các sản phẩm được xây dựng thương hiệu, có pháp lý rõ ràng để có thể cạnh tranh và tiêu thụ cả trong nước lẫn xuất khẩu.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 245 TT, trong đó có 95 TT đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ NNN&PTNT. Trong số 95 TT đạt tiêu chí có 64 TT được cấp GCNQSDĐ, chiếm khoảng 67%. Các TT được cấp GCNQSDĐ có điều kiện vay vốn để tổ chức, mở rộng quy mô SXKD thông qua các kênh bằng hình thức tín chấp, thế chấp và hoạt động có hiệu quả. Doanh thu bình quân mỗi TT trên 1 tỷ đồng, lãi 150-300 triệu đồng/năm, được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Từng bước giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế

Với Luật Ðấu thầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và Nghị định số 24/2024/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ðấu thầu về lựa chọn nhà thầu có hiệu lực từ ngày 27/2/2024 đã cơ bản tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Từng bước giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ

Trước thềm Diễn đàn với 12 phiên họp khai mở, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ với báo chí xung quanh nội dung cũng như kỳ vọng về Diễn đàn Báo chí Toàn quốc trong khuôn khổ “Hội Báo toàn quốc 2024”. Diễn đàn với 12 phiên thảo luận nhiều vấn đề cấp thiết đặt ra với báo chí đang được kỳ vọng mở ra con đường mới cho các cơ quan báo chí thích ứng và phát triển, phục vụ và đóng góp đắc lực cho quốc gia, dân tộc.

Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ
Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu
Return to top