ClockThứ Ba, 01/12/2015 15:58

Cần xác định mức độ cụ thể

TTH - Nhiều ngôi nhà dù mới đưa vào sử dụng nhưng đã xuất hiện các vết rạn nứt. Theo các nhà chuyên môn, hiện tượng rạn nứt này có nhiều nguyên nhân, cần xác định cụ thể mới có cách khắc phục hợp lý.

Công trình nhà ở tại số 29 Đào Duy Anh bị xuống cấp

Nhiều nguyên nhân

Ngôi nhà ông Hoàng Anh Tuấn, phường Thủy Xuân mới chỉ đưa vào sử dụng 3 năm nhưng đã xuất hiện nhiều vết nứt dọc trần nhà, tường và dọc cầu thang. Những vết nứt xuất hiện với mức độ nhẹ, hình chân chim, phát triển theo nhiều phương, không ăn sâu vào tường gạch… khiến ông và các thành viên trong gia đình rất băn khoăn vì sợ những vết nứt ảnh hưởng đến công trình.

Khi đề cập vấn đề này với chủ thầu công trình, ông Tuấn nhận được câu trả lời là do thời tiết Huế mưa nắng thất thường, trong khi kết cấu bê tông cốt thép lại có đặc điểm co giãn, trời nóng vật liệu nở ra, lạnh thì co lại, làm xuất hiện nhiều vết nứt chân chim. Nhà thầu khuyên đợi một thời gian khi hiện tượng co giãn này ổn định rồi sơn tít lại, không ảnh hưởng đến chất lượng các công trình xây dựng.

Trường hợp như nhà ông Tuấn không phải hiếm gặp. Hiện tượng rạn nứt sau khi công trình mới hoàn thành không chỉ xuất hiện ở các công trình nhà ở tư nhân, mà còn hiện diện nhiều ở các dự án cao cấp, các công trình phúc lợi xã hội

Theo ông Phạm Minh Tâm, Trưởng phòng Quản lý Xây dựng, Sở Xây dựng: Hiện tượng rạn nứt ở các cấu kiện thuộc công trình xây dựng là một trong những hiện tượng thường gặp, trước hết gây cảm giác khó chịu về mặt thẩm mỹ. Nguyên nhân xuất hiện các vết nứt cũng rất đa dạng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Ví dụ, nhà bị lún móng, mác bê tông không đạt, cốt thép đặt sai, tháo dỡ cốp-pha sớm hơn quy định hoặc do đơn vị thiết kế, thi công chưa tính toán đủ các yếu tố ảnh hưởng do thời tiết, nhiệt độ, hay độ ẩm thay đổi làm co giãn vật liệu… Mặt khác, có thể do từ khâu khảo sát, thiết kế chưa thực hiện đúng tiêu chuẩn quy định, nhất là đối với trường hợp công trình được xây dựng trên nền đất yếu, lại chịu tác động của nhiều yếu tố ngoại cảnh bất lợi. Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu không đúng chuẩn hay thi công không đúng quy trình, các công đoạn thực hiện không tương thích cũng là nguyên nhân khiến tường bị nứt gãy.

Cần được người có chuyên môn đánh giá

Các vết nứt được các nhà chuyên môn về xây dựng phân ra khá nhiều loại dựa theo nguyên nhân, như: do vượt tải trọng thiết kế, do thi công không đúng kỹ thuật, do co giãn khi thay đổi nhiệt độ, độ ẩm… Tuy nhiên, dựa trên mức độ nguy hiểm của các vết nứt, người ta phân loại vết nứt thành 2 nhóm chính. Nhóm 1 gồm vết nứt xuất hiện trên bề mặt các kết cấu chịu lực của công trình như cột, dầm, sàn bê tông cốt thép; tùy theo vị trí, độ mở rộng mà các vết nứt này có tính chất và mức độ nguy hiểm khác nhau, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực cục bộ và tổng thể của công trình. Nhóm 2 gồm các vết nứt không nguy hiểm, chủ yếu xuất hiện trên các kết cấu bao che như trên tường xây chèn, trên các lớp trát bảo vệ kết cấu công trình…

Ông Phạm Minh Tâm chia sẻ: Theo kinh nghiệm, nếu kết cấu nhà được xây theo hình thức khung bê tông cốt thép chịu lực, tường xây chèn thì cần chú ý trước hết đến các vết nứt trên các cấu kiện cột, dầm, sàn bằng bê tông cốt thép; nếu phát hiện thấy vết nứt xuất hiện thì phải chú ý theo dõi độ mở rộng và báo ngay với đơn vị thiết kế hoặc người có chuyên môn để giúp tư vấn giải pháp xử lý, tránh để ảnh hưởng đến an toàn công trình do vết nứt mở rộng quá lớn, có thể gây phá hoại kết cấu công trình.

Thực tế, có những vết nứt cần nhiều thời gian sau mới chữa được, như những công trình bị ảnh hưởng bởi địa chất, nền móng yếu đang lún, phải có giải pháp gia cố nền móng phù hợp để giảm lún, đảm bảo ổn định và an toàn công trình. Ngược lại, đối với các vết nứt thuộc nhóm 2 có độ hở nhỏ, chủ yếu do vật liệu co giãn khi thay đổi nhiệt, ẩm; vết nứt trên lớp bảo vệ bên ngoài kết cấu thì người dân có thể chủ động xử lý trên cơ sở tham khảo ý kiến người có kinh nghiệm. 

Để công trình sau khi hoàn thành có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng theo thiết kế và giảm thiểu tình trạng rạn nứt gây nguy hiểm có thể xảy ra, ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh: Các chủ đầu tư và các chủ thể tham gia xây dựng công trình phải có quy trình kiểm soát chất lượng các công tác thiết kế, thi công và giám sát kỹ thuật phù hợp trong suốt quá trình xây dựng công trình. Chủ đầu tư nên thuê các tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm phù hợp để thiết kế, thi công và tổ chức giám sát kỹ thuật trong quá trình thi công. Năng lực đó được đánh giá qua các thông tin từ bạn bè, người thân và từ các sản phẩm hiện hữu của đơn vị đó thực hiện, có quy mô tương tự công trình của mình chuẩn bị đầu tư xây dựng. Theo quy định, đơn vị thiết kế cần có hệ thống quản lý chất lượng rõ ràng, trong đó có quy trình chặt chẽ, có các cá nhân đảm nhận chức danh từ chủ trì thiết kế, đến các kỹ sư thiết kế. Đơn vị thiết kế phải có chỉ dẫn kỹ thuật quy định các điều kiện về phương pháp đổ bê tông, thời gian vận chuyển, điều kiện cốt liệu, hệ thống ván khuôn, thời điểm đổ bê tông, phương pháp bảo dưỡng… Đơn vị thi công phải tuân thủ chặt chẽ chỉ dẫn kỹ thuật của đơn vị thiết kế để có biện pháp thi công phù hợp với công trình.

HOÀNG LOAN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vé máy bay, tàu lửa “nóng dần” vào dịp lễ

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang đến gần nên nhu cầu đặt vé tàu lửa, máy bay để đi du lịch hay về quê hiện nay khá chộn rộn. Dịp lễ năm nay được nghỉ liên tục 5 ngày nên nhiều người có kế hoạch đặt mua vé sớm với hy vọng để “săn” vé giá rẻ.

Vé máy bay, tàu lửa “nóng dần” vào dịp lễ
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Return to top