ClockThứ Năm, 08/10/2015 07:29

Chưa đủ âu thuyền tránh bão cho tàu xa bờ

TTH - Số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ ngày càng tăng nhanh kể từ khi có Nghị định 67 của Chính phủ, trong khi các âu thuyền lại xuống cấp, chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng gây nhiều trở ngại trong việc ra vào và tránh trú bão.
Âu thuyền Phú Hải cần được nạo vét luồng lạch

Không đáp ứng yêu cầu

Âu thuyền Phú Hải được xây dựng cách đây vài năm có quy mô neo đậu đến 500 chiếc tàu, thuyền, đến nay đã bộc lộ nhiều yếu kém. Qua các mùa bão, lũ, một số hạng mục của âu thuyền này bị xuống cấp. Bà Lê Thị Mẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hải (Phú Vang) cho biết, trong khả năng kinh phí còn hạn hẹp, vừa qua xã chỉ đầu tư sửa chữa được hệ thống bờ tường trên cầu để ngư dân đi lại và một số trụ neo đậu tại âu thuyền… Các hạng mục còn lại nằm ngoài khả năng của xã! Một điều đáng lo ngại nữa là, hệ thống luồng lạch ra vào và tại âu thuyền tuy được đầu tư kinh phí, tổ chức nạo vét, nhưng tình trạng bồi lắng vẫn tái diễn, chưa thể khắc phục triệt để.
Với quy mô, công suất neo đậu của âu thuyền Phú Hải đến 500 chiếc tàu thuyền, nhưng thực tế chỉ đáp ứng khoảng 120 chiếc tàu xa bờ có công suất trên 90 CV. Các mùa bão, lũ hằng năm, ngoài số tàu thuyền của địa phương, âu thuyền Phú Hải còn đón nhận một lượng lớn tàu thuyền các xã Phú Thuận, thị trấn Thuận An… đến neo đậu.
Âu thuyền Phú Hải cần được nâng cấp
Tương tự, âu thuyền Phú Thuận được xây dựng cách đây hơn 10 năm. Qua các mùa bão, lũ, nhiều hạng mục bị hư hỏng, chủ yếu phục vụ việc neo đậu trong điều kiện thời tiết bình thường. Trường hợp bão lớn xảy ra thì âu thuyền này không thể đáp ứng việc trú tránh an toàn. “Vào các mùa mưa bão hằng năm, ngư dân phải đưa tàu đến âu thuyền khác để tránh bão. Việc di chuyển tàu không chỉ mất thời gian, mà còn tốn kinh phí, thậm chí dễ bị hư hỏng, gặp sự cố”, chủ tàu Ngô Đức Xuyên ở Phú Thuận cho biết.
UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xin chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng cá Thuận An trở thành cảng loại 1. Bộ đã đồng ý chủ trương của tỉnh, đồng thời yêu cầu tỉnh sớm lập đề án, báo cáo Bộ để trình Chính phủ phê duyệt đầu tư trong thời gian sớm nhất.
Hiện, toàn tỉnh có hơn 290 tàu có công suất 90 CV trở lên, trong khi đó chỉ có hai khu neo đậu tránh trú bão có quy mô khá lớn, là âu thuyền Phú Hải và âu thuyền Phú Thuận nhưng đã xuống cấp, hoặc không đáp ứng nhu cầu tiếp nhận tàu thuyền nên một số tàu thuyền phải đậu nhờ các âu thuyền ở Đà Nẵng. Ông Trần Vẹn ở xã Lộc Trì chia sẻ: Ngư dân ở đây rất nan giải khi phải đưa tàu đến neo đậu tại các âu thuyền ở Đà Nẵng; vừa hao tốn chi phí nhiên liệu lại khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ tài sản, ngư lưới cụ.
 
Từng bước đầu tư
Ông Nguyễn Quang Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận nói: “Các khu neo đậu cho tàu thuyền còn nhiều hạn chế nên vào mùa bão lũ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng rất vất vả trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân neo đậu an toàn. Khi có bão xảy ra, các tàu của ngư dân Thuận An, Phú Thuận lẽ ra được trở về bến cảng Thuận An neo đậu rất thuận tiện, thì lại phải di chuyển đến âu thuyền Phú Hải và nhiều nơi khác để trú tránh gây bất lợi rất nhiều đối với ngư dân; hao tốn chi phí nhiên liệu đã đành, mấy năm qua đã có một số vụ tai nạn xảy ra khi ngư dân đưa tàu từ địa phương đi tránh bão”.
Trước yêu cầu mới, vấn đề có một khu neo đậu tàu thuyền, bến cảng đảm bảo quy mô, chất lượng và an toàn là rất cần thiết. Ông Phùng Hữu Trung, Phó phòng Quản lý tàu cá và hậu cần-Chi cục KT&BVNLTS tỉnh thông tin, mới đây UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt đề án mở rộng Cảng cá Thuận An, kết hợp xây dựng khu neo đậu có quy mô 400 tàu công suất lớn, với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng. Riêng bến cảng được mở rộng, nâng cấp gấp 5 lần so với cảng cũ, với diện tích 24 ha, độ sâu đáp ứng cho việc quay trở tàu thuyền công suất trên 400 CV. Dự kiến, trong năm 2015 dự án được triển khai và hoàn thành vào năm 2018...
Cùng với Cảng cá Thuận An, hiện nay Cảng cá Tư Hiền, kết hợp khu neo đậu tàu thuyền cũng đang được triển khai nâng cấp, xây dựng. Các đơn vị thi công đang triển khai công tác duy tu, sửa chữa nhà điều hành và một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật… Ngoài ra, Cảng cá Thừa Thiên Huế cũng đang đưa vào quy hoạch nâng cấp, xây dựng bến cá Phú Thuận, kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho khoảng 65 chiếc tàu đánh bắt xa bờ tại địa phương...
Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy: Tháo gỡ, tiêu hủy hàng trăm bẫy đánh bắt chim trời

Ông Văn Đức Thuận – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Thủy thông tin, ngày 26/9, đơn vị đã phối hợp với UBND xã Thủy Phù tiến hành kiểm tra khu vực cánh đồng thuộc địa bàn xã Thủy Phù nhằm siết chặt công tác bảo vệ các loài chim trời, động vật hoang dã.

Hương Thủy Tháo gỡ, tiêu hủy hàng trăm bẫy đánh bắt chim trời
Điện lực Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó trong mùa mưa bão

Để chủ động phòng chống, xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra trên lưới điện trong mùa mưa bão, từ đầu năm đến nay, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC TTH) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cấp điện an toàn, phục vụ phát triển sản xuất của doanh nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn.

Điện lực Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó trong mùa mưa bão
Đảm bảo sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng dịp Tết Trung thu

Để đảm bảo tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), vì sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã ban hành kế hoạch và tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, đồ chơi trẻ em trước, trong, sau Tết Trung thu và kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa đến hết năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh.

Đảm bảo sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng dịp Tết Trung thu
Return to top