|
Việc làm thường xuyên vào dịp cuối tuần ở các vùng quê ở Huế hiện nay |
Mới đây dự hội nghị Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra tại TP. Huế, tôi tâm đắc ý kiến chia sẻ của một Ủy viên Ban chấp hành UBMTTQ Việt Nam tỉnh, chương trình này muốn thành công đạt mục tiêu đề ra phải khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu hàng Việt của cả hệ thống chính trị các cấp, ngành đến mỗi một người dân. Từ ý kiến này, tôi liên tưởng đến công tác bảo vệ môi trường ở Huế lâu nay đã đồng lòng, chung sức cả hệ thống chính trị, đến người dân địa phương với phương châm vừa “xây”, vừa “giữ”.
Những ai đã sống và làm việc ở Huế lâu nay sẽ thấy, việc quan tâm chú trọng bảo vệ môi trường đã khởi phát từ nhiều thập niên trước. Tôi nhớ rõ từ hơn 2 thập niên trước, Huế đã chú trọng phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Thời điểm đó, Huế đã từ chối dự án nhiệt điện than khá lớn khi nhận diện nguy cơ làm ô nhiễm môi trường tại khu vực Chân Mây - Lăng Cô. Đến bây giờ, quan điểm trên vẫn được duy trì, với phương châm không đánh đổi môi trường để có dự án. Vì thế, hầu hết các dự án khi đầu tư vào Huế, lãnh đạo tỉnh đều yêu cầu nhà đầu tư phải có giải pháp về bảo vệ môi trường kết hợp với sản xuất an toàn, bền vững. Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi máy móc cũ để giảm khí, chất thải ra môi trường.
Từ việc bảo vệ môi trường để phát triển công nghiệp bền vững, lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, giao thông… cũng chú trọng xây dựng nhiều chương trình, dự án quan tâm đến môi trường. Đáng chú ý, ở lĩnh vực giao thông, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để người dân sử dụng nhiều hơn các loại phương tiện công cộng, xe buýt để thay thế dần xe cá nhân nhằm hạn chế lượng phương tiện trên đường; đồng thời mở rộng mô hình đi xe đạp đến công sở; thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng mạng lưới xe taxi điện…, nhằm góp phần giảm bớt lượng khí thải độc hại ra môi trường, nhất là tại các khu vực đô thị.
Bên cạnh đó, để mỹ quan đô thị, nông thôn sạch, đẹp, đặc biệt là giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, mấy năm nay, Huế có rất nhiều giải pháp; trong đó chú trọng triển khai mô hình giảm rác thải nhựa để bảo vệ môi trường biển, đầm phá, sông suối... đến “ngõ phố, đường làng” khang trang, không rác thải. Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đến nay đã lan tỏa sâu rộng và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ngành, người dân trên địa bàn, trở thành nét đẹp văn hóa ở Huế.
Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh cho biết, thành quả bảo vệ môi trường ở Huế đến thời điểm này có thể nói là đã chạm đích. Tuy nhiên, để duy trì thành quả này, cần tiếp tục “xây và giữ” trong thời gian đến. Với cơ chế chính sách thuận lợi khi tỉnh luôn tạo điều kiện tốt cho các hoạt động bảo vệ môi trường bền vững, vấn đề đặt ra lúc này là ý thức của người dân, phải luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường chung xanh, sạch, đẹp.