 |
Thu gom, vận chuyển rác ở phường Tứ Hạ
|
Phường “điểm” về thu gom, xử lý rác
Sau 2 năm Hương Trà hợp đồng với Công ty TNHH NN Môi Trường và Công trình Đô thị Huế thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn 5 phường và 7 xã, đã thu gom, xử lý gần 16 ngàn tấn rác thải. Đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn thị xã đạt 76%, trong đó đô thị đạt 81%, nông thôn đạt 69%.
|
Gần 12h trưa, chiếc xe “làm đẹp môi trường”- cách gọi vui của người dân Tứ Hạ dành cho xe ép rác của phường vẫn còn chạy dọc tuyến QL 1A để thu gom rác. Anh Trần Nhân Thuyên, Tổ Trưởng tổ thu gom môi trường của phường Tứ Hạ cùng một công nhân khác vẫn đang cần mẫn đưa những thùng rác từ điểm tập kết đổ lên xe. Anh Thuyên chia sẻ: “Tổ thu gom môi trường có 14 người cùng chiếc xe ép rác chuyên dụng này. Hàng ngày, từ 5h sáng, xe bắt đầu khởi hành và kết thúc ca 1 sau 13h trưa. Ca 2 từ 14h và ra về sau 18h tối. Lượng rác thu gom từ hơn 280 thùng rác công cộng và các điểm tập kết khoảng trên 20 khối (chia làm nhiều chuyến). Sau đó, rác được chuyên chở đến bãi chôn lấp với quy mô hơn 10.000m2 ở dưới chân núi Thế Đại (phường Hương Vân)”.
Là phường trung tâm của thị xã Hương Trà, với trên 2.200 hộ dân; trước đây, việc xử lý rác thải sinh hoạt khá tùy tiện. Hầu hết các hộ tự “xử lý” bằng cách chôn, lấp, đốt; hoặc tùy tiện vứt rác ra bờ ruộng, mương, ven đường. Cách làm này đã làm môi trường ô nhiễm và trở thành nỗi bức xúc của nhiều người. Theo anh Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND phường Tứ Hạ: “Trước thực trạng trên, năm 2003, Tứ Hạ tổ chức triển khai xử lý rác thải bước đầu ở 4 tổ dân phố. Ban đầu, thói quen vứt rác bừa bãi vẫn được một số người dân duy trì, nhưng sau thời gian tích cực vận động về nếp sống văn minh đô thị, thói quen này dần xóa bỏ và việc bỏ rác đúng nơi quy định được bà con tích cực hưởng ứng”. Đến năm 2009, việc thu gom, xử lý rác được triển khai trên toàn phường.
Đến Tứ Hạ, điều dễ dàng nhận thấy là hình ảnh những con đường sạch đẹp, những khu dân cư không rác và hệ thống những thùng rác công cộng được đặt khá hợp lý đã góp phần tạo môi trường sống trong lành cho người dân nơi đây.
Tổ trưởng tổ thu gom môi trường cho biết thêm, do hoạt động hiệu quả và cùng tuyến đường nên đầu năm 2013, Tứ Hạ còn tiếp nhận việc vận chuyển và xử lý rác cho phường Hương Vân. Hiện, tỷ lệ rác sinh hoạt thu gom trên địa bàn phường Tứ Hạ đạt tỷ lệ trên 95%.
Cùng với Tứ Hạ, người dân các phường, xã khác trên địa bàn còn tích cực thực hiện “đẹp nhà, sạch ngõ”, trồng cây xanh, hàng rào chè tàu, chỉnh trang nhà cửa, tạo mỹ quan đô thị theo hướng xanh-sạch-đẹp.
Chung tay vì môi trường
Xác định tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong đời sống sinh hoạt của người dân, Hương Trà đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong việc bảo vệ môi trường đô thị. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, thị xã đã tập trung xây dựng hạ tầng với nhiều công trình công viên, nhà sinh hoạt cộng đồng, cống rãnh thoát nước, các tuyến đường bê tông trong khu dân cư... Quan tâm đầu tư, nâng cấp môi trường, cảnh quan; đồng thời, xây dựng các công trình công cộng, hệ thống điện chiếu sáng, đèn trang trí đô thị trung tâm cơ bản hoàn thiện. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Thông qua công tác chỉnh trang đô thị, đã huy động cả hệ thống chính trị từ thị xã đến các thôn, tổ dân phố, phát động được phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.
Để góp phần tạo cảnh quan và giải quyết các vấn đề môi sinh, việc trồng cây xanh được Hương Trà chú trọng. Thời gian qua, địa phương đã vận động nhân dân trồng, chăm sóc và bảo vệ trên 4.700ha rừng trồng, 40 rừng ven biển, 10 ha rừng ngập mặn, hơn 3 ngàn cây phân tán tại các khu dân cư, các tuyến đường trung tâm phường, xã.
Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường thị xã Hương Trà - Trần Hưng Long cho biết, các địa phương đã có những nỗ lực trong việc đầu tư mua sắm các phương tiện và trang thiết bị phục công tác thu gom và vận chuyển rác thải. Ý thức của người dân cũng dần nâng cao. Đến nay, việc giữ gìn vệ sinh môi trường không chỉ được thực hiện theo phong trào mà trở thành thói quen của người dân và được thực hiện thường xuyên, liên tục.