ClockThứ Sáu, 27/04/2012 05:21

Khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển: Cần giải pháp dài lâu

TTH - Theo Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều, trung bình mỗi năm, bờ biển Thừa Thiên Huế bị sạt lở từ 15-20m. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, song hiệu quả chưa như mong đợi.

Sạt lở nhiều nơi

Toàn tỉnh có chiều dài bờ biển hơn 120km, song hiện nay, gần 1/3 trong số đó đang chịu ảnh hưởng của tình trạng xâm thực, bao gồm thị trấn Thuận An và các xã: Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải (Phú Vang), Quảng Công-Quảng Ngạn (Quảng Điền), Hải Dương (Hương Trà), Vinh Hiền, Vinh Hải (Phú Lộc), Phong Hải (Phong Điền). Trong đó, các địa phương bị sạt lở nặng, gồm: thị trấn Thuận An (5km), các xã: Quảng Công-Quảng Ngạn (6km), Hải Dương (3km).
 
Tại xã Hải Dương (Hương Trà), con đường bê tông có chiều dài gần 3km nằm sát bờ biển bị sóng đánh sập gần như hoàn toàn. Ngay cả rừng phòng hộ cũng có nguy cơ bị nước biển “nuốt chửng”. Dọc bờ biển hai xã Quảng Ngạn-Quảng Công, nhiều đoạn nước biển cũng “ăn” sâu vào tận nhà dân, khiến hàng chục hộ dân phải di dời đến nơi ở mới. Ông Nguyễn Thanh Cược, nhà ở gần bờ biển nói: “Vợ chồng tui dự định vài năm tới sẽ sửa lại căn nhà để con cái ở cho thoải mái. Nhưng bây giờ, chúng tôi phải gác lại dự định vì tình hình xâm thực ngày càng nghiêm trọng. Mấy hộ ở gần biển hơn gia đình tôi thì chừ phải di dời. Gia đình tôi trước sau gì cũng nằm trong diện di dời, cho nên, tôi bàn với vợ con để đến nơi ở mới rồi làm nhà luôn thể”.
 

Con đường bê tông tại xã Hải Dương bị nước biển đánh sập

 
Tuy chưa nằm trong diện phải di dời nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Loan ở làng Thai Dương Hạ, xã Hải Dương cũng không kém phần lo lắng trước tình trạng nước biển xâm thực. Chị Loan cho biết, trước đây, nhà chị cách bờ biển khá xa nhưng hiện nay, chỉ cần vượt qua độn cát là có thể thấy biển. “Bây giờ thì đang yên ổn như thế này, nhưng không biết vài năm nữa sẽ ra sao nếu nước biển “ăn” vô tới nhà”, chị Loan lo lắng. Không chỉ ảnh hưởng đến việc ở, đi lại của người dân, tình trạng xâm thực bờ biển còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm ăn, sản xuất, kinh doanh của không ít bà con vùng biển.
 
Cần giải pháp lâu dài
 
Để khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, chính quyền và người dân một số địa phương đã đổ cát vào bao tải để làm đê chắn sóng, song chỉ sau một vài đợt triều cường, những con đê tạm này cũng bị nước biển cuốn trôi. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, chính quyền các địa phương đã di dời những hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi ở mới. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết, UBND xã đã tiến hành 2 đợt di dời dân, với 191 hộ đến các khu tái định cư. Hiện nay, xã đang quy hoạch thêm 1,6 ha đất tái định cư để di dời những hộ còn lại.
 
Tại Phú Thuận, UBND xã cũng đã di dời khẩn cấp 17 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng do sạt lở bờ biển trong vòng 5 năm qua. Ông Nguyễn Văn Chường, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết: “Toàn xã hiện còn 35 hộ dân tại thôn An Dương thuộc diện phải di dời. Để chủ động di dời khi nước biển dâng cao, xã đã bố trí 20 lô đất tại các khu tái định cư”.
 
Cuối năm 2006, tỉnh đã đầu tư gần 30 tỷ đồng cho công trình xử lý khẩn cấp chống sạt lở bờ biển tại xã Phú Thuận. Theo đó, công trình xây dựng một loại mỏ hàn mềm ứng dụng công nghệ Stabiplage hay còn gọi là con lươn bằng cát của Pháp, có nhiệm vụ chống nước biển xâm thực và sạt lở bờ biển. Đến tháng 8/2007, giai đoạn 1 của dự án hoàn tất, với cam kết bảo vệ bờ biển trong vòng 40 năm. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, hệ thống mỏ hàn mềm Stabiplage tại cửa biển Hòa Duân đã bị sóng biển đánh tan. Hai phần ba chiều dài lớp ngoài của mỏ hàn mềm (có lớp polypropylene gia cố polyamide) cũng bị phá vỡ hoàn toàn. Giữa năm 2010, sáu Stabiplage mới khác được tiếp tục đầu tư để chống sạt lở. Hiện nay, hiệu quả của các Stabiplage này đang được cơ quan chức năng theo dõi.
 
Theo ông Trần Đức Duy, Phó Chi cục Phòng chống lụt bảo và Quản lý đê điều, có nhiều biện pháp để chống sạt lở bờ biển. Nhưng để xây dựng hệ thống đê chống sạt lở không phải chuyện đơn giản. Khi có dự án xây dựng thì phải nghiên cứu dòng hải lưu, tốc độ dòng chảy, hướng gió… Do khí hậu, thời tiết ở Thừa Thiên Huế khá phức tạp nên việc triển khai xây dựng rất khó. Đó là chưa kể đến kinh phí cho những công trình này rất lớn. “Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phải bó tay trước thực trạng này, mà điều quan trọng tùy thuộc vào nguồn vốn. Nếu được bố trí vốn hợp lý, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được. Như ở cửa biển Thuận An, chúng ta có thể hạn chế tối đa tình trạng sạt lở bằng việc xây một bức tường bê tông, chân móng sâu, chắc chắn sẽ có hiệu quả lâu dài”, ông Duy khẳng định.
 
Để chống sạt lở bờ biển, về lâu dài, cơ quan hữu quan cần nghiên cứu những biện pháp khả thi, có hiệu quả tối đa như nhiều nước trên thế giới và một số vùng ở Việt Nam đã áp dụng. Trong đó, các giải pháp như sử dụng công nghệ kè lát mái, xây dựng công trình giảm vận tốc ven bờ, công trình chuyển hưởng dòng chảy... cũng là các biện pháp hữu hiệu và có thể triển khai trên địa bàn tỉnh. 

T.Huệ - Đ.Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024

Sáng 14/4, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tổ chức lễ khai mạc triển lãm và chấm thi Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh lần thứ XVII, năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành cùng giáo viên, học sinh các đơn vị dự thi.

163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024
Nâng hạng chỉ số DTI

Những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp đầu về chỉ số chuyển đổi số. Song năm 2023, qua rà soát, trong Bộ chỉ số chuyển đổi số có nhiều nhóm tiêu chí không đạt bền vững, do vậy cần những giải pháp căn cơ để chuyển đổi số trở thành chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng hạng chỉ số DTI
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Return to top