ClockThứ Hai, 30/07/2012 06:24

Giàu lên từ kinh tế trang trại

TTH - Quảng Điền có gần 3.200 ha vùng cát nội đồng và hàng trăm ha đồng cát ven biển. Đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trang trại. Sau hơn 5 năm triển khai, kinh tế trang trại trên vùng cát Quảng Điền thực sự mang lại hiệu quả.

Năm 2007, Huyện ủy Quảng Điền ra Nghị quyết 15e về phát triển kinh tế trang trại. Từ đây, các cấp chính quyền, đoàn thể, các chuyên gia nông nghiệp đã vào cuộc, biến vùng đất cát bạc màu, hoang hóa thành những vùng sản xuất tạo ra nhiều mặt hàng nông sản có giá trị. Cùng với việc vận động nhân dân đến vùng cát khai hoang, lập trang trại, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích hợp trên vùng cát được ứng dụng. Một trong những người tiên phong đầu tiên là ông Phan Văn Hứa. Từ một khu đất cát trắng xóa, ông bắt tay vào trồng keo để tạo bóng mát và khởi sự trồng nấm. Nhờ Tiến sĩ Đinh Khắc Quang ở Hà Nội tận tình hướng dẫn, ông đã thành công từ trồng nấm. Bằng cách “lấy ngắn nuôi dài”, có được đồng vốn từ nấm, ông bắt đầu mở rộng sản xuất. Qua 5 năm, trang trại của ông đã khá hoàn chỉnh, bề thế. Quanh nhà, phía trước là khu lò trồng nấm; phía sau là trại heo, hồ nuôi cá; phía trên là trại gà, phía dưới là nơi tập kết sản phẩm để tiêu thụ. Riêng trại gà luôn duy trì hơn 3.000 con, mỗi năm xuất chuồng 2 tấn, thu trên 110 triệu đồng; cộng với nguồn thu từ lợn, nấm, cá hồ… mỗi năm, trang trại ông đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng.

Thu hoạch cá tại trang trại ông Phan Văn Hứa trên vùng cát Quảng Điền

Nếu như trang trại ông Hứa tập trung vào hướng sản xuất nấm và chăn nuôi thì trang trại ông Ái Hiệp kết hợp thêm trồng trọt. Với diện tích 12 ha, ông dành 1 ha để trồng cây thanh long ruột đỏ. Đây là giống thanh long quý hiếm, có ruột màu đỏ, rất ngọt, có giá trị cao trên thị trường; được ông nhân giống từ Thái Lan trong chuyến tham quan, học tập năm trước. Ngoài cây thanh long, ông còn trồng cây kiểng; chăn nuôi heo, cá, gà, vịt... theo mô hình khép kín. Phân heo dùng để bón cây trồng, phân gà, vịt để cho cá ăn. Mỗi năm, cho xuất chuồng trên 300 con heo thịt và hàng ngàn con gà, vịt, cá... với doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng/năm...

Từ khi có nghị quyết phát triển kinh tế trang trại, với nhiều chủ trương, chính sách thông thoáng, không những thu hút các hộ nông dân trên địa bàn mà còn thu hút những trí thức đến vùng cát Quảng Điền để xây dựng trang trại, lập nghiệp. Anh Trương Quý Sang là một trong những trường hợp. Tốt nghiệp đại học Nông lâm Huế, khoa Bảo quản chế biến nông sản, hệ chính quy, mặc dầu được Công ty TNHH Prime Asit Việt Nam nhận vào làm việc, với mức lương khá cao nhưng anh quyết định về quê hương xin đất để xây dựng trang trại. Năm 2008, được UBND huyện Quảng Điền giao 20.000m2 đất tại vùng rú cát nội đồng xã Quảng Vinh, anh đã kiến thiết khu đất thành hệ thống chuồng trại, đường đi nội bộ, ao cá, cây xanh... theo mô hình tổng hợp, thả nuôi 1.000 con vịt hậu bị siêu trứng và 10.000 cá giống, hàng chục lợn hậu bị siêu nạc... Thu nhập từ trang trại năm sau cao hơn năm trước; từ gần 60 triệu đồng năm 2009 lên 140 triệu đồng năm 2010 và hiện nay đã trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm.

Đặc điểm ưu thế vùng cát nội đồng rất thuận lợi cho chăn nuôi. Thoáng, rút nước nhanh, gia súc gia cầm ít dịch bệnh. Hiện tại, có nhiều chủ trang trại trên vùng cát Quảng Điền đã sắm cả ô tô, như ông Trần Thiện Chương, bà Trần Thị Tị... Các trang trại này chuyên cung cấp các sản phẩm sạch cho các siêu thị, chợ đầu mối tại Huế và các vùng trong tỉnh…

Nhờ có hướng đi thích hợp, mang lại hiệu quả cao nên vùng cát Quảng Điền ngày một thu hút nhiều người dân lên lập trang trại. Từ một vài trang trại ban đầu, đến nay toàn huyện đã có hơn 90 trang trại. Hầu hết đều đạt tiêu chí; có thu nhập khá, thấp nhất 250 triệu đồng/năm, cao nhất trên 1 tỷ đồng/năm. UBND huyện Quảng Điền đang tiến hành khảo sát, cấp quyền sử dụng đất cho các trang trại làm ăn có hiệu quả; đồng thời, tiếp tục vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế trang trại, không chỉ trên vùng cát mà còn phát triển ở các vùng đất, mặt nước khác, phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện có 200 trang trại đạt tiêu chí; góp phần đưa kinh tế huyện nhà phát triển.

Bài, ảnh: Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thủ lĩnh” nông dân nhiều tâm huyết

Những cánh đồng sản xuất theo mô hình canh tác lúa hữu cơ ở xã Phú Mỹ (Phú Vang) diện tích ngày càng mở rộng. Ở đó có rất nhiều tâm huyết và nỗ lực của ông Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Phú Mỹ 1, đóng góp vào sự phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

“Thủ lĩnh” nông dân nhiều tâm huyết
Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản phẩm sạch, công nghệ cao

Phát triển các loại cây trồng mũi nhọn phù hợp với đất đai, khí hậu ở mỗi địa phương, mở rộng các vùng sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ... là mục tiêu trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thị xã Hương Trà theo hướng sản phẩm sạch, công nghệ cao.

Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản phẩm sạch, công nghệ cao
Vai trò mới của các hợp tác xã nông nghiệp

Hiện nay, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các ngành nghề. Các HTX thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy vai trò kết nối với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.

Vai trò mới của các hợp tác xã nông nghiệp
Động lực… thoát nghèo

Hai năm qua, huyện A Lưới đã triển khai chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 của Chính phủ. Nguồn tín dụng ưu đãi này đã và đang hỗ trợ người dân phát triển sinh kế, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Động lực… thoát nghèo

TIN MỚI

Return to top