Từ những bước đi đầu tiên
Có được những kết quả đó là nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân địa phương trong việc thực hiện các chương trình, mục tiêu đặt ra cho từng thời kỳ, trong đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Khởi đầu từ làng Bồn Trì vào năm 1999, đến nay toàn phường có 7/7 làng và 5/5 cơ quan được công nhận đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 2 làng được UBND tỉnh công nhận. Có 1.376/1.416 hộ tự nguyện đăng ký xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) và 1.212 hộ được công nhận đạt chuẩn GĐVH. Hương An còn thành lập 7 CLB GĐVH với sự tham gia của trên 600 hội viên.
 |
Đua ghe, nét văn hóa truyền thống của người dân Hương An
|
Kết quả trên xuất phát từ hiệu quả của cách thức tổ chức phong trào. Các trình tự tổ chức xây dựng làng văn hóa được “cụ thể hóa” bằng cách đưa vào nghị quyết của Đảng ủy, HĐND phù hợp với từng giai đoạn để triển khai thực hiện. Hương An cũng xác định cuộc vận động là quá trình lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hạ tầng nông thôn, các thiết chế văn hóa... làm cho văn hóa thật sự thấm sâu vào đời sống tinh thần của người dân.
Đến kết quả đáng tự hào
Hương An hôm nay đã có trên 8km đường trục chính, hơn 22km đường thôn, xóm được bê tông, nhựa hóa 100%; tuyến đường qua trung tâm phường được mở rộng và chiếu sáng hàng đêm. Hệ thống cơ sở hạ tầng, gồm điện đường trường trạm cũng không ngừng được các cấp quan tâm, đầu tư. Từ năm 2000 đến nay, tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng, gồm 85 công trình lớn nhỏ được xây dựng. Các chương trình dự án để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng có hiệu quả thực sự đã làm thay đổi, xóa dấu tích của xã nghèo “6 không” ngày thành lập.
Nghị quyết ở các kỳ đại hội Đảng xác định mũi nhọn kinh tế của phường là nông nghiệp - dịch vụ, ngành nghề; trong đó, lấy thế mạnh trồng rau màu làm nền để nông nghiệp phát triển. Ông Nguyễn Thuận, Chủ tịch UBND xã Hương An phấn khởi: “Bắt đầu từ năm 2005, những vùng chuyên canh rau, đặc biệt là trồng hành được đưa vào Nghị quyết để thực hiện. Đến nay, Hương An có 35 ha chuyên trồng hành, rau màu cho hiệu quả kinh tế cao, với giá trị 01 ha canh tác đạt 200 triệu/năm; gấp 4 lần trồng lúa”. Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn phường đã giảm đáng kể, từ 47% (năm 1999) thì nay giảm còn trên 10%. Gần 100% hộ dân được sử dụng điện trong sản xuất và sinh hoạt; 100% hộ gia đình ở Hương An có xe máy, 98% hộ có phương tiện nghe nhìn và tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố đạt 91%... chất lượng cuộc sống của người dân cũng liên tục được nâng cao. Mô hình làng văn hóa không có tội phạm và tệ nạn xã hội được triển khai ở 4/7 làng góp phần giữ vững trật tự an toàn nông thôn và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh.
Liên Minh