ClockThứ Tư, 07/10/2015 14:39

Quảng Điền: Chủ động trước mùa mưa bão

TTH - Là địa phương thấp trũng, hàng năm, Quảng Điền chịu ảnh hưởng không nhỏ do mưa bão gây ra.

Ngư dân ven biển thiếu chỗ neo đậu tàu thuyền tránh bão

Trên địa bàn huyện có khá nhiều tuyến đê, kè bị hư hỏng chưa được đầu tư. Nguy hiểm nhất phải kể đến tuyến đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ dài 3,8km, ngăn chặn nước lũ tràn về vùng hạ lưu, ổn định cuộc sống cho hơn 3.000 hộ dân các xã Quảng Thọ, Quảng Phước và Quảng An. Do ảnh hưởng của những đợt mưa bão trước, nhiều điểm của tuyến đê này bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2014, huyện Quảng Điền đầu tư 900 triệu đồng tu sửa, gia cố và làm con lươn chặn lũ. Tuy nhiên, do tuyến đê quá dài, chi phí đầu tư cho công tác khắc phục xử lý sạt lở lớn nên hiện vẫn còn hơn 600 m ở vùng trọng yếu chưa được kiên cố hóa.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện: “Nhiều tuyến đê, kè, bờ bao bị xuống cấp hư hỏng tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong mùa mưa bão. Trong đó, tuyến đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ qua địa bàn xã Quảng Thọ nếu vỡ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ dân sống dọc khu vực này. Ngoài ra, tình hình sạt lở bờ sông, an toàn hồ chứa cũng rất đáng lo”.
Với số dân 217 hộ, thôn Cư Lạc (xã Quảng Lợi) có trên 80 chiếc thuyền các loại, người dân trong thôn đang rất lo lắng không biết neo đậu tàu thuyền ở đâu trong mùa mưa bão. Ông Phan Đăng Bảo, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho hay: Hiện xã có 1 âu thuyền tránh bão ở thôn Ngư Mỹ Thạnh đáp ứng nhu cầu neo đậu tàu thuyền cho khoảng ½ cư dân ven phá của xã. Số còn lại người dân phải men theo các đường kiệt dẫn tàu thuyền vào neo đậu trong nhà dân khi có mưa bão. Tuy nhiên năm nay, đê Tây phá Tam Giang được đầu tư có mặt đê rộng 5m bằng bê tông, độ cao cũng hơn rất nhiều so với mặt bằng của khu đất ở nên khi có lụt bão, người dân khó đưa tàu thuyền vượt qua tuyến đê để vào neo đậu trong khu dân cư.
Tại 2 xã ven biển Quảng Ngạn, Quảng Công, do sạt lở bờ biển nên độ chênh giữa bờ biển và khu vực dân cư khá cao gây khó khăn cho ngư dân khi muốn di chuyển tàu, thuyền vào tránh trú. Ngoài ra, hạ tầng các khu tái định cư ven biển vẫn còn thiếu, người dân còn tư tưởng chủ quan không chuyển vào khu tái định cư cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Nhận thức được những khó khăn của địa phương trong mùa mưa bão, huyện Quảng Điền đã tập trung kiện toàn lại Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn (PCLB – TKCN) từ huyện đến cơ sở, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Ngoài ra, huyện còn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao năng lực phòng, chống lũ quét, sạt lở trong cộng đồng dân cư; cảnh báo sớm về mức độ nguy hại của bão lũ, chủ động phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; nâng cao năng lực tổ chức ứng cứu, khắc phục thiên tai theo phương châm “5 tại chỗ”. Đến nay, huyện đã dự trữ 30 tấn gạo; 10.000 gói mì ăn liền; 1.000 lít xăng, 1.000 lít dầu diezel, 10.000 bao tải, 100 rọ thép để ứng cứu kịp thời khi có thiên tai xảy ra.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cho hay: Với phương châm “5 tại chỗ”, huyện chủ trương phát huy cao độ tính tự lực và khả năng tự có của mỗi gia đình, mỗi cơ quan, sự tương trợ của cộng đồng trong mỗi thôn, xóm trong phòng, chống thiên tai. Trong đó, mọi người tự ứng cứu lẫn nhau là rất quan trọng. Mỗi thôn, xóm, hộ gia đình phải chủ động trong phòng chống thiên tai và dự phòng các nhu yếu phẩm cần thiết. UBND huyện và chính quyền các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện, phương tiện và có phương án kịp thời sơ tán dân ở các khu vực quá thấp trũng, ven sông, ven phá, ven biển, dưới chân đê xung yếu, cư dân thuỷ diện đến nơi an toàn.
Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng

3.400 lượng vàng đã trúng thầu trong phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm tạm ngừng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ghi nhận trên thị trường, giá vàng đã giảm khá mạnh do ảnh hưởng từ thị trường thế giới cũng như thông tin về đấu thầu vàng miếng thành công.

Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng
Chương trình Phát triển các đô thị loại II: Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng

Nhiều hạng mục công trình thuộc các gói thầu của Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - DA thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA đô thị xanh) bị “đứng hình” do bế tắc hoặc gặp khó trong công tác giải phòng mặt bằng (GPMB), dẫn đến công trình chậm tiến độ kéo dài.

Chương trình Phát triển các đô thị loại II Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng
Return to top