ClockThứ Bảy, 07/11/2015 16:26

Tiên phong giúp dân

TTH - Ngồi trên con đập, hướng ánh mắt về phía mặt nước mênh mông của phá Tam Giang, ông Nguyễn Khoai  (47 tuổi, thôn Nghi Xuân, xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc) trầm tư: “Hơn hai chục năm làm trưởng thôn, đến hôm nay tui mới hả lòng hả dạ khi bà con ai nấy đều biết cách phát triển kinh tế. Ở làng chài Nghi Xuân không còn lo nghèo đói nữa, cuộc sống đổi thay nhiều rồi”.
Chuẩn bị dụng cụ cho chuyến đánh bắt kế tiếp

Không quá dựa vào nguồn lợi tự nhiên

Làng chài Nghi Xuân nép mình bên phá Tam Giang rộng lớn. Từ lâu, người dân nơi đây được thiên nhiên ban cho một lượng thủy sản dồi dào. Là cư dân miền sông nước, như bao người dân khác ông Nguyễn Khoai lấy cái nghề đánh bắt thủy hải sản làm kế sinh nhai. Ông kể: “Tui sinh ra đã là một ngư dân “chính hiệu”. Sáng giăng câu, chiều buông lưới kiếm con tôm, con cá nuôi sống gia đình. Thoạt đầu nghĩ rằng kiếm “lộc trời” hàng ngày trên phá cũng sẽ đủ mưu sinh cho cả cuộc đời, nhưng rồi lại nghĩ nếu đánh bắt không hợp lý thì nguồn lợi thủy sản có dồi dào đến đâu cũng sẽ cạn kiệt nên tui quyết định chuyển qua nuôi trồng”.

Được sự hỗ trợ của Nhà nước, ông Khoai mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi chuyên canh tôm sú. Với diện tích hơn 2 ha, mỗi năm mang về thu nhập 40-50 triệu đồng/ha/vụ. Từ chuyên đánh bắt, ông trở thành người đầu tiên ở làng chài biết nuôi trồng thủy hải sản. Thâm niên mấy chục năm làm nghề “nuôi trồng”, ông Khoai đúc rút được kinh nghiệm rằng: “Trời cho mặt nước, mình cần mạnh dạn đầu tư. Thế nhưng, nuôi chuyên canh tôm sú rủi ro rất cao. Những lúc “trái gió trở trời”, trong phút chốc cơ nghiệp sẽ tan thành mây khói. Và, nuôi tôm sú phải sử dụng thức ăn công nghiệp, hóa chất, nguồn nước dễ dàng bị ô nhiễm nên buộc mình phải thay đổi cách nuôi. Nhiều năm trước, có vụ bà con trắng tay vì ô nhiễm nguồn nước”.

Ở Nghi Xuân, khi mô hình nuôi tôm sú trở nên phổ biến thì có vụ 80% hộ nuôi nơi đây thua lỗ, dẫn đến nợ nần. Thời điểm thua lỗ nặng nhất là vụ nuôi năm 2005, khiến không ít các hộ dân phải bỏ hồ. Nhằm tìm ra cách nuôi hợp lý, ông Nguyễn Khoai một lần nữa tiên phong chuyển đổi phương thức, kỹ thuật nuôi. Từ việc chỉ chuyên canh nuôi tôm sú, ông chuyển sang mô hình nuôi xen ghép tôm, cua, cá. Xét trên nhiều khía cạnh, nuôi xen ghép rất phù hợp bà con nơi đây. So với việc nuôi chuyên canh tôm sú, nuôi xen ghép mang lại hiệu quả cao hơn, ít sử dụng hóa chất nên cải thiện được vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Ông Khoai chia sẻ: “Sau lần thua lỗ nặng vào năm đó. Diện tích nuôi trồng thủy sản ở địa phương bị thu hẹp đáng kể. Với tư cách là cán bộ thôn, tui được đi học lớp bồi dưỡng về kỹ thuật nuôi trồng tại Trung tâm Khuyến ngư tỉnh. Năm 2009, tui vận động bà con chuyển sang mô hình nuôi xen ghép nhưng bà con lại nghi ngờ về mô hình này. Và, một lần nữa tui tiên phong làm để thuyết phục bà con. Dần dà bà con mới tin rồi chuyển đổi mô hình”.

Bây giờ với hơn 2 ha nuôi xen ghép, mỗi năm ông Khoai lãi hơn 100 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. “Nếu như trước đây, cứ độ tháng 7 thì bà con phơi hồ thì nay nuôi được quanh năm. Nuôi xen ghép có nhiều cái lợi, ngoài bảo vệ được nguồn nước, chi phí đầu tư cho thức ăn cũng được giảm xuống. Sau khi thực hiện được chủ trương của Nhà nước về việc sắp xếp lại nò sáo thì dòng chảy được khơi thông, lượng cá tôm trên đầm phá được tăng lên rõ rệt. Do vậy, ngoài nuôi trồng bà con còn hưởng lợi nhiều từ việc đánh bắt hợp lý thủy sản trên phá”, ông Khoai nói.

Giúp dân phát triển kinh tế

Ông Nguyễn Khoai là người tiên phong đưa các mô hình nuôi trồng thủy sản đến với bà con xã Vinh Giang, giúp bà con tìm hướng đi bền vững trong việc phát triển kinh tế. Để bà con tin tưởng về sự hiệu quả của các mô hình, ông tự mình làm thử nghiệm đầu tiên rồi vận động bà con làm theo. Với vai trò là trưởng thôn Nghi Xuân và Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Giang Xuân, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với tinh thần, trách nhiệm cao. Ông được ban ngành các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen, ông Phan Viết Hiền, Quyền Chủ tịch UBND xã Vinh Giang cho biết.

Trên đường dẫn chúng tôi ra tham quan các hồ nuôi trồng thủy sản, ông Khoai dừng chân trò chuyện với một hộ dân vừa đánh bắt về. Không đơn thuần chỉ chuyện trò, ông Khoai còn bắt tay, hướng dẫn cho hộ dân đó về phương pháp đánh bắt. Quay sang tôi, ông bảo: “Toàn thôn có hơn 200 hộ dân, nhưng có đến 70% là dân vạn đò lên tái định cư. Trước đây, đời sống của họ rất khó khăn, chỉ ở nhà tre vách nứa và không có nghề nghiệp ổn định. Nhưng nay nhiều bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu, thu nhập trung bình từ 50-70 triệu đồng/năm . Số hộ nghèo cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có được điều đó là nhờ nuôi trồng thủy sản”.

Giờ những con tôm, cua, cá giúp người dân địa phương làm giàu. Và ông Nguyễn Khoai, người tiên phong đưa mô hình này về địa phương cũng đã thấy an lòng. “Trình độ dân trí của bà con không cao nên việc chi cũng cần cán bộ làm trước thì họ mới tin. Mình làm trước, có kinh nghiệm rồi truyền đạt, hướng dẫn cho bà con làm theo. Thậm chí, tui còn ra tận hồ nuôi giúp họ, tư vấn về cách tạo con giống, thức ăn và thị trường đầu ra. Gần 100% hộ dân ở địa phương đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản nên lúc có những văn bản liên quan đến vấn đề này thì tui thường tổ chức tuyên truyền ngay cho bà con”, ông Khoai tâm sự.

Ông Nguyễn Đấu (người dân thôn Nghi Xuân) chia sẻ: “Nhờ ông Khoai mà tụi tui biết được cách phát triển kinh tế bền vững. Trước đây, mạnh ai nấy làm nhưng bây giờ thì ai cũng nuôi theo mô hình nuôi xen ghép. Thông qua ông Khoai mà tụi tui biết được cách để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không đánh bắt hủy diệt”.

Với tư cách là Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Giang Xuân, xã Vinh Giang, ông Nguyễn Khoai còn tích cực tuyên truyền để bà con ngư dân chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản. “Sau khi bà con được cấp mặt nước để đánh bắt, nuôi trồng, tụi tui liền tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo để họ bỏ nghề đánh bắt hủy diệt. Đồng thời, tuyên truyền cho bà con chuyển đổi mắt lưới lừ phù hợp với quy định của Nhà nước. Đến nay, bà con chấp hành khá tốt”, ông Khoai cho biết.

Bài, ảnh: Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận 5 cá thể rùa quý

Ngày 25/4, Hạt Kiểm lâm (HKL) TP. Huế tiếp nhận một cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung từ ông Đỗ Văn Minh ở phường An Đông tự nguyện giao nộp.

Tiếp nhận 5 cá thể rùa quý
Ba doanh nghiệp lữ hành ký kết hành động giảm nhựa

Sáng 25/4, Hiệp hội Du lịch tổ chức lễ ký kết hành động giảm dùng đồ nhựa một lần cho 3 doanh nghiệp (DN) lữ hành tiên phong tại TP. Huế, thuộc Hội Lữ hành - Hiệp hội Du lịch, gồm: Công ty Du lịch kỳ nghỉ Huế (Huế Vacation), Công ty Du lịch RESTOUR, Công ty Du lịch An Phú.

Ba doanh nghiệp lữ hành ký kết hành động giảm nhựa
Return to top