ClockChủ Nhật, 08/09/2019 12:05

Câu hỏi điểm liệt sát hạch lái xe ô tô: Khó đo lường kiến thức người học

TTH.VN - Bộ 600 câu hỏi sát hạch lý thuyết lái xe ô tô với 100 câu hỏi điểm liệt sắp được đưa vào sử dụng thay cho bộ 450 câu hiện hành. Mỗi đề sẽ có 1-2 câu điểm liệt, chỉ cần sai 1-2 câu này, dù còn lại đều đúng cũng không đạt. Vì thế, việc đạt sát hạch lý thuyết sẽ trở nên khó khăn hơn. Nhưng liệu như vậy có giúp nâng cao kiến thức lái xe so với trước đó?

Điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tôHọc lái xe không chỉ để “xóa mù”Khánh thành trung tâm sát hạch lái xe ô tô

Sát hạch lý thuyết lái xe trên máy vi tính

Không phổ biến

Trắc nghiệm khách quan từ lâu đã được sử dụng rộng rãi để kiểm tra, đánh giá về kiến thức ở hầu hết các trình độ, ngành nghề. Tìm hiểu đề sát hạch lý thuyết của một số nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Hà Lan, Thụy Điển, Đức, Nhật, Trung Quốc, Singapore,… thì đều không có câu hỏi điểm liệt. Ở các đề thi trắc nghiệm phổ biến khác ở nước ta như tiếng Anh, tin học, thi học kỳ cũng không có câu hỏi điểm liệt. Có thể nói câu  hỏi điểm liệt dự kiến thực hiện trong sát hạch lái xe ô tô là rất khác biệt so với thế giới, không phổ biến và thậm chí là không có trong thi trắc nghiệm khách quan nói chung.  

Khi thi trắc nghiệm trên máy tính, câu trả lời được chọn chỉ bằng một cái click chuột, nên nhầm lẫn do vội vàng hoặc chủ quan là có thể xảy ra. Liệu có công bằng không khi đúng 29/30 câu hỏi mà trượt chỉ vì nhầm lẫn ở mỗi câu điểm liệt, trong khi yêu cầu đạt là 26/30? Nếu không phải do nhầm lẫn mà do sai thực sự thì có công bằng không? Kiến thức lý thuyết lái xe đâu chỉ được quyết định bởi 1 hoặc 2/30 câu hỏi? Chắc gì người đạt 26/30 gồm cả câu hỏi điểm liệt có kiến thức nhiều hơn người chỉ sai 1-2 câu điểm liệt?

Mặt khác, trắc nghiệm cũng chỉ là một cách thức đánh giá, ngoài ra còn có tự luận, vấn đáp và phối hợp nhiều cách thức. Chưa có bài thi tự luận, vấn đáp nào chỉ vì sai một nội dung mà hủy toàn bài cả, có chăng chỉ là quy định phạm húy thời xưa.

Chênh lệch về độ khó

Trong 100 câu hỏi điểm liệt có 58 câu về quy tắc giao thông, 12 câu về kỹ thuật lái xe ô tô và 30 câu về sa hình xử lý tình huống giao thông. Giữa ba nội dung hỏi này và cả giữa các câu hỏi trong cùng một nội dung có sự chênh lệch nhau về độ khó.

Để trả lời được câu hỏi 27 (kỹ thuật lái xe), ta chỉ cần “biết” một nội dung là  ban đêm xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau thì phải chuyển từ đèn chiếu xa sang đèn chiếu gần. Trong khi đó, để trả lời câu hỏi 75 (sa hình) thì phải “phân tích” dựa vào ba nội dung kiến thức khác nhau: 1. Xe ưu tiên, 2. Các nguyên tắc nhường đường qua nơi giao nhau và 3. Biển báo hiệu bắt đầu đường ưu tiên, biển phụ chỉ hướng đường ưu tiên. Theo thang cấp độ tư duy Bloom (1956), “biết” là thấp nhất, sau đó tăng dần là “vận dụng – phân tích – tổng hợp – đánh giá”. Trượt vì sai câu hỏi 27 và vì sai câu hỏi 75 liệu có như nhau? Hay đạt vì đúng câu hỏi 27 và trượt vì sai câu hỏi 75, ai là người có kiến thức hơn?

Hay cùng là về sa hình, tình huống giao thông ở câu hỏi 73 rõ ràng là phức tạp hơn hẳn ở câu hỏi 79. Nên khi tổ hợp vào đề sát hạch, có thể xảy ra tình huống cùng là một người nếu gặp khó thì trượt, còn gặp dễ hơn thì đạt. Khá giống với “học tài, thi phận” vậy.

Khó đo lường được kiến thức người học

“Trắc" có nghĩa là đo lường, còn "nghiệm" là suy xét, chứng thực. Trắc nghiệm là để đo lường xem người học lái xe ô tô đã đạt yêu cầu kiến thức đề ra hay chưa và sau đó chứng thực cho họ bằng giấy phép lái xe. Ưu điểm của trắc nghiệm là thực hiện được với số lượng lớn thí sinh, kết quả nhanh, điểm số đáng tin cậy và công bằng. Tuy nhiên, nhược điểm chính là khó soạn đề và phải tốn nhiều công sức. Nghĩa là trắc nghiệm chỉ đo lường hiệu quả với một bộ câu hỏi và đề thi được thiết kế, biên soạn tốt.

Để thiết kế đề trắc nghiệm, trước hết phải xây dựng một ma trận kiến thức cho đề trắc nghiệm, sau đó xác định số câu hỏi ứng với mỗi ô ma trận theo nội dung và cấp độ tư duy thích hợp. Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cũng phải đánh giá “độ khó”, “độ phân biệt” và “độ tin cậy” của từng câu. Tính chất của một đề trắc nghiệm phụ thuộc vào mục tiêu đo lường của kỳ thi. Như thế, điểm số đạt được mới phản ánh được kiến thức của người học.

Do vậy, có thể nói việc thiết kế thêm câu hỏi điểm liệt vào đề sát hạch lái xe ô tô hoàn toàn không có tác dụng đo lường mà chỉ để gây khó khăn cho người học. Dĩ nhiên, không có tác dụng đo lường thì cũng không thể khiến kiến thức người học phát triển hơn so với không có câu hỏi điểm liệt.

Tóm lại, đưa ra các câu hỏi điểm liệt có tác dụng làm cho việc đạt sát hạch lý thuyết trở nên khó khăn hơn, theo hướng nhiều rủi ro hơn, chứ hoàn toàn không giúp nâng cao hiểu biết so với không dùng câu hỏi điểm liệt, cũng không đo lường được kiến thức người học. Đồng thời, rủi ro còn nằm ở sự chênh lệch về độ khó ở những đề sát hạch khác nhau khi tổ hợp. Sẽ có người gặp câu dễ, người gặp câu khó, nên sẽ gây ra thiếu công bằng trong sát hạch lý thuyết. Như vậy, câu hỏi điểm liệt thực sự không phù hợp về mặt giáo dục, ít nhất là trên phương diện lý luận. Do đó, có thể giữ các câu hỏi này nhưng bỏ tính điểm liệt. Đồng thời để gia tăng yêu cầu về kiến thức, việc nên làm là tăng số lượng câu hỏi trong mỗi đề và tăng tỷ lệ câu hỏi có độ khó cao.

Bài, ảnh: Nguyễn Xuân Trung

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ

Tình trạng xe container, đầu kéo, xe hợp đồng chở khách, xe chạy tuyến cố định vi phạm tốc độ dù đã được kiểm tra, xử lý nhắc nhở thường xuyên, song vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Giải pháp đặt ra vẫn là quản lý chặt chẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa các phương tiện vi phạm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Nâng cấp nội thất ô tô uy tín với Donoithatxeoto

Ngày nay, ô tô trở thành một phương tiện được sử dụng phổ biến với đa dạng các dòng xe nhập khẩu và nội địa. Bên cạnh kiểu sáng, mẫu mã thì nội thất bên trong của ô tô cũng rất được chú trọng. Chính vì vậy, Donoithatxeoto không ngừng nỗ lực để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm hài lòng nhất.

Nâng cấp nội thất ô tô uy tín với Donoithatxeoto
“Cấp thuốc” đủ liều, “uống thuốc” nghiêm túc

Từ đường Thanh Hải tiến ra đường Điện Biên Phủ, cách ngã ba độ chừng 50m, tôi đã lo đánh xi nhan, nhấn còi cảnh báo. Đến ngã ba, cho xe dừng lại để quan sát, khi thấy cả 2 phía đường Điện Biên Phủ đã đảm bảo an toàn, tôi mới từ từ nhả phanh, cho ô tô quẹo trái để tiến về cơ quan. Nhưng khi xe còn chưa kịp nhập hết vào làn bên phải, thì bỗng đâu 1 chiếc 16 chỗ, biển vàng phóng qua sát sạt bên phải xe làm tôi giật bắn cả mình.

“Cấp thuốc” đủ liều, “uống thuốc” nghiêm túc

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top