ClockThứ Tư, 03/06/2015 16:08

Kịp thời phòng bệnh viêm màng não

TTH - Viêm màng não (VMN) là bệnh nguy hiểm, dẫn đến những hậu quả nặng nề. Bệnh gây tử vong nhanh nếu không điều trị kịp thời. Tỉnh ta tuy chưa có dịch VMN, song trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ bị bệnh là khó tránh khỏi. Xung quanh việc phòng chống căn bệnh này, Báo Thừa Thiên Huế đã phỏng vấn TS, bác sĩ Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng.

Thưa TS, xin ông cho biết nguyên nhân mắc bệnh VMN?

Mới đây Bộ Y tế đưa ra thông báo về bệnh VMN do vi khuẩn não mô cầu, vi khuẩn gây bệnh là Neisseria Meningitidis. Có hơn 13 nhóm nhỏ trong đó 6 nhóm gây bệnh chính là A, B, C, W135, X và Y, trong đó ở Việt Nam thường gặp nhóm A, B, C. Ngoài ra, phế cầu là vi khuẩn gây VMN phổ biến nhất ở người lớn và đứng hàng thứ hai ở trẻ em trên 6 tuổi. Bệnh gây suy hô hấp, phù não nặng, sốc không hồi phục, áp-xe não, viêm phổi, viêm thận, loét rộng và suy kiệt, trạng thái mất não kéo dài, tử vong cao. Viêm màng não HIB là do vi khuẩn Hemophilus influenzae týp B (HIB) gây nên. Vi khuẩn này thường gặp ở mũi và họng. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trong đó trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. VMN do biến chứng từ bệnh chân-tay-miệng, từ viêm não Nhật Bản; ngoài ra, còn có thể do vi rút, nấm, ký sinh…
Bệnh VMN lây truyền từ đâu, thưa TS?
Từ nhiều nguồn. VMN do HIB. Vi khuẩn HIB thường gặp ở mũi và họng, lây truyền từ người này sang người khác qua những giọt nước bọt do hắt hơi và ho. Vi khuẩn HIB cũng có thể lây lan qua đồ chơi dùng chung hoặc các đồ vật mà trẻ thường ngậm vào miệng. VMN do mô cầu lây qua đường hô hấp và có thể lây nhiễm qua tiếp xúc với bàn tay, vật dụng cá nhân bị nhiễm vi khuẩn từ bệnh phẩm của bệnh nhân. VMN còn lây truyền qua muỗi đốt.
TS có thể cho biết triệu chứng của bệnh?
Triệu chứng ban đầu của viêm màng não do HIB là trẻ sốt li bì, sổ mũi, ho... Sau đó, trẻ có thể bú kém hoặc bỏ bú, quấy khóc, nôn, thóp phồng (trẻ dưới 12 tháng tuổi). Một số trẻ có thể có kèm tiêu chảy. Bệnh tiến triển rất nhanh, sau 1 - 2 ngày, nếu không điều trị, người bệnh sẽ hôn mê, co giật. Ở giai đoạn nặng, thường để lại di chứng rất nặng nề về thần kinh, khiến trẻ bị điếc, trí tuệ sa sút, mất khả năng học tập, khó khăn khi vận động... hoặc tử vong. Nguy hiểm là người bệnh có thể mang vi khuẩn HIB mà không có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh nên dễ phát tán ra cộng đồng. Khi thấy trẻ có một vài triệu chứng như sốt, đau đầu, nôn vọt nên sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế. Viêm màng não do HIB, nếu được điều trị sớm và kịp thời sẽ hạn chế tối đa các di chứng. 
Viêm màng não do mô cầu là bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng và thường để lại di chứng về thần kinh. Sau khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể, ủ bệnh từ 5-7 ngày, người bệnh có triệu chứng sốt cao (39-40oC), đau đầu, buồn nôn, nôn, cổ cứng, có thể bị co giật, có ban xuất huyết như chấm hồng hoặc mụn nước...Sau 1-2 ngày nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có biểu hiện lơ mơ hoặc hôn mê, thậm chí xuất hiện mảng xuất huyết và xảy ra sốc, dễ gây tử vong.
VMN do vi khuẩn phế cầu. Bệnh gây viêm màng não phổ biến nhất ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi. Những người có nguy cơ mắc cao là người nghiện rượu, bệnh nhân đái tháo đường, viêm tai giữa, viêm xoang, sau chấn thương hoặc vết thương sọ não... Bệnh có triệu chứng: sốt cao (39-40oC) liên tục, nhức đầu, đau mỏi cơ khớp...   Nếu có nhiễm khuẩn huyết thì sốt cao dao động, có cơn rét run, sốc, trụy tim mạch, tụt huyết áp, nước tiểu ít. Có các dấu hiệu cứng gáy, sợ ánh sáng và tiếng động.
Cần những biện pháp gì để phòng chống bệnh VMN?
Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh viêm màng não. Biện pháp ngừa bệnh tốt nhất là tiêm vaccin HIB cho trẻ. Trẻ dưới 1 tuổi được phòng bệnh do HIB bằng tiêm vaccin phối hợp phòng 5 bệnh (vaccin tổng hợp 5 trong 1 DPT-VGB-HIB): bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib vào tháng thứ 2, thứ 3 và thứ 4. Ngoài biện pháp tiêm vaccin để phòng bệnh, cần tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường sống. Các phụ huynh, trường học, nhóm trẻ gia đình đặc biệt lưu ý vấn đề này. Điều trị viêm màng não do phế cầu phải theo chỉ định của bác sĩ. Để phòng bệnh, không nên uống rượu, điều trị tích cực các bệnh đái tháo đường, viêm tai giữa, viêm xoang, chấn thương hoặc vết thương sọ não...  . 
Viêm màng não do mô cầu là bệnh do vi khuẩn nên việc sử dụng thuốc điều trị phải do chỉ định của bác sĩ. Bệnh có thể phòng bằng vaccin phòng viêm màng não mô cầu. Hiện nay, ở nước ta có vaccin phòng viêm màng não mô cầu týp A và C. Do bệnh dễ gây thành dịch nhất là trong các nhà trẻ, gia đình, khu phố nên biện pháp phòng bệnh cần vệ sinh răng miệng, môi trường sạch sẽ, cách ly   người bệnh. Khi có các biểu hiện của viêm màng não mô cầu, cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị... 
Xuân Hồng (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư về “đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”, sáng 16/4 Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm cầu trong nước nhằm đánh giá những kết đạt được cũng như những tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước
Tôn vinh gương sáng nhân đạo

Sáng 14/4, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế tổ chức chương trình gương sáng nhân đạo 2024 với chủ đề “Hành trình sẻ chia”.

Tôn vinh gương sáng nhân đạo

TIN MỚI

  • Telfor Điều trị viêm mũi dị ứng
Return to top