ClockChủ Nhật, 12/04/2020 05:57

KTS Nguyễn Xuân Minh & những không gian “cảm xúc”

TTH - Không chỉ hướng đến công năng và những kỹ thuật trong xây dựng, thiết kế của KTS. Nguyễn Xuân Minh (Chủ tịch HĐQT Công ty Kiến trúc BHA) được đánh giá cao, bởi anh luôn quan tâm đến cảm xúc của các không gian kiến trúc.

Để cuộc sống trong ngôi nhà thú vị hơn

KTS. Nguyễn Xuân Minh

Khiêm nhường và gần gũi, “Nhà nguyện Khâm Mạng” là nơi thực hành cầu nguyện hàng ngày của gần 100 nữ sinh nhỏ tuổi thuộc Hội dòng Mến Thánh giá Huế. Với diện tích 300m2, công trình được KTS. Nguyễn Xuân Minh thiết kế có hình khối cô đọng với một đường dốc xoắn ốc bao quanh một khối hộp. Các nữ tu có thể chậm rãi đi trên đường dốc dài để đến một không gian vườn trên mái giật cấp. Điểm cuối, trên đỉnh nhà nguyện đặt một thánh giá lớn. Con đường, khu vườn và thánh giá là ẩn dụ sâu lắng về hành trình tu hành.

Năm 2019, công trình “Nhà nguyện Khâm Mạng” được trao giải A giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ VI chuyên ngành kiến trúc. Theo đánh giá của hội đồng nghệ thuật, với những giải pháp ánh sáng, màu sắc hay tổ chức không gian, việc thiết kế, xây dựng và trang trí nhà nguyện “gợi lên sự ngạc nhiên rồi vượt qua vẻ đẹp của nó để đến với Thiên Chúa vô hình”.

Công trình “Nhà nguyện Khâm Mạng”

Theo KTS. Nguyễn Xuân Minh, ánh sáng trong công trình được sử dụng như là một chất liệu quan trọng của kiến trúc. Anh chia sẻ: “Trong quá trình thiết kế, tôi tính toán kỹ hướng để bố trí các khe sáng làm cho nội thất cung thánh luôn biến đổi, cảm xúc. Quỳ dưới tượng Chúa, tại một số thời điểm trong ngày, khi mặt trời chiếu xuống qua khe sáng trên mái, sự chuyển tiếp của bức tường bê tông nghiêng lên bầu trời phía trên tạo cảm giác rất huyền ảo. Với việc sử dụng hình khối đơn giản, dùng vật liệu địa phương và thi công thủ công giúp công trình có chi phí rất thấp”.

“Nhà nguyện Khâm Mạng” chỉ là một trong nhiều công trình được đánh giá cao của KTS. Nguyễn Xuân Minh. Anh còn thiết kế nhiều công trình đặc sắc, tiêu biểu ở Huế và miền Trung, như: Nhà hát sông Hương, Khách sạn Mercure, Bệnh viện Quốc tế Huế, ischool Quảng Trị, V house Đà Nẵng… Anh từng đạt giải Merit BCI công trình xanh châu Á 2019, giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2019, bằng cống hiến 1 trong 10 kiến trúc sư trẻ Việt Nam 2018, giải vàng Kiến trúc xanh Việt Nam 2018, là một trong 10 kiến trúc sư tiêu biểu Việt Nam giai đoạn 2010-2015…

Công trình “Nhà hát Sông Hương”

Kiến trúc của Nguyễn Xuân Minh luôn gắn liền với ánh sáng, không gian và nơi chốn, cho dù đó là công trình nhỏ hay lớn. Để có nhiều thiết kế được đánh giá cao, điều quan trọng nhất anh hướng đến chính là không gian kiến trúc, tạo lập để kiến trúc có cảm xúc, khơi gợi được cảm xúc. Không gian trong công trình của anh thường khá “nhập nhằng”. Anh thích sử dụng những khoảng chuyển tiếp, khoảng mở, những khoảng không gian không rõ ràng về công năng. Điều này phù hợp với điều kiện khí hậu ở Huế nắng nóng mưa nhiều và tính cách Huế thích nhẹ nhàng, cởi mở với thiên nhiên. Nguyễn Xuân Minh cũng luôn ám ảnh về ánh sáng, sử dụng ánh sáng và điều chỉnh ánh sáng phù hợp với không gian. Các công trình của anh thường được nghiên cứu lớp vỏ để có thể điều tiết ánh sáng, làm cho không gian luôn biến đổi, thú vị.

“Kiến trúc của tôi luôn neo chặt với nơi chốn, đó là văn hóa sống, tập quán sinh hoạt của người dân, là khí hậu, cảnh quan, điều kiện kinh tế nơi nó tồn tại. Ở miền Trung, bên cạnh những bất lợi về điều kiện tự nhiên thì yếu tố nơi chốn rất rõ nét, đây là vùng có văn hóa đặc sắc, phong phú. Điều này tạo nên những cơ hội cho các kiến trúc sư tìm tòi, sáng tạo nên những thiết kế thích ứng, đặc trưng”, KTS. Nguyễn Xuân Minh nhấn mạnh.

Thiết kế của Nguyễn Xuân Minh cũng hướng đến kiến trúc xanh như là những tiêu chí cần phải có. Anh cho rằng, trong điều kiện hiện nay với sự biến đổi khí hậu, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường thì kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái là xu hướng đương nhiên. Không phải đến bây giờ mà từ xưa, cha ông ta đã có những giải pháp rất phù hợp bằng việc nghiên cứu địa điểm, sử dụng kiến trúc mở, vật liệu địa phương thân thiện môi trường. Trong thời đại hiện nay, chúng ta nên vận dụng kiến trúc xanh bằng giải pháp cụ thể về mặt kỹ thuật để đưa ra các thiết kế tiết kiết năng lượng trong quá trình xây dựng, vận hành và kể cả khi phá hủy công trình.

Bài: MINH HIỀN - Ảnh: NVCC

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần gũi thiên nhiên với biophilic design

Xu hướng thiết kế biophilic design chú trọng việc kết nối con người với các yếu tố từ thiên nhiên, tạo ra không gian chữa lành ngay tại nhà.

Gần gũi thiên nhiên với biophilic design
Cặp linh vật rồng khổng lồ chào đón Tết Giáp Thìn

Một cặp rồng với kích thước lớn - linh vật biểu tượng của năm Thìn đang được tạo hình trước sự tò mò của người dân lẫn du khách. Cặp rồng này được đặt tại không gian khoảng sân lớn đối diện cổng Trường Quốc Học trên đường Lê Lợi, TP. Huế.

Cặp linh vật rồng khổng lồ chào đón Tết Giáp Thìn
Nhà mới với vật liệu cũ

Theo đuổi xu hướng hoài cổ, nhiều người trưng dụng vật liệu cũ để xây dựng, làm lại căn nhà mới. Nếu biết cách sử dụng, thì cũ mà vẫn đẹp, không hề lạc hậu, cũ mà vẫn bền và cũ mà... mới.

Nhà mới với vật liệu cũ
Cá nhân hóa không gian sống

Cá nhân hóa kiến trúc nhà ở là một phương pháp thiết kế và thi công xây dựng nhà ở nhằm tạo ra một không gian phục vụ đúng nhu cầu có tính cá nhân hóa. Ở đó, gia chủ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc vì các không gian đúng gu thẩm mỹ và đáp ứng thói quen sinh hoạt của mình và gia đình.

Cá nhân hóa không gian sống

TIN MỚI

Return to top