ClockThứ Sáu, 09/06/2017 08:29

Kỳ 3: Về Phước Yên, nhớ Tiểu đoàn K8 anh hùng

TTH - Chiều 26/2/1968 [1], qua cửa An Hòa, K8 rút về vùng núi Khe Trái, Hương Trà, chỉnh đốn đội hình, bổ sung lực lượng, sẵn sàng chờ lệnh trở lại đồng bằng.

Về Phước Yên, nhớ tiểu đoàn K8 anh hùng

Đầu tháng 3/1968, quân Mỹ ồ ạt phản kích càn quét đánh phá vùng Ninh – Hòa – Đại rồi đến vùng Phong Nhiêu, Quảng Thái, Tây Hưng. Chúng đóng dã chiến hết thôn xã này đến thôn xã khác, chà đi xát lại, cài ủi làng mạc, nhà cửa còn sót lại, vừa cố tiêu hao lực lượng của ta, vừa tạo thành những vùng trắng gây khó khăn cho ta lâu dài... “Khi phát hiện cán bộ, bộ đội ở vùng nào đó chúng dùng trực thăng đổ bộ tập kích, pháo ngoài hạm đội cứ thường xuyên bắn vào làng mạc, nơi chúng nghi còn có dân, có bộ đội, cán bộ".

Để chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu mới, K8 được tăng cường sở chỉ huy nhẹ của trung đoàn 3, cùng với 3 cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần kỹ thuật, quân số lúc này trên 500 người, trong đó có trên 120 cán bộ sĩ quan, biên chế thành 4 đại đội: 3 đại đội bộ binh và 1 đại đội hỏa lực[2] và các trung đội trực thuộc tiểu đoàn.

Vào đầu tháng 4/1968, K8 được lệnh bí mật luồn sâu xuống vùng đồng bằng huyện Quảng Điền phối hợp với lực lượng địa phương củng cố cơ sở, ổn định chính quyền cách mạng vừa mới thành lập sau Tết Mậu Thân, đồng thời tổ chức “gây hấn” tìm cách kéo giãn quân Mỹ ra xa thành phố, tạo điều kiện cho kế hoạch tấn công nổi dậy đợt II.

Từ căn cứ vùng núi Hương Trà, K8 bí mật hành quân vào ban đêm và phải mất hai đêm mới vượt qua đường Quốc lộ 1 đoạn Hương Văn về trú quân tại làng Thanh Lương. Đơn vị vừa dừng chân thì bị lộ, địch huy động máy bay, xe tăng tới bao vây và liên tục bắn phá, K8 phải phải đánh trả quyết liệt. Ngày 5/4/1968, K8 chuyển quân về làng Phước Yên, đứng chân tại Phe Nam.Với khoảng thời rất gian ngắn, Mỹ đã phát hiện ra, buộc lòng K8 phải nổ súng chiến đấu khi chúng đến gần. Quân Mỹ bị đẩy lùi ra khỏi tầm bắn của bộ binh, sau đó chúng dùng phi pháo bắn vào giữa đội hình K8. Sau ba ngày đêm chiến đấu ở Phước Yên, K8 bí mật rút về vùng xã Quảng An, củng cố lại lực lượng, cứu chữa thương binh nhẹ tại chỗ và chuyển số thương binh nặng lên căn cứ. Do có kế hoạch chuẩn bị địa bàn từ trước nên thời gian K8 trú ở Quảng An khá dài. Nhưng với phương tiện chiến tranh hiện đại, Mỹ lại dò ra nơi trú quân của K8, chúng tăng cường các lực lượng và xe pháo đánh vượt cầu Đông Xuyên- Mỹ Á. Tại đây đã diễn ra một trận chiến dữ dội trong đêm tối giữa đại đội 3 của K8 và 1 tiểu đoàn Mỹ. K8 đã diệt được 15 lính Mỹ, làm cho chúng thất kinh bát đảo, rút chạy về thị trấn Sịa ngay trong đêm ấy[3].

Trước tình thế quân Mỹ tiếp tục tăng cường lực lượng và vũ khí mạnh. Vào đêm 25/4/1968, K8 bí mật hành quân trở lại Phước Yên lần 2. Vừa đến Phước Yên, chưa kịp dừng chân ở Phe Giữa thì trời gần sáng, các đơn vị của K8 khẩn trương triển khai đào công sự, dàn đội hình, sẵn sàng chiến đấu trước những đợt tấn công mới của địch.

Về địa bàn quân sự, Quảng Điền lúc này không còn hậu cứ vững chắc nữa. Vì phía sau lưng là đầm phá, trảng cát trống trải; ba phía còn lại đã bị quân Mỹ bao vây nhiều vòng và đóng quân chia cắt từng phần. Chỉ còn đồng bằng mấy xã (Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Phú) và những cơ sở bám trụ cùng với lực lượng du kích, bộ đội địa phương, thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức từ Huế rút ra đứng chân tại đây. Cả ba thứ quân lúc này thực sự là cùng chung một chiến hào đánh Mỹ.

Khoảng 8 giờ sáng ngày thứ nhất, khi mặt trời vừa ló rạng, Mỹ đã đổ quân nhiều điểm trên cánh đồng làng Phước Yên. Lực lượng đối phương có đến 7 tiểu đoàn, chiếm phần lớn là lính Mỹ. Với lực lượng hùng hậu như thế, chúng triển khai đội hình bao vây làng Phước Yên theo nhiều vòng tuyến. Trận địa Phước Yên lúc này nằm lọt vào giữa gọng kìm của quân Mỹ. Chúng cho máy bay ném bom, pháo kích liên tục xuống trận địa. Sau mỗi đợt bắn phá, chúng dùng loa công suất cực mạnh chĩa vào 4 góc của làng kêu gọi "Việt Cộng" buông súng đầu hàng.

Sau mỗi lần dùng loa kêu gọi chiêu hàng không có kết quả, chúng sử dụng phi pháo, bắn liên tục vào Phước Yên, phá nát cả một ngôi làng cổ từng là thủ phủ Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Và cứ sau một đợt phi pháo, bộ binh Mỹ lại tràn lên tấn công, ngay lập tức bị các chiến sĩ K8 từ dưới công sự bật dậy với AK, súng cối và lựu đạn đánh trả quyết liệt, buộc Mỹ phải lùi ra xa.

Suốt  5 ngày đêm quần nhau, giữa một bên là những chiến sĩ K8 đầu trần chân đất, trong tay chủ yếu là súng bộ binh, một bên là 7 tiểu đoàn Mỹ ngụy được trang bị máy bay, xe tăng, phi pháo và các thứ vũ khí hạng nặng,

vào ngày 28/4/1968, một trận huyết chiến đã đi vào lịch sử bi tráng. Ngày mà K8 đánh trả quyết liệt nhất, cũng là ngày K8 hy sinh nhiều nhất, gần như mất cả tiểu đoàn. Một tổn thất vô cùng nặng nề chưa từng có.

"Trong trận địch vây Tiểu đoàn 8 ở Phước Yên bằng cả bộ binh, máy bay, pháo binh suốt một tuần lễ, tiểu đoàn bị tổn thương nặng, còn lại một số cán bộ, chiến sĩ kiên cường chiến đấu và tìm cách thoát vòng vây của địch".[4]

Với những trận đánh cảm tử, ngoài các chiến sĩ K8 còn có sự tham gia chiến đấu, tải thương, hậu cần của cán bộ, du kích, thanh niên, trí thức Huế về cùng phối hợp chống quân thù. Sau khi mở được đường máu, điểm lại quân số, đã có gần 500 chiến sĩ K8 và hơn 200 cán bộ, bộ đội địa phương, du kích đã vĩnh viễn nằm lại trên cánh đồng làng Phước Yên, dưới lòng sông Bồ và một số làng xã khác của Quảng Điền, những nơi mà đơn vị đóng quân và chiến đấu...

(Còn nữa)

DƯƠNG PHƯỚC THU

[1]. Theo Đại tá Nguyễn Đức Thuận thì đơn vị của ông rút khỏi Huế vào chiều ngày 26/2. Còn theo một số tư liệu khác và ông Lê Hà Học, cựu chiến binh K8, hiện ở tại P.3,quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh thì K8 rút vào chiều ngày 23/2/1968. Ở đây chúng tôi theo Đại tá Thuận.

[2]. Nguyễn Đức Thuận, Ký ức từ trận chiến trở về, bản viết tay, 2/2017.

[3]. Nguyễn Đức Thuận, Ký ức từ trận chiến trở về, bản viết tay, 2/2017.

[4]. BCH Đảng bộ huyện Quảng Điền, Sđd, 1995, tr. 180.

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

Ngày 14/3, tròn 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma
Về làng “check-in”

Để quảng bá cảnh đẹp, thêm điểm vui chơi, giải trí, một số làng quê đầu tư cảnh trí đón khách về “check-in”.

Về làng “check-in”
Nỗ lực và đóng góp

Chiều 27/1, Tiểu đoàn Huấn luyện- Cơ động (HL-CĐ), Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm ôn lại truyền thống 35 ngày thành lập đơn vị. Đây là động lực để Ban Chỉ huy và cán bộ chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn càng nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cơ động lực lượng chi viện cho hai tuyến Biên phòng của tỉnh.

Nỗ lực và đóng góp
Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng facebook về những chiếc xe lam - một thời đã hiện diện trên đất Huế và điện thoại hỏi tôi: “Anh còn nhớ mấy con trâu cày đường nhựa” không? Tôi trả lời ngay với chú em rằng: Làm sao quên được- nó là một phần đời tuổi thơ của chị em tôi trong những năm còn khó khăn.

Nhớ những chuyến xe lam
Return to top