ClockThứ Năm, 09/06/2022 14:33

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam có thể hoàn thành đúng tiến độ

Vấn đề được các đại biểu Quốc hội băn khoăn chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 9/6 là tiến độ của dự án đường cao tốc Bắc – Nam hiện nay ra sao trong bối cảnh dự án gặp khó về giá cả vật liệu xây dựng tăng và thiếu vật liệu đắp nền. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đến thời điểm này Bộ đảm bảo các dự án cơ bản có thể hoàn thành đúng tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Các trường hợp bãi nhiệm đại biểu Quốc hộiQuốc hội điều chỉnh chương trình để xem xét về công tác nhân sựĐưa dầu khí trở thành ngành kinh tế biển quan trọngThúc đẩy quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quảNgày 3/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận một số dự án Luật quan trọng

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực giao thông vận tải. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án cao tốc Bắc-Nam triển khai hơn 10 dự án; trong đó có 4 dự án hoàn thành trong năm nay và 4 dự án hoàn thành năm 2023. Đối với 4 dự án hoàn thành trong năm nay, tiến độ hiện đạt hơn 58% và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rút ngắn thời gian 3 tháng.

“Chúng tôi đang tập trung thực hiện và có một số dự án rút ngắn được 3 tháng  nhưng có một số dự án trong thời gian ngắn khó có thể điều chỉnh. Tuy nhiên, Bộ đang giám sát chặt tiến độ để đảm bảo hoàn thành dự án theo yêu cầu. Có hai dự án chúng tôi lo lắng là dự án Phan Thiết – Vĩnh Hảo và Dầu Giây- Phan Thiết. Hiện dự án Phan Thiết – Vĩnh Hảo tỷ lệ hoàn thành 40% và chúng tôi đang phấn đấu đến 30/6 đạt 50,8%. Sau 30/6 các hợp phần còn lại của dự án là trải đá và thảm nhựa, các  nhà thầu sẽ đảm bảo đạt được tiến độ. Đối với tuyến Dầu Giây- Phan Thiết hiện đạt tỷ lệ 40% và cố gắng hoàn thành nền đất trong tháng 6 để tháng 7 tập trung thảm nhựa. Về nguyên liệu cho các dự án, chúng tôi cố gắng trong tháng 6 sẽ đảm bảo đầy đủ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, hàng tháng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp họp kiểm điểm với Bộ về tiến độ các dự án và hàng tuần, các Thứ trưởng cũng đi kiểm tra thực tế công trình, giám sát tiến độ, kịp thời để tháo gỡ khó khăn. Bộ đang phấn đấu đến cuối năm sẽ hoàn thành 361 km của 4 dự án giai đoạn 1. Tuy nhiên, các dự án còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết ở phía Nam đang mưa. Tiếp theo là giá vật liệu tăng mặc dù các dự án lớn đều có cơ chế điều chỉnh giá và vì vậy, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương có thông báo sớm giá vật liệu xây dựng để kịp thời điều chỉnh khối lượng nhằm giảm bớt về chênh lệch giá cho các nhà thầu. Còn 4 dự án phải hoàn thành năm 2023 hiện tiến độ tốt hơn 4 dự án phải hoàn thành trong năm nay nên không đáng lo ngại.

Trước đó, thông tin về tình hình triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, tính đến hết tháng 5/2022, tổng khối lượng xây lắp hoàn thành dự án đạt gần 22.700 tỷ đồng, tương đương 40% giá trị hợp đồng. Trong đó, 4 dự án kế hoạch hoàn thành năm 2022 (gồm Mai Sơn – Quốc lộ 45; Cam Lộ - La Sơn; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) sản lượng trung bình đạt 58,3% giá trị hợp đồng.

Các dự án kế hoạch hoàn thành năm 2023 gồm 4 dự án: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm và dự án cầu Mỹ Thuận 2) sản lượng trung bình đạt 37,6% giá trị hợp đồng. Có 2 dự án kế hoạch năm 2024 gồm Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo sản lượng trung bình đạt 9,2% giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho hay, thời điểm hiện tại, việc thi công một số dự án thành phần vẫn thiếu khoảng 3,2 triệu m3 chưa hoàn thành hồ sơ cấp giấy phép khai thác.

Cụ thể, đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 (địa bàn tỉnh Ninh Bình) chưa cấp phép khai thác khoảng 0,4 triệu m3. Đoạn Nha Trang - Cam Lâm (địa bàn tỉnh Khánh Hòa) chưa cấp phép khai thác khoảng 0,8 triệu m3. Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (địa bàn tỉnh Ninh Thuận) chưa cấp phép khai thác khoảng 2 triệu m3.

Lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cũng cho hay, ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) còn 1 mỏ đất với trữ lượng 0,11 triệu m3 đã được cấp phép ngày 4/4/2022 nhưng chưa được khai thác do nhà thầu đang thực hiện các thủ tục thuê đất, nộp các khoản thuế, phí và thực hiện bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu trên đất…

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 dài 654 km, được chia thành 11 dự án thành phần gồm 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh gồm Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 12.401 tỷ đồng. Hiện đã hoàn thành và đưa vào khai thác một dự án vào đầu năm 2022 là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (nối Nam Định với Ninh Bình).

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quốc hội thông qua Luật Căn cước

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 27/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Căn cước với 431/468 phiếu tán thành (tương đương 87,25% tổng số đại biểu Quốc hội).

Quốc hội thông qua Luật Căn cước

TIN MỚI

Return to top