Thể thao

Kỳ I: Thủ phủ một thời của bóng đá Trung kỳ

ClockThứ Bảy, 19/01/2013 07:14
TTH.VN - Không “mạnh gạo” như HAGL, SHB Đà Nẵng, không có nhiều lớp cầu thủ nổi danh như ở Thể Công, SLNA... nhưng trong mắt giới mộ điệu túc cầu, Huế vẫn là địa phương “có số má” của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, thậm chí cả nước. Đáng tiếc, đó là chuyện của gần trăm năm về trước.

Ông Trương Đình Châu, một cựu cầu thủ của bóng đá Huế những năm 30-40 của thế kỷ trước năm nay đã tròn 85 tuổi. Theo ông Châu, bóng đá Huế bắt đầu phát triển từ những năm 20 của thế kỷ trước, và đến năm 30, môn thể thao này được phát triển một cách mạnh mẽ khi phong trào được phổ cập từ thành thị đến nông thôn, từ thiếu niên đến bậc trung niên.

Thời đó không có điều kiện mua bóng nhựa, bóng da, các đội bóng phong trào nghĩ ra đủ các kiểu bóng. Nào là bóng được quấn bằng... lá chuối khô, bóng bằng quả bưởi, bóng từ quả banh tenis, banh cao su... Theo trí nhớ của ông Châu, sân vận động Tự Do được xây dựng vào năm 1934-1935 với tên là sân Stade Olympic, cũng là sân bóng đá lớn nhất Trung Kỳ lúc bấy giờ. Cùng với sân Stade Olympic, ở Huế còn có sân bóng đá Đông Ba cạnh ngay cầu Trường Tiền (bao gồm cả hệ thống sân bóng đá và sân quần vợt); ngoài ra ở Huế những năm 30 còn có các sân bóng đá An Định (gần Cung An Định) và các sân bóng đá trong các trường học ở các trường Quốc Học, Kỹ Nghệ,  Thiên Hữu...
 

Đội bóng đá Cảnh sát Huế (Ảnh tư liệu của ông Phạm Bá Doan)
 
Hàng năm ở Huế đều tổ chức các “giải bóng đá chân đất” dành cho các đội bóng phong trào ở Huế như các đội Bạch Đằng, Phú Hoà, Chim Én, An Định, Chim Sẻ xanh... và đội bóng Bạch Đằng mà ông Trương Đình Châu thi đấu đã giành chức vô địch “giải bóng đá chân đất” của Huế năm 1941...
 
Đội bóng tên tuổi đầu tiên của bóng đá Huế được thành lập vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước được mang tên Seph. Đây là đội bóng tập hợp những cầu thủ giỏi nhất của Huế lúc đó để tham dự giải bóng đá Trung Kỳ. Ông Châu vẫn còn nhớ rành mạch đội hình của đội bóng đá Seph - Huế theo sơ đồ chiến thuật WM gồm: thủ môn Rớt (không phải thủ môn Rớt nổi tiếng sau này), thủ môn dự bị “mệ” Hồ; hai trung vệ là “mệ” Tương đội trưởng và Minh; hàng tiền vệ gồm: Điếm tiền vệ phải, Đông tiền vệ trái, Gà tiền vệ giữa; hàng tấn công gồm Tỷ đá góc trái, Ninh hộ công, Thuận hộ công, Bảo trung phong và Hiền “trâu” góc phải.
 
Hồi đó, đội Seph mỗi năm tham dự giải bóng đá Trung Kỳ (chủ yếu thi đấu trên hai sân của Huế và Đà Nẵng) một lần vào khoảng tháng 7, tháng 8 gặp các đội Tourane (Đà Nẵng), đội Faifo (Hội An), Quảng Ngãi, Bình Định, Vinh... Đội vô địch giành quyền thi đấu giải bóng đá vô địch Đông Dương (gồm các đội Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Cao Miên). Giải vô địch Đông Dương cũng thường chọn sân Tự do làm sân thi đấu.
 
Trở lại với chuyện của đội bóng Bạch Đằng mà ông Trương Đình Châu thi đấu. Sau khi vô địch “giải bóng đá chân đất” của Huế năm 1941, đội Bạch Đằng trở thành thế lực thứ hai của bóng đá Huế sau đội Seph. Khác với Seph, phần lớn cầu thủ của Bạch Đằng đã vào độ chín khi tập hợp những cầu thủ là học sinh trung học của Huế. Đội gồm các cầu thủ Trương Đình Toàn, Hồ Văn Thiều, Trương Đình Châu; Hiền, Nguyễn Đại Thản, Bảo Long (cầu thủ này sau đổi thành Bảo Trị vì trùng tên với Hoàng tử Bảo Long), Nguyễn Văn Lâu, Mỳ; Thạnh, Ba;Trác, Chí... Đặc biệt, đội Bạch Đằng còn có thủ môn lai Pháp có tên Tây là Poignae và một tiền đạo người Pháp học sinh Trường Quốc học có tên là Bercier...
 
Khi trở thành “đội bóng chân giày”, đội Bạch Đằng được bảo trợ bởi bầu Đức và bầu Tấn Đạt. Nhiệm vụ của ông bầu hồi đó là lo may áo, đóng giày (riêng phần tất thì đội được hội phụ nữ lúc đó đan tất len để tặng). Sân tập của đội bóng Bạch Đằng là ở sân Toà Khâm (trước mặt Trường đại học Sư phạm Huế ngày nay).
 
Đội Bạch Đằng càng đá càng hay, dần dà đội bóng Bạch Đằng được người dân Huế gọi là đội Seph “em” và hai đội bóng này đã từng gặp nhau trong những trận đấu giao hữu cũng như tham gia các giải bóng đá Trung Kỳ mỗi năm.
 
Thành tích ấn tượng nhất của ông Châu và các đồng đội là chức vô địch Giải bóng đá học sinh Đông Dương (giải bóng đá dành cho các cầu thủ 20 tuổi trở xuống) vào năm 1944 tổ chức trên sân Stade Olympic-Huế. Hồi đó, đội tuyển học sinh Trung Kỳ với thành phần nòng cốt là đội Bạch Đằng có bổ sung thêm 2 cầu thủ của học sinh Đà Nẵng và Nha Trang... Tham dự giải đầu này gồm các đội bóng đá học sinh của Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Nam Kỳ và Cao Miên. Trận chung kết, đội bóng đá học sinh Trung Kỳ đã thắng sát nút đội học sinh Cao Miên 1-0 để giành chức vô địch Đông Dương...
 
Cách mạng Tháng Tám thành công, những cầu thủ của đội bóng Bạch Đằng mỗi người một phương. Có người lên đường tham gia kháng chiến như ông Châu, ông Bảo Long, có người rời Huế đi làm ăn xa, có người ở lại tiếp tục mưu sinh và chơi đá bóng. Ông Trương Đình Châu, cầu thủ trẻ nhất của đội Bạch Đằng đã theo cách mạng lên chiến khu và sau này trở thành Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1947, ông Châu còn tham gia một trận bóng đá đặc biệt tại Chiến khu Hoà Mỹ trong màu áo của đội bóng Trung đoàn Trần Cao Vân gặp Đội bóng đá Thanh niên tỉnh Thừa Thiên Huế...
 
Ông Văn Khắc Tiến năm nay 82 tuổi từng khoác áo đội bóng đá Cảnh sát Huế (chế độ cũ) từ năm 1952 đến năm 1972. Ông Tiến là thế hệ đầu tiên của đội bóng này. Thế hệ thứ hai của đội bóng này có thể kể tên những cầu thủ như Hiền, Sau, Tuỳ, Lê Văn Tâm (thân sinh danh thủ Lê Huỳnh Đức)...Đây là đội bóng đá được thành lập từ năm 1950 gồm những cầu thủ như Vy, Đoan, Lợi anh, Lợi em, Đội Thuận, Văn Khắc Tiến, Tin, Minh Huế (người Sài Gòn), thủ môn Rớt. Ngoài ra, còn có một đội bóng mạnh khác của Huế ở giai đoạn này là đội Công binh (cũng ở chế độ cũ), đội bóng mà HLV Nguyễn Đình Thọ từng thi đấu.
 
Hồi đó các đội bóng của Huế thường thi đấu giải bóng đá vùng 1 gồm các đội từ Huế đến Quảng Ngãi để chọn đội vô địch vào đá vòng chung kết các khu vực tại Sài Gòn. Thành tích tốt nhất của đội Cảnh sát Huế là vô địch vùng 1 vào năm 1970 (sau đó bị loại tại vòng chung kết). Ngoài ra, tại sân Tự Do vẫn thường diễn ra các trận đấu giao hữu của đội Cảnh sát và Công binh Huế với các đội từ Sài Gòn như Công binh, Bảo an, Quan Thuế Sài Gòn, ARS Sài Gòn (đội bóng mà danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang từng tham gia).
 
Trận đấu mà ông Tiến nhớ nhất là trận giao hữu giữa Cảnh sát Huế gặp Ôtô Bus của Hong Kong với sự góp mặt danh thủ Lý Huệ Đường. Trận đó hai đội hoà 1-1 nhưng chi tiết khiến ông Tiến nhớ nhất là cú sút như búa bổ của Lý Huệ Đường làm... sập cầu môn đội Cảnh sát Huế... Một trận đấu khác mang hơi thở của thời chiến đó là trận đấu giữa Cảnh sát Huế gặp Không đoàn 41 Đà Nẵng. Theo ông Tiến, trận đấu đó đáng nhớ vì đội Không đoàn 41 đáp máy bay... xuống bên sân Tự Do, thi đấu xong cả đội lên máy bay vào Đà Nẵng luôn...

Kỳ II:

Chấp... M.U “nửa trái”

Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập huấn chuyên môn cho hướng dẫn viên bơi lặn

Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn, ngày 22/4, Sở Văn hóa & Thể thao phối hợp với Tổ chức Hue Help tổ chức lớp tập huấn chuyên môn người hướng dẫn tập luyện môn bơi, lặn cho đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh.

Tập huấn chuyên môn cho hướng dẫn viên bơi lặn
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Tranh tấm vé Olympic Paris 2024:
Cơ hội vẫn còn cho đô vật Nguyễn Thị Mỹ Trang

Cùng với Nguyễn Thị Xuân, tuyển thủ Nguyễn Thị Mỹ Trang của Thừa Thiên Huế đã có cơ hội để tranh tấm vé Olympic Paris (Pháp) 2024 nhưng tiếc là chúng ta chưa thành công.

Cơ hội vẫn còn cho đô vật Nguyễn Thị Mỹ Trang
Lan tỏa Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024

Từ mờ sáng 21/4, Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024 do Báo VnExpress phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty Cổ phần dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) tổ chức, được chính thức khởi tranh tại TP Huế thơ mộng.

Lan tỏa Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024
Ra “sông lớn” với thầy nội

Không phải ngẫu nhiên mà ông Hoàng Anh Tuấn được chọn mặt để “gửi khó”, dẫn dắt tuyển U23 Việt Nam dự Vòng chung kết U23 châu Á 2024 sau khi HLV Troussier bị cắt hợp đồng. Ông thầy người Khánh Hòa từng đưa đội U20 Việt Nam lần đầu tiên vào đến Vòng chung kết World Cup U20 năm 2017. Năm 2023, ông Tuấn cũng giúp đội U23 Việt Nam vô địch Đông Nam Á.

Ra “sông lớn” với thầy nội
Return to top