ClockThứ Năm, 12/04/2018 21:51

Ký kết hợp tác giữa Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng: Tạo một không gian kinh tế chung

TTH - Phối hợp đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình, dự án; tuyên truyền, quảng bá văn hóa, du lịch; chia sẻ kinh nghiệm về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông; xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh… là những nội dung quan trọng được thống nhất giữa hai địa phương tại lễ ký kết hợp tác giữa Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng vào chiều 12/4 tại hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Việt Nam, Hàn Quốc họp bàn hợp tác kinh tếHợp tác chặt chẽ hơn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đồng chủ trì buổi làm việc. Cùng làm việc còn có các đồng chí UVTV Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Thành ủy Đà Nẵng và các sở, ngành liên quan giữa hai địa phương.

 Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu (bên trái) và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa (bên phải) cùng nhau ký kết hợp tác

 Chủ động, tích cực

Tại buổi làm việc, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nêu bật những kết quả đã đạt được về hợp tác giữa hai địa phương thời gian qua. Qua đó khẳng định, các cơ quan chuyên môn của hai địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hợp tác du lịch giữa TP. Đà Nẵng với tỉnh Thừa Thiên Huế qua chương trình liên kết du lịch 3 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế.

Ba địa phương đã có những bước đi đúng hướng trong công tác xúc tiến du lịch, quản lý điểm đến, sản phẩm du lịch. Hoạt động du lịch đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, đã gắn kết được với các thị trường du lịch, doanh nghiệp và các điểm tham quan du lịch. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án EU, 3 địa phương đã hợp tác xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch căn cứ trên thế mạnh và đặc thù của từng địa phương và kết nối chuỗi các sản phẩm du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch di sản, du lịch biển đảo. Đẩy mạnh, kết nối các chương trình xúc tiến thương mại của hai địa phương bằng các hoạt động kết nối cung cầu sản phẩm, giao thương…

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề xuất, sắp tới, hai địa phương cần làm việc cụ thể để có sự kết nối.

Thay đổi cách làm, tạo đà để cùng phát triển

Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, sự phối hợp giữa 2 địa phương trong việc quản lý quy hoạch thời gian qua chưa tốt, gắn kết chưa cao, nên chất lượng, hiệu quả không được như mong muốn. Lĩnh vực xúc tiến đầu tư cũng vậy, vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Việc phát triển du lịch được hai địa phương đề cập nhiều, nhưng hạ tầng phát triển du lịch vẫn thấp, chưa có cơ chế để tháo gỡ. Sắp tới giữa hai địa phương cần có sự bàn bạc cụ thể để thay đổi cách làm, tạo đà để cùng nhau phát triển.

Liên quan đến vấn đề du lịch, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đề nghị nên có bảng lắp đặt quảng bá giới thiệu hình ảnh giữa hai địa phương ở sân bay Đà Nẵng và Phú Bài. Bên cạnh đó, cần mở rộng liên kết để tổ chức các chuyến bay thu hút khách du lịch.

Bàn về cơ sở hạ tầng giao thông, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên Huế nêu ý kiến, vận tải đi lại giữa hai địa phương phát triển rất cao, nhưng chất lượng vận tải chưa có sự chuyển biến. Thời gian tới, nên bổ sung một số dịch vụ vận tải chất lượng cao để tạo môi trường phát triển du lịch...    

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề xuất, hai địa phương có sự phối hợp trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhưng chưa chặt chẽ. Cần làm việc cụ thể để có sự kết nối. Lãnh đạo hai địa phương cũng cần có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam để cùng nhau khai thác thế mạnh, nhất là du lịch. Làm sao huy động được đặc thù, thế mạnh của từng địa phương để có sự phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

“Xây dựng hợp tác vùng cảng biển là cú hích tạo đà để hai địa phương cùng phát triển. Cũng cần có sự hợp tác trong đào tạo để tạo nguồn nhân lực cao, kể cả nhân lực phổ thông cho các khu kinh tế, khu công nghiệp. Chúng ta đều nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế khuyến khích vùng, tạo cơ chế đặc thù để phát triển”, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nêu ý kiến.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, phát triển liên kết vùng là vấn đề hai địa phương cần quan tâm nhất hiện nay. Về giao thông, giữa hai địa phương rất thuận lợi có sân bay, cảng biển, đường sắt đi qua. Khoảng cách giữa Huế và Đà Nẵng rất gần, chúng ta cũng phải đổi mới cách làm. Đó là, tiếp cận, quảng bá du lịch làm sao để khách du lịch đến Huế là sẽ đến Đà Nẵng, Hội An và ngược lại. Nếu chúng ta liên kết tốt thì khách du lịch không chỉ của mỗi địa phương mà đều là của chung. Sân bay Phú Bài được đầu tư mở rộng sẽ là cơ hội san sẻ sự quá tải đối với sân bay Đà Nẵng.

“Cách tiếp cận này sẽ có cách nhìn khác hơn, tầm nhìn rộng hơn, không gian liên kết không còn bó hẹp giữa từng địa phương mà có sức lan tỏa mạnh mẽ. Thời gian tới, chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá lại, cái gì làm tốt cần phát huy, cái gì còn khó khăn thì cùng nhau phối hợp giải quyết. Mục tiêu cuối cùng là, vì nhau để cùng nhau phát triển”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chia sẻ.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu khẳng định: “Bước vào thời kỳ mới, trách nhiệm của chúng ta là phải đưa quan hệ đoàn kết, hợp tác đó lên một tầm cao mới; trọng tâm là phát huy lợi thế so sánh của mỗi địa phương để hợp tác liên kết về văn hóa, du lịch, y tế, đào tạo và kết nối hạ tầng giao thông; tạo ra một không gian kinh tế chung”.

Theo biên bản ký kết, từ nay đến năm 2019, hai địa phương cùng phối hợp kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan); mở rộng Hầm đường bộ Hải Vân 2; xây dựng mới hầm đường sắt qua đèo Hải Vân. Nghiên cứu triển khai tuyến vận tải đường biển ven bờ, đường sắt nhanh Đà Nẵng - Huế, tuyến xe buýt Đà Nẵng - Lăng Cô - Huế; tuyên truyền, quảng bá văn hóa, du lịch Huế tại Đà Nẵng và văn hóa, du lịch Đà Nẵng tại Huế; bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Bài, ảnh: Phong Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Điểm danh 3 không gian làm việc lý tưởng tại The Sentry

Sau 4 năm thành lập, The Sentry hiện nay với 3 cơ sở hướng đến phát triển một cộng đồng dành riêng cho các nhà sáng tạo và doanh nhân công nghệ, đồng thời thu hút các nhân tài thế hệ trẻ của nước nhà.

Điểm danh 3 không gian làm việc lý tưởng tại The Sentry
Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải

Tuyến Quốc lộ (QL) 1A đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế hiện đang quá tải trước sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông. Áp lực này càng gia tăng hơn kể từ ngày 4/4 vừa qua, cao tốc Cam Lộ - La Sơn phân luồng không cho xe khách trên 30 chỗ và xe tải từ 6 trục trở lên, xe rơ-mooc, sơ mi rơ-mooc vào.

Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Return to top