ClockThứ Hai, 10/03/2014 06:13

Kỹ năng sẽ thay cần cù

TTH - "Tỷ lệ lao động Việt Nam có kỹ năng đọc, viết và tính toán cao hơn so với các nước khác, kể cả các nước giàu có hơn Việt Nam, nhưng một lực lượng lao động có kỹ năng cao mới sẽ là chìa khóa thành công trong chuyển đổi kinh tế”. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ.

Đã có sự dịch chuyển từ thủ công sang kỹ năng

Bản chất công việc trong một nền kinh tế thị trường hiện đại sẽ thay đổi và trở nên phức tạp hơn, đồng thời tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế sẽ dẫn tới sự dịch chuyển của cầu đối với lao động, chuyển từ các công việc chủ yếu là thủ công và đơn giản ngày nay sang các công việc phi thủ công và đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn; chuyển từ các công việc chủ yếu là các thao tác, nhiệm vụ thường quy sang các nhiệm vụ không thường quy. Và những công việc mới đó luôn đòi hỏi những kỹ năng mới – Đó là điều mà WB tại Việt Nam nhận định dựa trên những đánh giá và phân tích tại Báo cáo phát triển Việt Nam 2014.

Lao động nghề may sẽ được trang bị kỹ thuật cao hơn

Kết quả từ một cuộc khảo sát do WB Việt Nam thực hiện cũng cho thấy, đối với người sử dụng lao động, các kỹ năng kỹ thuật liên quan trực tiếp đến công việc là kỹ năng quan trọng nhất. Đồng thời, họ cũng tìm kiếm các kỹ năng nhận thức như kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện, và các kỹ năng hành vi như kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp...

Tuy nhiên ở Việt Nam, điều này vẫn còn là vấn đề khi người sử dụng lao động vẫn đang vất vả tìm kiếm những người lao động phù hợp với mình theo như nhận xét của ông Christian Bodewig - tác giả chính của bản báo cáo mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Một nghiên cứu đang tham khảo ở lĩnh vực này do Viện Khoa học Lao động và xã hội phối hợp với Tập đoàn Manpower thực hiện: Việt Nam là một trong những nước có lực lượng lao động thiếu kỹ năng nhất khu vực và có tới 2/5 nhà quản lý được điều tra cho rằng họ gặp khó khăn khi tuyển người. Mặt khác, trong số 100 DN được hỏi, chỉ có 66% cho rằng kỹ năng làm việc của lao động trong nước là tạm được trong khi chỉ có 30% xếp hạng tốt và 3% là rất tốt.

Thừa nhận sự chăm chỉ và ham học hỏi khi đánh giá về lao động Việt Nam, song Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Jonh Nielsen cũng đồng thời nói về rào cản lớn đối với các doanh nghiệp FDI nói chung và Đan Mạch nói riêng chính là sự thiếu kỹ năng. Trong nhiều lĩnh vực, các DN đã không thể tìm được những ứng viên phù hợp. Điều này dẫn đến hệ quả là nhiều DN FDI đã phải tuyển nhân sự quản lý từ cấp trung trở lên ở nước ngoài, cho dù đây là điều mà họ không mong muốn vì chi phí tốn kém hơn.

Lao động tự do cũng cần được trang bị thêm kỹ năng để tránh rủi ro

Chắc chắn sẽ có người đưa ra quan điểm rằng, đây chưa phải là điều đáng lo khi thu hút các DN FDI vào Việt Nam trong thời gian qua vẫn có sự tăng trưởng. Ngay như năm 2013, năm kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, vẫn có 21,6 triệu USD đầu tư vào Việt Nam, tăng 54,5% so với cùng kỳ. Riêng Thừa Thiên Huế, cũng trong năm 2013 đã có 7 dự án được cấp mới với tổng mức đầu tư 293,74 triệu USD, tăng gấp 31,7 lần so với năm 2012. Sự ổn định về chính trị, sức tiêu thụ lớn và các DN trong nước chưa có sự cạnh tranh mạnh mẽ là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng của dòng vốn này. Xong theo dự báo, đây không phải là xu thế kéo dài.

Một tham khảo không thể vui từ thông tin trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn: DN Nhật Bản đang tận dụng lao động rẻ  bằng xu hướng chuyển hoạt động đến Việt Nam song chỉ là các công đoạn sản xuất sử dụng nhiều nhân công để giảm chi phí. Mặt khác, trong khi lương công nhân ở Thái Lan là 6.704 USD/người/năm thì ở Việt Nam, con số này chỉ là 2.062 USD/người/năm. Cấp quản lý của Việt Nam nhận mức 12.245 USD/người/năm thì ở Thái Lan, con số hơn gấp đôi với 27.204 USD/năm.

Lao động Thừa Thiên Huế - vấn đề giữa kỹ năng và cơ hội

Gần như đã hết phập phù đối phó với cảnh thiếu thợ - nhất là thời gian sau tết và đây là một tín hiệu khả quan trong việc thu hút và giải quyết lao động ở các doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Điều này không chỉ cho thấy sự tăng trưởng mà còn là sự ổn định trong phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn một câu chuyện khác được đặt ra trong sự dịch chuyển này. Theo ông Nguyễn Bá Quang - Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế thì thay vì sản xuất hàng loạt hay nhận hàng gia công, các công ty, xí nghiệp và cơ sở sản xuất trong lĩnh vực này đã chuyển hướng vào các mặt hàng cao cấp hơn, sử dụng máy móc hiện đại hơn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho lao động trở về và tham gia vào các dây chuyền sản xuất ở địa phương. Tất nhiên bên cạnh đó là sự đầu tư mở rộng năng lực sản xuất với sự xuất hiện của nhiều nhà máy mới.

Thay thế dần máy móc thế hệ cũ. Cùng với việc trang bị đầu tư các trang thiết bị hiện đại là việc nâng cao trình độ, tay nghề và nhất là kỹ năng thích ứng của đội ngũ lao động. Nhận các đơn hàng có chất lượng hơn... Điều ấy cũng được xem là hướng đầu tư chiến lược cho dệt may nói chung – ông Nguyễn Bá Quang cho hay. Trong sự vận động này, rõ ràng là chất lượng nguồn lao động cũng phải có kiến thức và trình độ hơn.

Hướng đã rõ, lộ trình cũng đã được xây dựng xong để có một nguồn nhân lực có chất lượng không chỉ là điều dệt may mà cả các ngành sản xuất khác ở Thừa Thiên Huế phải đối diện. Điều ấy càng trở nên rõ ràng qua con số đã được điều tra, khảo sát của ngành chức năng khi trên địa bàn có khoảng 5.000 doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh; trên 200 hợp tác xã cùng hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể với hàng ngàn lao động của các địa phương khác đến làm việc nhưng lao động có trình độ cao đẳng nghề chỉ có 1,78%; trung cấp nghề 14% và lao động sơ cấp nghề và học nghề dưới ba tháng chiếm tỷ lệ chủ yếu với 84%. Dù chỉ mang yếu tố tham khảo ở một khía cạnh khác nhưng cảnh báo đến từ Liên đoàn lao động tỉnh là người lao động tự do, chưa qua huấn luyện vẫn tham gia vào các công trình thì đang phổ biến và có tỷ lệ rủi ro cao.

Còn hơi yếu là nhận định của ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội. Điều này đến từ đặc thù của lao động địa phương là ăn cơm nhà, thường nghỉ việc vào vụ mùa và đó là điều làm cho người sử dụng không an tâm khi tiếp nhận, không chỉ ở lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dệt may mà cả ở trong lao động công trình nữa.

Gần đây, xu hướng sinh viên có bằng đại học xin làm công nhân trên địa bàn tăng. Tuy nhiên, các DN chưa hẳn đã vui, thậm chí còn ngần ngại vì lực lượng lao động này có bằng cấp nhưng lại quá thiếu kỹ năng xử lý công việc thực tế, ngay cả khi được tuyển vào đúng ngành nghề. Đây là điều cần phải xem xét, phân luồng lại học sinh trong tuyển sinh và đào tạo – ông Quang đề nghị.

Rõ ràng là đã có một sự thay đổi trong tuyển dụng nghề và cần phải có sự thay đổi đa diện hơn trong đào tạo nghề. Khi kỹ năng đang được đặt ở thứ hạng cao hơn, ưu tiên hơn thì cơ hội cho lao động phổ thông cũng sẽ được gói gém lại.

Bài và ảnh:Hạnh Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Điền phối hợp Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Phú tổ chức khởi công nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Mong ở thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú.

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền
Huy động nguồn lực xóa nhà tạm

Sáng 13/4, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước trong năm 2025 (phong trào).

Huy động nguồn lực xóa nhà tạm
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

Sáng 5/4, Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị nhằm tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 12 gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 20 của Huyện ủy về tiếp tực thực hiện Nghị quyết số 25 của Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận
Return to top