Thể thao

Kỳ nghỉ không mong muốn

ClockThứ Bảy, 07/08/2021 07:45
TTH - Từ 1/8, các cầu thủ CLB Bóng đá Huế bắt đầu kỳ nghỉ không mong muốn, cũng như chưa biết chính xác lúc nào mới có thể hội quân trở lại…

Nhớ đôi tiền đạo Văn Hiền“Thuyền trưởng” Nguyễn Đình Thọ

Môt pha tranh tài giữa các chân sút U11 Đoàn Bóng đá Huế (trái) và CLB Bóng đá Học đường Immanuel Huế 

1 - Theo lịch dự kiến của Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ngày 30/7, giải hạng Nhất 2021 sẽ bắt đầu bằng trận đấu bù vòng 7, giai đoạn 1 từ 20/11/2021 và kết thúc giải vào ngày 14/1/2022. Đây vẫn chỉ là “dự kiến”, bởi còn phụ thuộc vào diễn biến của COVID-19.

Sau gần 2 tháng tập chay, ngày 1/8, các chân sút Cố đô đành phải cất khung thành vào một góc để bắt đầu kỳ nghỉ không mong muốn. “Văn ôn, võ luyện”, nên có nhiều ý kiến lo ngại về chuyên môn, về phong độ của các chân sút Cố đô khi phải xa sân cỏ thời gian dài, thậm chí chưa biết đến bao giờ mới có thể hội quân trở lại.

“Dù nghỉ tập ở đội nhưng các VĐV vẫn tự tập ở nhà, hoặc nếu có thể thì tham gia các trận bóng phủi để duy trì kỹ thuật, thể lực. Đều là VĐV chuyên nghiệp nên chắc chắn các em sẽ ý thức được để tránh bị đào thải khỏi môi trường có tính cạnh tranh cao như bóng đá. Chưa kể, tập chay thời gian dài khiến tâm lý các VĐV nản do không được thi đấu, không có động lực vượt qua đối thủ cũng như bản thân, nên nếu cứ kéo dài có khi lại tác dụng ngược”, ông Trần Quang Sang – Trưởng đoàn Bóng đá Huế chia sẻ.

2 - Từ việc tạm thời nghỉ tập một thời gian dài, câu chuyện liên quan đến thu nhập các cầu thủ CLB Bóng đá Huế cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Khác với nhiều đội ở giải hạng Nhất, đặc thù của CLB Bóng đá Huế là một tập thể chủ yếu người địa phương cũng như kinh phí hoạt động là từ ngân sách. Trước lịch thi đấu mùa giải 2021 kéo giãn sang năm 2022 của VPF, và thậm chí có thể xa hơn nếu diễn biến của COVID-19 vẫn tiếp tục phức tạp thì câu chuyện về lương, đời sống của các cầu thủ Huế và một số cầu thủ ngoại tỉnh - mà theo tìm hiểu - đa phần là trụ cột gia đình đang là vấn đề nan giải.

Các chân sút CLB Bóng đá Huế tạm cất khung thành để bước vào "kỳ nghỉ" (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Mừng là theo ông Trần Quang Sang - Trưởng đoàn Bóng đá Huế, hiện các cầu thủ của CLB Bóng đá Huế dù nghỉ tập nhưng vẫn được trả lương đầy đủ, trong đó bao gồm những cầu thủ hợp đồng là người ngoại tỉnh. Còn với những cầu thủ trẻ, Đoàn Bóng đá Huế đã linh động để có những hỗ trợ nhất định. “Việc giải quyết lương theo hợp đồng, cũng như có những hỗ trợ cho VĐV trẻ tuy không cao so với mặt bằng chung trước đây, nhưng vẫn đủ sống đã giúp các cầu thủ yên tâm và tiếp tục gắn bó với CLB”, ông Sang cho biết.

Đây vẫn là câu chuyện nếu giải hạng Nhất kết thúc trong năm 2021. Còn nếu giải kéo dài như phương án dự kiến của VPF đã đưa ra, là qua năm 2022, thậm chí có thể dài hơn thì câu chuyện này xem chừng khá phức tạp, bởi CLB Bóng đá Huế hoạt động bằng ngân sách nhà nước và kinh phí cấp về theo từng năm chứ không gối đầu, nên nếu giải kéo dài qua năm khác, khả năng cắt hợp đồng với một số cầu thủ là điều chẳng đặng đừng.

“Hiện tại, mọi thứ đều phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh cũng như quyết định của VPF. Còn trước mắt, chúng tôi cố gắng hết mức có thể để giải quyết các chế độ cho cầu thủ, đồng thời quán triệt đến tất cả các VĐV tiếp tục tuân thủ các quy định phòng, chống COVID-19 dù đó là lúc tập trung hay tạm thời nghỉ ở nhà”, ông Trần Quang Sang cho biết.

3- Nhằm chuẩn bị cho các giải trẻ quốc gia, mới đây, các cầu thủ U11, U15 đã có những trận cọ xát với CLB Bóng đá Học đường Immanuel Huế và FC Union.

CLB Bóng đá Học đường Immanuel Huế do nhóm cựu cầu thủ Huế, gồm: Đinh Công Thịnh, Nguyễn Cảnh Lâm, Hồ Viết Hải và Nguyễn Văn Dũng trực tiếp huấn luyện và trong 2 năm qua, CLB này đã đóng góp cho Đoàn Bóng đá Huế 9 VĐV từ U11 đến U15. Còn FC Union, đây là một CLB bóng đá có thâm niên, từng nhiều lần đoạt thành tích cao tại các giải phong trào của tỉnh.

Với việc tham gia những trận tranh tài kể trên, bên cạnh giúp các chân sút trẻ giải quyết được nhu cầu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm trong thời điểm COVID-19 đang hoành hành, đây cũng là cơ hội để các HLV phụ trách đào tạo trẻ của Đoàn Bóng đá Huế có dịp theo dõi, sàng lọc ra những chân sút xuất sắc để bổ sung cho các tuyến trẻ.

Cũng trong thời gian này, Đoàn Bóng đá Huế đã tổ chức tuyển quân để bổ sung lực lượng cho tuyến U15. Tuy nhiên, từ lý do dịch bệnh, việc tuyển quân chỉ giới hạn phạm vi trong tỉnh thay vì mở rộng như những năm trước. Điều này khiến chất lượng đầu vào giảm sút so với mọi năm. Và xét về đường dài, điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đối với Đoàn Bóng đá Huế nói chung, CLB Bóng đá Huế nói riêng trong việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế cận…

Ngày 3/8, với bản dự kiến kế hoạch thi đấu trong bối cảnh COVID-19 được kiểm soát, giải hạng Nhất sẽ trở lại với trận bù vòng 7 ngày 31/7 và kết thúc giải vào 15/9/2021, VPF một mặt được các CLB ủng hộ, nhưng mặt khác lại phát sinh nhiều phản ứng do mật độ thi đấu quá dày (3 - 4 ngày/trận), dẫn đến không đảm bảo việc di chuyển của các đội bóng, thời gian hồi phục thể lực cho cầu thủ…, từ đó ảnh hưởng đến chuyên môn, chất lượng của giải đấu.

Bài: HÀN ĐĂNG - Ảnh: KIM PHỤNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu thủ nhập tịch

Trước thềm 2 trận đấu gặp tuyển Việt Nam vào cuối tháng 3 này, theo tờ Bola. Okezone, Indonesia đã hoàn thành nhập tịch cầu thủ gốc Hà Lan, Nathan Tjoe-A-On. Cầu thủ này đã tuyên thệ trở thành công dân Indonesia. Sau khi tuyên thệ, Nathan Tjoe-A-On có thể khoác áo đội tuyển Indonesia ngay.

Cầu thủ nhập tịch
Không còn “có mới, nới cũ”

Trong danh sách 33 cầu thủ được HLV Troussier triệu tập trong lần tập trung vào đầu tháng 3 này, chuẩn bị cho 2 trận đấu gặp Indonesia ở vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, xuất hiện nhiều cái tên cũ, là trụ cột và chỗ dựa một thời của bóng đá Việt Nam.

Không còn “có mới, nới cũ”
Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”

Nửa mùa hạng Nhất đã đi qua và với vị trí top 3, bóng đá Huế đang có một mùa giải trên cả mong đợi. Cụ thể với 17 điểm, các học trò của ông Nguyễn Đức Dũng chỉ xếp sau 2 đội bóng được chỉ đích danh thăng hạng ngay từ đầu mùa giải và không có chi bất ngờ nếu được góp mặt ở sân chơi V. League vào năm sau. Sự thật thì chỉ có SHB Đà Nẵng là vượt trội, còn PVF-CAND cũng chỉ hơn CLB Huế vẻn vẹn 1 điểm và vượt lên ở lượt đá cuối cùng vào cuối tuần qua.

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”
Return to top