ClockThứ Sáu, 27/05/2016 14:09

Kỳ thi THPT Quốc gia 2016: Đại học Huế chủ trì tới 4 cụm thi

TTH - “Năm nay, lần đầu tiên các trường thành viên của Đại học (ĐH) Huế nói riêng và các trường thành viên của ĐH quốc gia, ĐH vùng nói chung được phân công chủ trì các cụm thi THPT Quốc gia”, PGS.TS.Lê Văn Anh, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết về điểm mới của kỳ thi THPT Quốc gia 2016.

Năm nay, ĐH Huế được Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công phụ trách tới 4 cụm thi THPT Quốc gia (nhiều hơn năm ngoái 3 cụm): cụm thứ nhất là cụm 36 ở Hà Tĩnh - cụm này giao cho Trường ĐH Sư phạm chủ trì; cụm thứ hai là cụm 37 ở Quảng Bình giao cho Trường ĐH Khoa học chủ trì; cụm thứ ba là cụm 38 ở Quảng Trị giao cho Trường ĐH Kinh tế chủ trì; và cụm thứ tư là cụm 39 ở Thừa Thiên Huế. Lâu nay (từ năm 1994 đến giờ) tuyển sinh chung do ĐH Huế chủ trì, các trường thành viên chỉ đào tạo, tham gia tuyển sinh, chấm thi chứ chưa bao giờ phải tổ chức kỳ thi lớn như thế này, cho nên việc chủ trì cụm thi THPT Quốc gia là một khó khăn cho các trường thành viên. Vì thế, phải có sự chuẩn bị rất kỹ của các trường thành viên cũng như ĐH Huế.

Hiện các trường phụ trách các cụm thi quốc gia đã làm việc với các tỉnh và Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã thành lập. Trong 4 địa phương kể trên thì Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có cụm thi địa phương, riêng Hà Tĩnh không có cụm thi địa phương mà chỉ có cụm thi quốc gia nên số lượng thí sinh rất đông, lên đến 19.500 học sinh. Để tổ chức thi cho các em, Trường ĐH Sư phạm quyết định phải có 30 điểm thi với số lượng 633 phòng thi, chủ yếu ở thành phố Hà Tĩnh và thêm một số huyện mới đáp ứng được số lượng thí sinh. Ở cụm 37 Quảng Bình và cụm 38 Quảng Trị, mỗi cụm có hơn 7.000 thí sinh; cụm Thừa thiên Huế có hơn 12.000 thí sinh.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2015 tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm Huế (Ảnh: Ngọc Hà)

Để có thể chủ trì cụm thi quốc gia với số lượng thí sinh lớn như vậy, các trường có gặp khó khăn về nhân lực coi thi?

Theo quy định của Bộ, trường chủ trì phải đáp ứng 50% nhân lực coi thi, còn lại 50% là các trường ĐH địa phương hoặc các trường ĐH khác mà bộ cử đi phối hợp cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo của địa phương đó chịu trách nhiệm. Ví dụ Trường ĐH Sư phạm để đáp ứng 50% nhân lực coi thi như yêu cầu của bộ phải chuẩn bị tới 700 cán bộ coi thi. Hiện, trường mới huy động được khoảng 400 cán bộ cộng thêm 20% cán bộ của Trường ĐH Hà Tĩnh và một số giáo viên THPT của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh. Hay Trường ĐH Kinh tế cũng không đáp ứng được số lượng cán bộ coi thi. Vừa rồi, ĐH Huế đã họp và quyết định đối với cán bộ coi thi, ĐH Huế giao Trường ĐH Nông Lâm phối hợp Trường ĐH Sư phạm để tăng cường cán bộ coi thi (tất nhiên là phải được sự đồng ý của bộ - do đó ĐH Huế phải có văn bản chính thức báo cáo với bộ, và hai trường này phải ký hợp đồng với nhau dù đều là thành viên của ĐH Huế). Hay Trường ĐH Kinh tế sẽ phối hợp với cán bộ của Phân hiệu ĐH Huế ở Quảng Trị để tham gia coi thi.

Ngoài khó khăn về nhân lực coi thi, các trường thành viên còn gặp khó khăn gì nữa trong việc chủ trì cụm thi THPT Quốc gia ở các tỉnh và ĐH Huế sẽ giải quyết những khó khăn này như thế nào?

Chắc chắn là có nhiều khó khăn vì lâu nay ĐH Huế chủ trì coi thi, các trường thành viên chỉ tham gia coi thi và chấm thi nên những thao tác kỹ thuật không quen. Dù chuyện coi thi học phần, học kỳ vẫn diễn ra nhưng kỳ thi này khác, mang tầm quốc gia và ảnh hưởng đến số đông hơn nên chắc chắn công tác tập huấn cán bộ coi thi, chấm thi và các hoạt động kỹ thuật liên quan coi thi, chấm thi,... các trường phải làm nhiều lần hơn, kỹ càng hơn và có sự giúp đỡ của ĐH Huế nữa, đặc biệt là Ban Khảo thí.

Vậy còn đề thi và công tác chấm thi năm nay sẽ khác năm ngoái như thế nào?

Ngoài cụm Thừa Thiên Huế, ĐH Huế sẽ in sao đề thi cho cả 3 cụm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và cụm địa phương Thừa Thiên Huế do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Như vậy, tại địa điểm in sao đề thi của Thừa Thiên Huế của ĐH Huế sẽ in sao cho 5 cụm thi.

Sau khi coi thi, các trường thành viên chủ trì các cụm thi sẽ mang bài thi về chấm tại Huế. Để hỗ trợ cho các trường, ĐH Huế đã quyết định là toàn bộ các môn thi trắc nghiệm, ĐH Huế sẽ chấm cho các trường vì hiện các trường không có máy chấm và chấm không quen; các trường chỉ chấm các môn tự luận như toán, văn, sử, địa. Theo quyết định của bộ thì ngày 20/7 phải công bố điểm nên các trường sẽ phải nỗ lực chấm và công bố điểm cho đúng thời hạn.

Vì sao bộ lại quyết định để ĐH Huế chủ trì tới 4 cụm thi THPT Quốc gia? Việc các trường thành viên ĐH vùng, ĐH Quốc gia tham gia chủ trì cụm thi quốc gia tại các tỉnh đem lại lợi ích gì cho thí sinh?

Vì ĐH Huế là ĐH đa ngành với nhiều trường thành viên, mỗi trường thành viên ĐH Huế tương đương một trường bên ngoài. Chủ trương của Bộ và Chính phủ là để tạo điều kiện cho thí sinh thi tại chỗ, còn người phải di chuyển chính là cán bộ coi thi của các trường. Trước đây thí sinh ở Quảng Bình, Quảng Trị phải vào Huế thi, giờ thí sinh tại tỉnh nào thi tại tỉnh đó nên lượng lưu chuyển trên đường ít hơn, lưu trú ít hơn và kinh phí ít hơn, điều này đem lại nhiều cái lợi cho người thi.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Hà (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top