ClockThứ Ba, 05/04/2011 05:39

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 - Giữ ổn định như năm 2010

TTH - Ngày 4/4, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn chi tiết về tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2011.

Vẫn thi theo cụm

Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 về cơ bản được giữ ổn định như năm 2010, thống nhất thực hiện theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, bộ cũng yêu cầu các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác tổ chức thi năm 2010 nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong các khâu tổ chức thi, nhất là những “lỗi”: giám thị có biểu hiện thiếu sâu sát trong quá trình hướng dẫn thí sinh dự thi, để xảy ra sai sót ảnh hưởng không tốt đến việc làm bài của thí sinh, nhất là ở các hội đồng coi thi có phòng thi giáo dục thường xuyên; thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi...

Bộ GD-ĐT lưu ý, năm nay, thi tốt nghiệp tiếp tục triển khai trong toàn quốc việc tổ chức thi theo cụm trường (bao gồm cụm nhiều trường và cụm chỉ có một trường riêng lẻ); hạn chế tối đa việc tổ chức thi theo từng trường riêng lẻ nhưng không để xảy ra tình trạng thí sinh bỏ thi vì lý do tổ chức thi theo cụm trường. Địa điểm thi phải đảm bảo về cơ sở vật chất, an toàn cho kỳ thi, thuận tiện cho thí sinh đến dự thi và cán bộ coi thi, đáp ứng việc ăn, nghỉ đảm bảo vệ sinh cho thí sinh và cán bộ coi thi có nhu cầu.

Việc lập danh sách thí sinh đăng ký thi theo cụm trường sẽ theo 2 bước. Bước 1, xếp môn thi ngoại ngữ (trừ thí sinh giáo dục thường xuyên) theo thứ tự: Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật Bản và môn thi thay thế (trong trường hợp có cả thí sinh học chương trình ngoại ngữ THPT 7 năm và 3 năm thì từng môn ngoại ngữ xếp theo thứ tự 7 năm trước, 3 năm sau). Bước 2, xếp danh sách thí sinh phải thi của mỗi môn thi ngoại ngữ và thí sinh của giáo dục thường xuyên (nếu có) theo thứ tự a, b, c... của tên thí sinh.

Phòng thi đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang là 1,2m; mỗi phòng thi có 24 thí sinh, phòng thi cuối cùng của mỗi môn ngoại ngữ hoặc giáo dục thường xuyên có không quá 28 thí sinh; có thể ghép các phòng thi cuối trong một phòng, nhưng không quá 28 thí sinh (nếu quá 28 thì xếp thêm một phòng nữa).

Từ 25/4 đến 7/5: Thu phiếu đăng ký dự thi

Về môn thi, bộ nêu rõ, giáo dục THPT thi 6 môn: Ngữ văn, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Toán, ngoại ngữ; trong đó các môn Ngoại ngữ, Vật lý, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm. Với môn ngoại ngữ, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật Bản; thí sinh không theo học hết chương trình THPT hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy - học: giáo viên dạy môn ngoại ngữ thiếu hoặc chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, năng lực dạy học yếu; việc thực hiện chương trình không liên tục; học sinh là người dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu ngoại ngữ yếu hoặc do chuyển trường nên phải học đổi môn ngoại ngữ; các điều kiện về trang thiết bị dạy học, thực hành tiếng chưa đáp ứng yêu cầu dạy - học... (do giám đốc sở GD-ĐT quyết định) thì được thi thay thế bằng môn Lịch sử (thi theo hình thức tự luận).

Đối với giáo dục thường xuyên, thi 6 môn: Ngữ văn, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Toán, Lịch sử; trong đó các môn Vật lý, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm.

Bộ GD-ĐT cũng lưu ý, theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh, thành và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (đối với Cục Nhà trường), các sở GD-ĐT đề ra phương hướng và những biện pháp chỉ đạo, phối hợp với các ngành, các cấp trên địa bàn tích cực chuẩn bị về mọi mặt và triển khai tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đảm bảo cho kết quả thi phản ánh đúng chất lượng dạy và học của đơn vị. Thông báo kịp thời về kỳ thi trên các phương tiện thông tin đại chúng và tới các trường có lớp 12, bao gồm cả giáo dục THPT và giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo quyền được dự thi của tất cả các đối tượng theo quy định.

Các sở GD-ĐT tăng cường chỉ đạo, kiểm tra và yêu cầu các trường phổ thông tập trung làm tốt các công việc: thực hiện kế hoạch thời gian năm học 2010-2011; tổ chức họp phụ huynh học sinh lớp 12 để quán triệt các yêu cầu tổ chức thi và xây dựng phương án phối hợp quản lý việc đi lại, ăn ở của thí sinh dự thi theo cụm trong kỳ thi.

Bộ GD-ĐT cũng công bố lịch làm việc trong kỳ thi, lịch thi, thời gian làm bài thi tốt nghiệp giáo dục THPT, giáo dục thường xuyên năm 2011. Theo đó, từ 25/4 đến 7/5, trường phổ thông thu phiếu đăng ký dự thi, hồ sơ đăng ký dự thi và nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm máy tính. Tổ chức phúc khảo bài thi (nếu có) trước ngày 26/6. Hội đồng phúc khảo chuyển kết quả phúc khảo bài tự luận cho sở GD-ĐT có bài tự luận để xét tốt nghiệp sau phúc khảo trước ngày 28-6.

Theo SGGP 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyển sinh Đại học 2024: Chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích

Ngày 3/3, Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh đến từ nhiều địa phương.

Tuyển sinh Đại học 2024 Chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích
Return to top