ClockThứ Hai, 23/02/2015 08:53

Kỹ thuật mới cứu người

TTH - Bệnh viện Trung ương Huế là địa chỉ đi đầu trong ứng dụng kỹ thuật y học hiện đại, đem lại niềm vui được sống cho bao người.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân Hứa Thị Cẩm Tú, người được ghép thận thành công ở BVTW Huế

Niềm vui cho người bệnh tim nặng

Sau lần ghép tim ở người chết não cho Trần Mậu Đức thành công năm 2011, do không có nguồn tạng, nhiều bệnh nhân đành chờ đợi và không ít người phải ngậm ngùi ra đi. Điều này thôi thúc Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện công nghệ hiện đại: Ghép tim nhân tạo. Ngày 6-6-2014, lần đầu tiên ở Việt Nam, êkip y bác sĩ do GS.TS Giám đốc Bệnh viện Bùi Đức Phú chỉ đạo, với sự hỗ trợ của chuyên gia Bệnh viện Saint Vincent (Úc) thực hiện ghép tim nhân tạo bán phần cho ngư dân Hoàng Quốc Biên (39 tuổi, quê xã Ngư Thủy Trung, Lệ Thủy, Quảng Bình) bị mắc bệnh cơ tim giãn giai đoạn cuối.
Khác với việc ghép tim nhân tạo toàn phần phải cắt bỏ quả tim bệnh nhân, tim nhân tạo bán phần có nguồn điện cung cấp từ bên ngoài, tạo nên lực từ trường làm quay các cánh quạt được gắn nam châm bên trong. Nó hỗ trợ sức đẩy dòng máu, bơm máu lưu chuyển qua các kháng lực trong hệ thuần hoàn người bệnh. Sau khi cấy tim nhân tạo bán phần, bệnh nhân vẫn phải tuân thủ chế độ bệnh lý tim mạch, đặc biệt tuân thủ liệu pháp kháng đông như người có van tim nhân tạo. Thế nhưng sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể hoạt động gần như bình thường. Trường hợp bệnh nhân Biên được ghép tim nhân tạo bán phần nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do Bộ Khoa học-Công nghệ đầu tư và Bộ Y tế cho phép, được miễn chi phí. Vấn đề còn lại là làm sao để bệnh nhân có tiền để ghép tim? GS Phú trăn trở.
Ngày ra viện, bệnh nhân Hoàng Quốc Biên cảm động: “Đang tuyệt vọng chờ chết thì nhờ GS Phú và Bệnh viện Trung ương Huế, cuộc sống tôi được hồi sinh. Tôi hy vọng sống đến ngày có cơ may tìm được một trái tim thay thế”. Thực hiện thành công ca mổ “Cấy tim nhân tạo bán phần Heartware” được VOV bình chọn là 10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2014.
Hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư
Cùng tin vui thành công về ghép tim nhân tạo, kíp bác sĩ, điều dưỡng BV Trung ương Huế tiếp tục thực hiện thành công đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng”, do PGS.TS Nguyễn Duy Thăng, Phó Giám đốc Bệnh viện làm chủ nhiệm. Đây cũng là một trong 10 sự kiện KH&CN ấn tượng năm 2014 vừa được tôn vinh.
Hai bệnh nhân Nguyễn Thị Sau, 52 tuổi, quê ở Hương Thủy và Trần Thị Thu, 49 tuổi, ở Huế không ngờ thoát khỏi căn bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn muộn. Chỉ cách nhau 5 tháng, hai bệnh nhân sau khi được áp dụng phương pháp điều trị mới đã khỏe mạnh. “Khi tôi quyết định về nhà chờ chết thì nhận tin mừng, được điều trị bệnh theo kỹ thuật mới miễn phí”. Chị Sau rưng rưng kể trong ngày bệnh viện tổ chức lễ ra viện. Thành công của đề tài mở ra phương pháp mới trong điều trị ung thư ở Việt Nam nói chung và ung thư vú, ung thư buồng trứng nói riêng. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thăng, phương pháp mới này được áp dụng cho những bệnh nhân ung thư vú và ung thư buồng trứng đã điều trị thất bại bằng các phương pháp điều trị thường quy hiện nay hoặc bị ung thư giai đoạn cuối. Điểm mới là sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong quá trình điều trị. Hơn 3 tháng điều trị, bệnh nhân tiến hành hóa trị hai đợt. Có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được vì sức khỏe hoàn toàn suy sụp. Nhưng với sự tận tình, trí tuệ của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, từng diễn biến của bệnh được xử lý để dành lại sự sống cho bệnh nhân.
Một thành công ở lĩnh vực ngoại khoa của Bệnh viện TƯ Huế là mổ nội soi khối ung thư qua lỗ tự nhiên. Kỹ thuật dựa trên đơn đặt hàng của Chương trình KC10 của Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho BV Trung ương Huế thực hiện đề tài NCKH cấp Nhà nước: “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi một lỗ qua lỗ tự nhiên điều trị ung thư đại trực trạng”. PGS.TS Phạm Như Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện, chủ nhiệm đề tài và là người trực tiếp chỉ đạo các phẫu thuật viên Khoa Ngoại nhi - Cấp cứu bụng thực hiện. Chỉ vài nước trên thế giới mới triển khai phương pháp mới này, với một số ít bệnh nhân được mổ thành công. Tại Việt Nam, BV Trung ương Huế là nơi đầu tiên.
Bệnh nhân đầu tiên là Nguyễn Phước Bảo T. (37 tuổi, phường An Đông, TP Huế, bn xin được giấu tên). Anh T. nhập viện điều trị u ác tính trực tràng nghi ung thư và được êkip y, bác sĩ mổ nội soi qua lỗ tự nhiên (đường hậu môn). Ca mổ kéo dài 3 giờ và sau hơn 1 ngày, anh T. đi lại được. Chỉ 5 ngày, bệnh nhân xuất viện.
Điều ngạc nhiên là, trên cơ thể bệnh nhân không hề có dấu tích của vết mổ! PGS.TS, bác sĩ Phạm Như Hiệp cho biết: Đây là phẫu thuật mà tất cả dụng cụ phẫu thuật được đưa qua lỗ hậu môn hoặc âm đạo để tiến hành phẫu tích, sau đó lấy bệnh phẩm và khâu nối đều qua duy nhất là con đường này.
Tiếp nối sự thành công lớn về phẫu thuật nội soi cắt đại tràng và trực tràng qua đường hậu môn cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng, lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công phẫu thuật hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật nội soi qua đường âm đạo cho một bệnh nhân nữ (62 tuổi) bị ung thư đại tràng sigma giai đoạn 2. Được đánh giá thực sự khó khăn, nhưng với một êkip phẫu thuật viên kinh nghiệm nên ca phẫu thuật đã thành công. Sau mổ 48 giờ, bệnh nhân bình phục tốt. GS.TS. Phạm Như Hiệp cho biết: “Đây là trường hợp đầu tiên phẫu thuật nội soi hoàn toàn qua âm đạo cắt ung thư đại tràng được thực hiện thành công, đánh dấu bước tiến mới của phẫu thuật nội soi, không những chỉ tại Việt Nam mà cả trên toàn thế giới.
Bài, ảnh: Xuân Hồng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư về “đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”, sáng 16/4 Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm cầu trong nước nhằm đánh giá những kết đạt được cũng như những tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước
Return to top