ClockThứ Hai, 25/07/2016 14:09

Ký ức bi hùng của một cảm tử quân

TTH - Thời gian trôi qua đã 55 năm, nhưng thương binh Nguyễn Hữu Phúc (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang), người đảng viên kiên cường trong nhà tù Phú Quốc năm xưa vẫn không quên giây phút bi hùng sát cánh bên đồng đội, thực hiện nhiệm vụ cảm tử, tự mổ bụng để đấu tranh với địch.

Cảm tử quân Nguyễn Hữu Phúc

Cống hiến tuổi thanh xuân

Đầu năm 1968 khi vừa bước qua tuổi 19, Nguyễn Hữu Phúc giác ngộ cách mạng, tham gia đội vũ trang công tác vùng A huyện Phú Vang (gồm các xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Tân, Phú Thanh, Phú Mỹ và Phú An). Nhiệm vụ của đội là xây dựng cơ sở vững chắc trong lòng dân, nắm tình hình hoạt động của bộ máy chính quyền địch, đồng thời kết hợp với lực lượng an ninh vũ trang tổ chức nhiều trận đánh ở địa phương. Sau chiến dịch Xuân 1968, quân địch ngày càng điên cuồng giết chóc, càn quét. Vùng giáp ranh càng vô cùng ác liệt, phải hoạt động bán công khai. Anh Phúc và đồng đội cứ ngày nằm hầm, đến 4, 5 giờ chiều “đội” hầm lên nắm tình hình. Chiến sĩ đội vũ trang công tác còn làm người dẫn đường, chỗ dựa cho biệt động thành khi lực lượng này về hoạt động. Cuối năm 1968, anh Phúc sa vào tay địch sau một cuộc vây ráp. Biết hầm đã bị lộ, xác định có thể hy sinh, anh Phúc quăng lựu đạn lên đồng thời lao ra khỏi hầm. Nhưng địch không bắn chết mà cố bắt người chiến sĩ hòng khai thác. Anh bị đưa qua các nhà lao Phú Thứ, Mang Cá, Thừa Phủ rồi trại giam Non Nước (Đà Nẵng) để hỏi cung, tra khảo. Không “moi” được gì, đến tháng 9/1969, địch đưa anh Phúc ra nhà tù Phú Quốc.

Tại đây, ông cùng các đồng chí khác giáo dục anh em giữ vững lập trường, tin tưởng cách mạng, bồi dưỡng các bạn trẻ để kết nạp vào Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đấu tranh chống lại đòn roi tra tấn và đòi quyền dân sinh, dân chủ…

Một lần anh em tổ chức đào hầm vượt ngục nhưng bị lộ. Để hạn chế tổn thất, có chủ trương chỉ một số ít anh em tự nguyện đứng ra nhận trách nhiệm. “Lần ấy tôi không phải là người trực tiếp đào hầm, nhưng khi các anh hỏi: “Em làm được việc ni không?”, tôi trả lời “Dạ được, mấy anh cứ yên tâm dù biết rõ nhận đào hầm, đồng nghĩa với chấp nhận đòn thù tra tấn”, với niềm tin, ý chí kiên cường tuổi hai mươi, ông đã “vượt qua” những trận đánh đập dã man, những tháng ngày bị nhốt trong chuồng cọp, nơi khủng khiếp nhất của địa ngục trần gian là nhà tù Phú Quốc, để càng tôi luyện sự can trường.

Mổ bụng để đấu tranh

Trong nhà tù, chế độ ăn uống kham khổ, thiếu thốn. Các chiến sĩ thường xuyên bị kẻ địch đánh đập vô cớ, bị đàn áp nhằm làm tê liệt tinh thần. Tháng 10/1971, Đảng bộ nhà tù phát động đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống đánh đập bằng phương pháp bất bạo động, tổ chức tuyệt thực để tránh tổn thất, không cho địch có cơ hội đàn áp bắn giết anh em. Vậy nhưng 7 ngày tuyệt thực trôi qua, ai nấy đều rã rời mệt lả mà địch vẫn chẳng động tĩnh gì. Không chùn bước, tổ chức chủ trương phải dùng biện pháp quyết liệt hơn, cử 3 đồng chí thực hiện nhiệm vụ cảm tử, mổ bụng tự sát, gây tiếng vang để thế giới biết đến.

Đây là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, người thực hiện có thể hy sinh. Vẫn một câu hỏi: “Em làm được không?”. Và đứa em út (anh Phúc là người nhỏ tuổi nhất trong nhà tù Phú Quốc) vẫn câu trả lời: “Dạ được, mấy anh cứ yên tâm”. Với niềm tin sắt son cách mạng sẽ thắng lợi, anh cùng hai đồng chí ở Quảng Nam, Bình Định nguyện quên thân mình, sát cánh bên nhau trong giờ phút đấu tranh khốc liệt ấy. Anh Phúc là người được giao đọc bản cáo trạng tố cáo, phản đối tội ác của địch trong nhà tù và yêu cầu bọn chúng phải thực hiện 17 điều về chế độ dân sinh mà các đồng chí chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Cáo trạng đọc xong, kẻ địch vẫn làm ngơ. Lập tức, anh Phúc cùng hai đồng chí của mình dùng dao nhọn tự chế (từ cán cà mèn), dũng cảm tự mổ bụng, đòi thực hiện yêu sách.

Ngoài sân nhà tù, máu các anh đã đổ. Trong những phòng giam, anh em nghiêm trang đặt tay lên ngực trái truy điệu sống các đồng chí đấu tranh cảm tử và tỏ lòng khâm phục. Lúc đó, địch hoảng hốt đề nghị đưa đi cứu chữa. Các anh kiên quyết yêu cầu phải thực hiện các điều khoản nêu tại bản cáo trạng, đồng thời ra điều kiện sau khi cứu chữa phải đưa các anh trở lại phòng giam cũ. Trước tinh thần bất khuất của những người tù cộng sản, địch phải khuất phục.

Sau một tháng nằm bệnh viện chữa trị vết thương, anh Phúc trở về trong vòng tay đồng chí. Nụ cười của người đảng viên, thương binh già, từng trải qua biết bao khốc liệt của tù đày trở nên thật ấm áp khi nhớ lại, phần cơm có miếng gì ngon mấy anh gắp hết cho đứa em từ cuộc đấu tranh sinh tử trở về. Tình cảm yêu thương của đồng chí, đồng đội, ông mang theo mãi trong cuộc đời, để mỗi ngày tự nhủ sống sao cho xứng đáng.

Năm 1972, sau khi địch trao trả tù binh, ông Phúc được đi an dưỡng học tập. Năm 1974, ông vào lại chiến trường A Lưới, Nam Đông... Sau giải phóng, ông làm Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Phú Thượng. Qua các thời kỳ, ông giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Phú Thượng, Phú Tân, Bình Thành, Bình Điền, Chánh văn phòng Huyện ủy Phú Vang, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng Ban Dân vận, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phú Vang.

Thùy Chi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Ký ức mặn nồng & rực đỏ

Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Ký ức mặn nồng  rực đỏ
Return to top