ClockThứ Bảy, 18/05/2019 12:30

Ký ức mãi xanh

TTH - Với những người lính Trường Sơn, ký ức về những ngày mở đường, tham gia vận tải và chiến đấu bảo vệ tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh đoạn qua A Lưới vẫn nguyên vẹn...

Nối dài huyền thoại đường Hồ Chí Minh

Những người lính Trường Sơn năm xưa nay có dịp gặp lại

Cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Hạnh, nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội A Lưới, người trực tiếp tham gia mở đường, bảo vệ đường Trường Sơn qua A Lưới bắt đầu câu chuyện: Để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1959, từ những lối mòn từ trước, bộ đội ta đã khai phá để mở ra tuyến đường Trường Sơn. Từ đó, hệ thống đường vận tải bí mật này ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu phục vụ chiến đấu ngày càng lớn cho chiến trường miền Nam.

Tại A Lưới, được sự đồng ý của nước bạn Lào, bộ đội ta mở tuyến đường ô tô theo Đường 14 từ La Hạp qua địa bàn huyện A Lưới ngày nay đến tận Ba Lạch, nay là cửa khẩu S10 A Đớt – Tà Vàng. Toàn tuyến ban đầu có 4 trạm, cách nhau từ 30 - 50km.

Cùng với muôn vàn khó khăn khi mở tuyến, có nơi phải dùng lượng thuốc nổ lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao, vừa đáp ứng được yêu cầu mở đường, nhưng phải bảo vệ được cây cối lớn ngụy trang, giữ được bí mật, đảm bảo an toàn cho tuyến đường và lực lượng.

Dưới đất là thế. Trên trời, địch huy động lực lượng, phương tiện để ngăn chặn, đánh phá. Để dễ phát hiện mục tiêu, chúng sử dụng cả bom phát quang, rải chất độc hóa học, hủy diệt các thảm cây xanh…

Cùng với bộ đội Trường Sơn, lực lượng mở đường 14, 15 qua A Lưới bao gồm bộ đội địa phương, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới. Với tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, họ  đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đánh bại mọi thủ đoạn chiến tranh ngăn chặn của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn.

Từng là bộ đội Trường Sơn tham gia mở đường, ông Hồ Văn Át, CCB ở xã Hồng Trung, huyện A Lưới hồi tưởng về thời điểm thông tuyến: Tại chiến trường Động So - A Túc ở địa bàn A Lưới, lực lượng của ta vừa chiến đấu, đánh trả máy bay địch, vừa bảo đảm thông đường, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, làm cọc tiêu dẫn đường, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam.

Ông Át nhớ lại: Năm 1961 là thời điểm ác liệt nhất, nhiều người con của quê hương A Lưới vừa tham gia gùi hàng, tải đạn tiếp tế vừa đánh địch bảo vệ đường 559. Trong đó, điển hình nhất có Anh hùng Hồ A Nun ở xã Hồng Bắc. Nhiều lần gùi trên lưng 80-90kg đạn, hàng hóa, Anh hùng Hồ A Nun vượt núi, băng rừng 6-7 tiếng đồng hồ mới đến trạm tiếp tế... Có lần đang tải đạn và hàng, gặp lúc địch càn quét hòng cắt đường tiếp tế, ông cùng đồng đội lập trận địa tấn công tiêu diệt địch, bảo vệ hàng và tuyến đường chi viện. Quân khu 5 đã tổng kết: trong 7 năm, Anh hùng Hồ A Nun đã gùi hàng, tải đạn chi viện cho miền Nam với số lượng 197 tấn.

Ký ức những ngày “Mở đường mà tiến” của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn qua A Lưới của CCB Nguyễn Văn Sơn (đơn vị Đại đội 814, Tiểu đoàn 8, Đoàn vận tải 559 năm xưa) mà tôi được gặp khi ông từ Bắc trở vào thăm lại chiến trường xưa, đã cho tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sự anh dũng hy sinh của những người đã ngã xuống trên tuyến đường này.

Ông Sơn nghèn nghẹn: "Đường mở tới đâu, địch đánh tới đó. Số lượng bom theo thống kê mà quân đội Mỹ đã thả xuống chiến trường này là 3 quả/m2. Hàng nghìn người đã ngã xuống để dòng người, dòng xe kịp chi viện cho miền Nam ruột thịt...".

Họ đã góp một phần xương máu vào chiến công chung, làm nên đại thắng Mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lần về dấu xưa

Cũng như nhiều dân tộc khác đang sinh sống trên dãy Trường Sơn, cộng đồng người Pa Cô ở huyện A Lưới có nhiều tín ngưỡng độc đáo về văn hóa và tâm linh thờ cúng. Trong tâm thức của đồng bào, những ngôi nhà piing - nhà mồ được dựng lên ngoài để che chắn, tưởng nhớ người đã khuất thì đó còn là nơi lưu dấu những ký ức về tổ tiên, dòng họ.

Lần về dấu xưa
“Hương thầm” giữa đại ngàn Trường Sơn

Tấm bia đá nặng 22 tấn khắc bài thơ “Hương thầm” của nữ thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn ở Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) A Lưới không chỉ dành cho em trai mình, mà còn tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì khát vọng thống nhất non sông. Ai trở lại chiến trường xưa, ai tìm kiếm thông tin liệt sĩ ở vùng đất này đều ghé đến dâng hương, chiêm nghiệm trước tấm bia để nhớ về một thời đi theo tiếng gọi non sông…

“Hương thầm” giữa đại ngàn Trường Sơn
A Lưới và những ngày tươi đẹp

Tôi đã hơn một lần nhắc đến tác giả cuốn sách “Tiếng vọng Trường Sơn”. Gần nhất là khi bà ủy quyền cho tôi công bố tư liệu về “Người mang họ Hồ lên vùng núi A Lưới hơn nửa thế kỷ trước” (Báo Thừa Thiên Huế ngày 16 và 17/5/2022), do bà nghĩ mình đã hơn 85 tuổi, không còn đủ sức hoàn thiện bản thảo.

A Lưới và những ngày tươi đẹp
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023)
Đường Trường Sơn & vị tướng huyền thoại

Tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 rồi kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) trong thời bình, sự nghiệp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại.

Đường Trường Sơn  vị tướng huyền thoại
Nêu cao phẩm chất bộ đội cụ Hồ, góp sức xây dựng quê hương

Ngày 15/9, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ 2, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Tham dự Đại hội có hơn 100 đại biểu đại diện cho 2.181 hội viên thuộc 9 đơn vị thành viên Ban liên lạc trong toàn tỉnh.

Nêu cao phẩm chất bộ đội cụ Hồ, góp sức xây dựng quê hương
Return to top