ClockThứ Ba, 01/09/2015 10:00

Ký ức ngày độc lập

TTH - Bảy thập kỷ đã qua, nhưng những nhân chứng trong mùa thu năm 1945 vẫn còn đó. Lịch sử hào hùng vẫn hằn sâu trong tâm trí những người lính già.

Ông Trương Đình Châu (bên phải) kể về những ngày Cách mạng Tháng Tám

 

Hạnh phúc được tự do

88 tuổi, mắt đã mờ dần, tai đã lãng nhưng trí nhớ ông Trương Đình Châu (nguyên Trưởng Ban liên lạc Trung đoàn Trần Cao Vân) vẫn còn minh mẫn. Ngày 30/8/1945, ông Châu chỉ huy Đội tự vệ chiến đấu làng Phú Xuân (thuộc huyện Hương Trà cũ)đến trước Ngọ Môn để chứng kiến dấu mốc lịch sử - vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho Chính phủ lâm thời, khi ấy ông Châu vừa tròn 18 tuổi. “Có thể nói lúc đó là cao trào cách mạng. Từ nông thôn đến thành thị, ai cũng phấn khởi vì sắp được tự do. Địch không còn phản ứng mạnh nên việc cướp chính quyền diễn ra thuận lợi. Lúc bấy giờ, cán bộ Việt Minh tập hợp dân để tuyên truyền tình hình cách mạng. Các cơ quan của triều đình cũ và thực dân Pháp ta nắm hết. Trước cách mạng, chúng ta đã thành lập Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời. Cách mạng thành công, sự kiện vua Bảo Đại thoái vị thu hút rất đông người dân đến theo dõi; các đơn vị tự vệ của các huyện, thành phố được đưa lên trước Ngọ Môn tạo thành một lực lượng hùng hậu để ủng hộ Việt Minh”, ông Châu kể.
Tháng Tám mùa thu năm ấy, khắp các ngả đường, dưới rừng cờ đỏ sao vàng, người dân ai nấy nô nức, phấn khởi. Mọi tầng lớp, giai cấp với tinh thần lạc quan và tin tưởng cách mạng sẽ mang đến cuộc sống độc lập, tự do và nhiều điều tốt đẹp khác. “Ai cũng biết cách mạng thành công, Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một chương mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nhưng điều tôi nhớ mãi là tầng lớp thanh niên tham gia giành chính quyền thời ấy, sau cách mạng đều tham gia bộ đội. Những người đó chỉ ở tuổi đôi mươi nhưng hăng hái tham gia với tinh thần tự nguyện. Có người thấp bé phải dùng mẹo để được đi bộ đội; có người đi mà gia đình không hề hay biết và họ đã quên mình vì Tổ quốc”, ông Châu hồi tưởng.
Đối với ông Lê Văn Thiệp (84 tuổi, nguyên Phó Ban liên lạc của Trung đoàn 95 Nguyễn Thiện Thuật), Cách mạng Tháng Tám thành công lúc ông vừa 14 tuổi. Ông kể: “Năm 1945, tôi sinh hoạt trong tổ chức thiếu niên tiền phong ở địa phương. Vì có giọng hát hay nên tôi chịu trách nhiệm hát và tập cho mọi người hát bài Quốc ca và những bài hát về cách mạng. Chính những bài hát đó mà tầng lớp thiếu niên hiểu hơn về cách mạng. Cách mạng thành công, người dân được tự do – điều mà ai cũng khao khát bấy lâu nay. Các địa phương tổ chức lễ đài trọng thể, người dân đi mít tinh rất đông để mừng ngày Quốc khánh đầu tiên. Có nhiều hoạt động được dân hưởng ứng, như thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước, gánh lúa rầm rập đến Ủy ban kháng chiến”.
Hãy tiếp bước ông cha
Bốn bức tường của căn nhà ông Trần Văn Sang (86 tuổi, nguyên UVBCHTW Hội CCBVN, Chủ tịch Hội CCBVN tỉnh) treo kín những bằng khen, huân huy chương và những bức ảnh, kỷ vật thời kháng chiến. Cách mạng Tháng Tám, ông Sang là học sinh của Trường Quốc Học Huế. “Thời kỳ đó, tôi mới 16 tuổi, học năm thứ 3 ở Trường Quốc Học. Dưới chế độ thống trị của Pháp, chúng tôi phải học theo chương trình của Pháp và học tiếng Pháp, phục vụ cai trị của chúng. Vì thế, một số thanh niên lúc bấy giờ nhận thức về cách mạng vẫn còn mơ hồ. Tôi may mắn có nhà thơ Tố Hữu ở gần nhà, nghe anh kể về cách mạng, về Đảng nên dần dần thấm hiểu. Ba anh trai của tôi cũng là cán bộ tiền khởi nghĩa nên giúp tôi hiểu ít nhiều về cách mạng, về dân tộc bị áp bức, nô lệ. Trước cách mạng, tôi cùng nhiều học sinh khác hoạt động bí mật ở nội thành. Sau đó, cùng với các trường khác, học sinh Quốc Học với phong trào “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” tạo nên những phân đội giải phóng quân đầu tiên tình nguyện lên đường Nam tiến lúc quân Pháp quay trở lại đánh chiếm”, ông Sang chia sẻ.
Chiều ngày 23/8/1945, cuộc mít tinh do Đảng lãnh đạo tại sân vận động Huế thu hút hàng vạn người dân tham dự. Rừng cờ đỏ sao vàng với các khẩu hiệu và tiếng hô đả đảo thực dân Pháp vang cả góc trời. Ông Sang bồi hồi nhớ lại: “Hàng vạn người dân tập trung chỉnh tề tại sân vận động Huế để nghe đồng chí Tố Hữu đọc diễn văn và tuyên bố chính quyền về tay Nhân dân. Khoảng 2 tiếng đồng hồ, các đoàn phân công nhau đi tuần hành ở khắp các ngả đường. Ai cũng tin rằng khi có chính quyền cách mạng, sẽ không còn cảnh bóc lột đàn áp, dân được tự do đi lại, tự do ngôn luận”.
Trước lúc chia tay, ông Sang nhắn nhủ: “Những gì cách mạng, Đảng mang lại ai cũng đều thấy rõ. Thế hệ trẻ hôm nay cần phát huy tinh thần cách mạng, hãy tiếp bước ông cha để xây dựng quê hương giàu đẹp”.
LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững

Chiều 23/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt Chương trình), đồng thời đưa ra những giải pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian đến.

Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Mâu thuẫn vì từ chối "cụng ly" dẫn tới chém nhau

Ngày 23/4, Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” đối với Nguyễn Minh Vũ (SN 1985, trú phường Phú Nhuận); Châu Văn An (SN 1991) và Phạm Văn Phước (SN 1997) cùng trú phường An Đông, TP. Huế.

Mâu thuẫn vì từ chối cụng ly dẫn tới chém nhau
Return to top