ClockThứ Ba, 23/03/2021 06:15

Ký ức những ngày giải phóng Huế bên giàn hỏa tiễn

TTH - “Tôi cứ nghĩ giàn hỏa tiễn H12 đã bị đưa đi đâu đó hoặc bị phá hỏng chứ không ngờ nó còn “sống” tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế”, ông Trần Hồng Quân (Trung sĩ, Trung đội phó Khẩu đội H12, thuộc Đại đội 14, Trung đoàn 4) xúc động khi về thăm lại chiến trường xưa.

Chú thích lại một bức ảnh

Ông Trần Hồng Quân bên khẩu H12

Vào một ngày cuối tháng 7/2020, trong dịp đón đoàn cán bộ, chiến sĩ Đại đội 14, Trung đoàn 4 về lại chiến trường xưa, thăm những kỷ vật gắn liền với đồng chí, đồng đội mình trên mặt trận Trị - Thiên Huế, tôi may mắn gặp ông Trần Hồng Quân, Trung sĩ, Trung đội phó Khẩu đội H12, thuộc Đại đội 14, Trung đoàn 4 tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975 ở Thừa Thiên Huế.

Khuôn mặt rắn rỏi, cương nghị của ông tràn đầy xúc động khi tận mắt chứng kiến giàn hỏa tiễn H12 còn “sống” tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế. Bao ký ức, kỷ niệm của những năm tháng hào hùng lại ùa về, tưởng chừng như vừa mới xảy ra hôm qua.

Ông Trần Hồng Quân sinh năm 1954 tại miền quê Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Với tinh thần cả nước là một chiến trường, thanh niên, học sinh, sinh viên ở miền Bắc ngoài việc học tập và phục vụ xây dựng hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa, còn cháy bỏng nguyện vọng lên đường chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, thống nhất đất nước. Tuổi mười tám đôi mươi căng tràn nhựa sống, nhiệt huyết cách mạng sôi sục đã thôi thúc nhiều thanh niên huyện Bình Lục, cũng như thanh niên Trần Hồng Quân tòng quân khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn ác liệt. 

Năm 1972, ông tập kết tại huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) (1973) và biên chế vào Trung đoàn 4 Phong Quảng (Phong Điền và Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Tháng 2/1974, ông cùng một số đồng chí được cấp trên cử tham gia lớp tập huấn hoả lực mạnh H12 và DKB tổ chức tại A Sầu, huyện A Lưới để phục vụ chiến dịch giải phóng miền Nam. Giàn hoả tiễn H12 do Liên Xô sản xuất, gồm 12 nòng (nòng dài 80cm, cỡ nòng 107mm, tầm bắn xa nhất là 8.700m), có thể bắn một phát hoặc nhiều phát tùy theo nhiệm vụ được giao. Giàn hỏa tiễn H12 có nhiệm vụ chi viện cho bộ binh, đánh phá các căn cứ quân sự, hậu cần của địch.

Ông Quân chia sẻ:“Tháng 4/1974, Trung đoàn nhận được 1 giàn hỏa tiễn H12 và 4 khẩu DKB. Trận đánh đầu tiên mà H12 tham gia vào tháng 6/1974 là tấn công vào kho xăng Đông Lâm, xã Phong Thu, huyện Phong Điền, làm kho xăng cháy hơn nửa ngày. Đó là thắng lợi lớn đầu tiên của giàn hỏa tiễn H12”.

Sau đó, theo lệnh của cấp trên, giàn hoả tiễn H12 được di chuyển xuống đồng bằng tại làng Sơn Quả, xã Phong Thu, huyện Phong Điền. Để sử dụng giàn hoả tiễn này cần có một khẩu đội 5 đồng chí và một chỉ huy, gồm: Trung sĩ, Trung đội phó Trần Hồng Quân (chỉ huy); Trung sĩ, Khẩu đội trưởng Hoàng Thanh Bình (sống tại thành phố Thanh Hoá); binh nhất số 1 Trần Vy Thịnh (sống tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ); binh nhất số 2 Nguyễn Minh Lương (sống tại Gia Lâm, Hà Nội); pháo thủ số 1 Nguyễn Minh Xuân (sống tại tỉnh Hà Tây); pháo thủ số 2 Lê Chiến Lũy (sống tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).

Đúng kế hoạch, ngày 8/3/1975, giàn hỏa tiễn H12 của Đại đội 14, Trung đoàn 4 tấn công căn cứ Phổ Lại, mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân  1975 ở Thừa Thiên Huế, tiếp đó đánh vào các căn cứ của Việt Nam Cộng hòa ở Hiệp Khánh, Hiền Sĩ, An Lỗ… 

Được địch đặt tên là “B52 của Việt cộng”, từ ngày 8/3 - 25/3/1975, giàn hỏa tiễn H12, Đại đội 14, Trung đoàn 4 đã cùng với quân dân Thừa Thiên Huế tiến lên giải phóng Huế vào ngày 26/3/1975, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975. Từ đây, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Với những đóng góp của mình, sau khi chiến tranh kết thúc, ông Trần Hồng Quân được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Hai, Dũng sĩ Quyết thắng cấp 3 và một số danh hiệu khác. 

Ngày 27/7/2020, trong chuyến tham quan tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, khi nhìn thấy kỷ vật gắn với đời lính của mình, ông Quân bồi hồi xúc động chia sẻ: “Năm 2010, khi nghe tin giàn hỏa tiễn H12 được trưng bày tại bảo tàng ở Huế, tôi đã tìm cách hỏi thăm thông tin nhưng chưa có kết quả. Năm 2018, tôi đã nhờ anh bạn ở Huế kiểm tra xem có phải chính xác giàn hỏa tiễn H12 của Đại đội 14, Trung đoàn 4 tham gia trong cuộc Tổng tiến công ở Huế không, nhưng vẫn chưa có kết quả. Đến năm 2020, tôi có nhờ chị Đào (du kích huyện Phong Điền), qua anh Phan Cảnh Anh Vinh (cán bộ của Bảo tàng Lịch sử), tôi đã biết được kết quả mong muốn của tôi bấy lâu nay”.

Hiện nay, ông Quân sống với vợ là bà Trần Thị Thoa cùng các con tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái trong một ngôi nhà nhỏ hạnh phúc. Thỉnh thoảng, ông và những đồng đội của mình có dịp ngồi bên chén trà nhâm nhi và ôn lại những kỷ niệm về những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết.

Ông Quân hy vọng, giàn hỏa tiễn H12 cũng như những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế mãi là“nhân chứng sống”, giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha ông, từ đó ý thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước.

Lê Thị Mai An

 (Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Ký ức mặn nồng & rực đỏ

Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Ký ức mặn nồng  rực đỏ
Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa

Nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà thơ Văn Cao được biết đến là một trong những nghệ sĩ tài danh hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20. Ca khúc “Tiến quân ca” của ông được chọn là Quốc ca Việt Nam. Năm 2023 là tròn 100 năm ngày sinh của bậc tài danh ấy (15/11/1923 - 15/11/2023).

Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa
Return to top