ClockChủ Nhật, 22/06/2014 04:28

Ký ức rơm rạ

TTH - Rơm làm nên mái nhà tranh hiền hòa, yên tĩnh. Rơm là nhiên liệu nấu nướng hằng ngày. Rơm sớm hôm nâng niu ổ gà đẻ của các bà, các mẹ. Với trâu, bò, rơm cho thức ăn, ủ ấm. Rơm đứng sừng sững trên triền đê rồi về tận các con ngõ. Rơm điểm tô khung cảnh làng quê. Rơm phủ đầy kí ức bằng mùi hương thơm ngát, nồng nàn…

Người nông dân tha thiết với rơm rạ như quý mến hạt gạo hai sương một nắng. Mùa gặt nào họ cũng ra sức tranh thủ ánh nắng mặt trời, giành nhau từng tấc ruộng, bờ đê; từng bãi sân, con ngõ để phơi rơm. Người người chộn rộn, hối hả cầm cây cào trên tay để di chuyển rơm ra chỗ nắng nhiều, tung hê từng mảng, lật lên trở xuống... Từng cọng rơm được nắng sẽ cong lên, vàng óng, thơm lựng mà vẫn đượm màu tươi nguyên.

Để đưa được rơm về nhà, phải dùng dây thừng hay lạt tre cật bó lại thành từng bó nhỏ; sau đó chất chúng lên xe cải tiến rồi vắt sức kéo về, còn không thì phải còng lưng vừa gánh vừa chạy những hôm trời dọa mưa… Cọc xây rơm được làm từ những cây tre già chụm lại, có nhà dùng cây bạch đàn cao lớn, nhà có điều kiện hơn thì chôn hẵn một cọc sắt cố định...

Rơm được xây vào cọc từ tốn, cẩn thận. Một người đứng dưới đất quẳng rơm lên trên cây cho người kia xây. Người quẳng rơm khỏe mạnh bao nhiêu thì người đón rơm lại càng nhanh nhẹn bấy nhiêu. Họ thoăn thoắt gỡ từng đụn rơm, rải đều chung quanh cọc rồi liên hoàn giẫm rơm thật chặt vào gốc cọc cho tới khi cây rơm được xây xong vững chãi.

Người nhà quê luôn dành cảm tình mến yêu với rơm rạ. Rời nó ra một chút là đã trở dạ bồi hồi. Những ngày mùa thuận lợi, bố mẹ tôi hay lựa những ruộng lúa tốt, cây lúa có thân to, chắc, nhất là cây lúa nếp để đánh tấm lợp. Bố chẻ hom, mẹ vuốt rạ rồi cả hai cùng thoăn thoắt chia từng nắm rơm vàng để đánh thành tấm lợp nhà hoặc lợp chuồng trâu, chuồng bò. Bố mẹ quý rơm như trọng cái tình nghĩa xóm làng; thân thiết bên chúng tựa bà con láng giềng gần gụi...

Cây rơm chính là miền cổ tích của lũ trẻ con nhà quê. Chúng tôi hay kháo nhau về chuyện dú quả vào đó. Có đứa nói, quả lê dú sâu vào trong cây rơm sẽ chín nhanh nhất; đứa khác lại bảo ấy phải là quả chuối, quả xoài hay quả mãng cầu… Nhà tôi đông con nên anh em vẫn hay giành nhau vị trí dú quả trên cây rơm nhà mình. Ngày đó, những thức quả sau khi dú dẫu có chát lè; dẫu có ngọt lịm hay chua lét, đám trẻ chăn trâu chúng tôi vẫn cứ ngấu nghiến ngon lành…

Những cây rơm cạnh hồi nhà của người nông dân sẽ lại nhô cao lên tận ngọn tre khi mùa gặt đến, nối tiếp tháng ngày no đủ, bình yên…

Nguyễn Tiến Dũng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top