ClockThứ Ba, 23/08/2016 05:26

Ký ức về những ngày tháng Tám hào hùng

TTH - Bước sang tuổi 93, mắt mờ, tai lãng, bước chân đã chậm, nhưng trong trí nhớ của người cán bộ tiền khởi nghĩa Hoàng Trọng Tế vẫn còn in đậm những giờ khắc lịch sử, cờ đỏ sao vàng tung bay khi Cách mạng Tháng Tám thành công.

Ký ức lại ùa về

Từ Quốc lộ 1A, đi dọc sông Truồi đến thôn Đồng Xuân, xã Lộc Điền, Phú Lộc, không khó để tìm ra nhà ông Hoàng Trọng Tế, vì hầu như ai cũng biết ông. Bệnh người già và những di chứng của chiến tranh vẫn hành hạ ông mỗi khi trái gió trở trời, song ông vẫn minh mẫn. Chậm rãi đặt chén nước trà xuống bàn, ông ngước nhìn ra trước sân thật lâu, khuôn mặt buồn hơn và nước mắt đã long lanh trên đôi mắt. Ông bảo: “Mấy hôm nay, tôi lại nằm mơ thấy anh Thuyết, anh Mục, anh Hải… Đó là những người cùng tham gia hoạt động cách mạng với tôi từ những ngày đầu”.

Ông Hoàng Trọng Tế (thứ hai bên phải) cùng các đồng đội tham quan Lăng Bác vào năm 2010

Ông Hoàng Trọng Tế đến với cách mạng một cách tự nhiên, từ ảnh hưởng của người cha có tư tưởng tiến bộ, sớm đi theo cách mạng. Những tư tưởng tiến bộ đó được ông tiếp thu, nuôi dưỡng từ nhỏ. Trước khi chuyển về Lộc An, gia đình ông sinh sống ở TP. Huế. Khi các phong trào ủng hộ nhà cách mạng Phan Châu Trinh ở Huế bị thất bại, cha ông đã đưa vợ con về Lộc An. Năm 1942, khi đó ông vừa tròn 19 tuổi, dưới sự dẫn dắt của đồng chí Lê Quang Thuyết (cán bộ cách mạng nổi tiếng ở Phú Lộc thời bấy giờ), ông được kết nạp Đảng, sinh hoạt tại Chi bộ Bàn Môn (đóng tại Lộc An) và bắt đầu hoạt động bí mật ngay tại địa phương.

Nhà ở Lộc An, bên kia sông Truồi, ban ngày, ông vẫn sinh sống như một người dân bình thường. Tối đến, ông vượt sông sang Lộc Điền và về Cầu Hai để nắm tình hình. Ông nhớ lại: “Lúc đó, ba tôi giỏi tiếng Pháp nên thường được thuê làm phiên dịch. Nhờ vậy mà nhà có một chiếc xe đạp. Hằng ngày, tôi đạp xe đi chơi, nhưng thực tế là quan sát, nắm tình hình của địch để báo cáo lại với chi bộ. Ngày đó, ở các con sông lớn nhỏ, từ La Sơn về đến Cầu Hai địch đều xây dựng hệ thống phòng thủ và trang bị hỏa lực mạnh. Nếu thời cơ chưa đến mà tiến hành đấu tranh cướp chính quyền thì rất dễ thất bại”.

Vùng lên giành chính quyền

“Tôi còn nhớ, gần đến thời gian tổng khởi nghĩa, các đồng chí ở cấp trên về tổ chức hội nghị ở Đồi Bông (Lộc An), thông báo kế hoạch cuộc tổng khởi nghĩa. Sau hội nghị đó, chi bộ đã tổ chức diễn thuyết tại chợ Truồi, phân tích tình hình và hô hào các tầng lớp nhân dân cùng đứng lên khởi nghĩa. Trong 3 ngày 19-21/8/1945, khí thế của cuộc khởi nghĩa dâng cao vô cùng. Trong ngày 19, các thành viên bí mật chuẩn bị khẩu hiệu, biểu ngữ và vũ khí. Sang ngày 20, tôi và đồng chí Nguyễn Nhĩ cùng với 200 người dân nữa kéo lên đập Truồi để tịch biên gia sản của Tổng đốc Ngô Đình Khôi. Lúc đó, thực dân Pháp và phát xít Nhật ở Phú Lộc như rắn mất đầu, suy yếu rõ rệt. Tận dụng thời khắc đó, 4 giờ sáng ngày 21, khi nghe hiệu lệnh, tất cả lực lượng và người dân cùng ra đường, tiến về các trụ sở của địch, sau đó tiến về huyện ở Cầu Hai để giành chính quyền, giải phóng Phú Lộc”.

Khi kể về những ngày cách mạng tháng Tám thành công, ông luôn nở những nụ cười vui vẻ. Có lẽ, niềm tự hào về những thời khắc lịch sử ấy ông mãi không quên.  “Mỗi khi đến các ngày lễ, tôi lại nhớ về đồng đội mình và ước gì tìm đến đồng đội để ôn lại những kỷ niệm xưa. Nhưng hiện giờ, vì tuổi già mà đồng đội đã lần lượt ra đi, chỉ biết gửi tâm sự vào trong những giấc mơ, mong các anh về và nói chuyện mà thôi”, ông Tế nghẹn ngào.

Ông Trần Quang Anh, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Điền cho biết, ông Hoàng Trọng Tế là một lão thành cách mạng mẫu mực. Nhân cách sống của ông là tấm gương sáng cho lãnh đạo và Nhân dân Lộc Điền noi theo. Những năm trước, khi ông còn khỏe mạnh, vào các ngày lễ, Đảng ủy và chính quyền xã đều mời ông về kể lại những kỷ niệm để truyền hào khí Cách mạng cho nhân dân Lộc Điền.

Năm 2013, ông Hoàng Trọng Tế được Đảng và Nhà nước trao tặng huy hiệu 70 tuổi Đảng. Năm 1967, khi đang chiến đấu ở Quảng Trị, ông trúng bom, bị nội thương và xuất huyết; cũng trong thời gian này ông bị nhiễm chất độc da cam.

ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Ký ức mặn nồng & rực đỏ

Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Ký ức mặn nồng  rực đỏ
Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa

Nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà thơ Văn Cao được biết đến là một trong những nghệ sĩ tài danh hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20. Ca khúc “Tiến quân ca” của ông được chọn là Quốc ca Việt Nam. Năm 2023 là tròn 100 năm ngày sinh của bậc tài danh ấy (15/11/1923 - 15/11/2023).

Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa
Return to top