ClockThứ Bảy, 19/12/2015 12:07

Ký ức về trận đánh Nhà máy Đèn Huế

TTH - 69 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”(19/12/1946), nhưng Trung tướng Hoàng Ngọc Diêu (sinh năm 1925), vẫn nhớ như in về những năm tháng hào hùng trên đất Cố đô.

Tôi thật bất ngờ khi được tiếp xúc với vị tướng già đã bước qua tuổi 90, nhưng còn rất minh mẫn, khi kể về mỗi sự kiện, từng chi tiết của gần 70 năm trước. “Cháu muốn nghe ông kể về sự kiện nào? Năm 1946 à? Ông kể về cuộc chiến đấu với thực dân Pháp tại Nhà máy Đèn Huế nhé!”, ông gợi mở.

Trung tướng Hoàng Ngọc Diêu kể về trận đánh tại Nhà máy Đèn Huế

Trung tướng Hoàng Ngọc Diêu sinh ra tại làng Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền. Khó có thể kể hết những chức vụ ông từng kinh qua từ khi tham gia cách mạng vào tháng 6/1945. Tháng 4/1946, ông là Đội trưởng Đội cảm tử Huế thuộc Trung đoàn Trần Cao Vân.

Trong căn phòng nhỏ với những kỷ vật thời chiến được xếp ngăn nắp nơi góc tủ, ông kể: “Sau khi Bác Hồ ký tạm ước ngày 14/9/1946 tại Hội nghị Fontainebleau ở Pháp. Bác và Ban chấp hành Trung ương Đảng nhận định, Pháp sẽ không thi hành theo đúng tạm ước nên ta phải chuẩn bị tinh thần cho cuộc kháng chiến.Trước khi đánh, chúng ép ta phải thi hành những điều khoản có lợi cho chúng. Trong đó, có điều khoản buộc ta phải trả lại các tài sản tư nhân. Ở Huế, Nhà máy Đèn Huế là một xí nghiệp tư nhân mà chúng muốn lấy lại. Do đó các đồng chí lãnh đạo Uỷ ban Kháng chiến Trung bộ nhận định Pháp sẽ đánh chiếm Nhà máy Đèn. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Trung bộ trực tiếp ra chỉ thị cho Trung đoàn Trần Cao Vân tổ chức Đội cảm tử gồm 40 đồng chí, do tôi làm đội trưởng. Đội cảm tử sẽ cải trang thành công nhân vào làm việc trong nhà máy, phối hợp cùng công nhân đấu tranh bảo vệ nhà máy”.

Sau khi trực tiếp giao nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Duy Trinh chỉ ra hai nhiệm vụ cho Đội cảm tử thực hiện. Nhiệm vụ thứ nhất, lúc chưa đánh nhau, nếu Pháp đưa quân đánh chiếm nhà máy thì Đội cảm tử cùng công nhân đấu tranh bằng khẩu hiệu “Nếu Pháp chiếm Nhà máy Đèn thì công nhân phá Nhà máy Đèn”. Đội cảm tử phải đứng hàng đầu để che đạn cho công nhân phòng khi địch nổ súng. Nhiệm vụ thứ hai, nếu có lệnh đánh nhau thì phải kiên quyết phá nhà máy, không cho địch chiếm, nhằm gây khó khăn cho địch về điện nước và thuận lợi cho quân ta hoạt động.

Tháng 11/1946, Đội cảm tử bí mật ém sẵn trong Nhà máy Đèn Huế phối hợp với Đội tự vệ gồm những công nhân trong nhà máy chuẩn bị cho cuộc chiến đấu. “Các đồng chí trong Đội cảm tử được tuyển chọn rất gắt gao. Mỗi đại đội chỉ chọn 2 đồng chí ưu tú nhất để tham gia vào Đội cảm tử. Lúc vào nhà máy, chúng tôi làm công việc đãi than”, ông Diêu nói.

Sau khi Bác Hồ ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” vào ngày 19/12 thì đúng 1 giờ sáng ngày 20/12, Pháp bắt đầu tấn công Nhà máy Đèn. Đội tự vệ và Đội cảm tử kiên quyết chiến đấu bảo vệ Nhà máy Đèn cho đến khi có lệnh phá nhà máy.“Trước khi địch tấn công, chúng tôi tổ chức bàn bạc kế hoạch đánh địch rất chi tiết. Nhà máy Đèn có 5 máy gazozen chạy bằng than đá, một máy diezen chạy bằng dầu ma dút. Muốn 5 máy gazozen hoạt động thì máy diezen phải hoạt động trước. Trong lúc bàn bạc, có đồng chí đưa ra phương án rằng, chúng ta bí mật tháo con thoi dầu trong máy diezen thì 5 máy còn lại không hoạt động. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với phương án này vì địch có thể thay bằng 1 con thoi dầu khác bất cứ lúc nào. Vì thế, chúng tôi đi đến quyết định đặt bom ở tất cả các máy để phá. Cuối cùng phá hủy thành công”, ông Diêu nhớ lại.

Trong ký ức của vị tướng dày dạn trận mạc, trận đánh ở Nhà máy Đèn Huế diễn ra vô cùng ác liệt, lực lượng cảm tử, tự vệ chiến đấu rất anh dũng. “Chúng tôi tổ chức giật bom phá hệ thống máy móc chính. Tuy có sự chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, nhưng quân ta cũng bị tổn thất khá nặng, Đội cảm tử hy sinh chỉ còn 15 đồng chí. Đồng chí Lê Huệ, chỉ huy Đội tự vệ cũng đã hy sinh ngay trước sân nhà máy”, tướng Diêu chùng giọng.

Cùng với tiếng nổ của quả bom phá hai nhịp cầu Trường Tiền, tiếng bom phá hủy Nhà máy Đèn Huế của Đội cảm tử là những cuộc tấn công giặc Pháp đầu tiên trên mặt trận Huế. Cả TP Huế thời điểm ấy chìm trong bóng tối. Đội cảm tử hơn 10 đồng chí ra ngoài phối hợp với bộ đội tấn công địch ở cầu Kho Rèn, trường Thiên Hựu (Đại học Khoa học Huế hiện nay). Sau đó, địch phản công, chúng dùng 2 xe thiết giáp cùng bộ binh từ trường Thiên Hựu đánh chiếm lại Nhà máy Đèn, nhưng bị Đội cảm tử và tự vệ phục kích giật bom tiêu diệt 45 tên địch cùng xe thiết giáp.

Trận tấn công đầu tiên ở Huế sau lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, bộ đội, lực lượng cảm tử, tự vệ, công an, trinh sát và Nhân dân TP Huế đã nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng, tiêu diệt hơn 100 tên địch, phá hủy một số vũ khí, phương tiện chiến tranh, đẩy quân địch vào thế bị động chống đỡ.

Trước khi chia tay, Trung tướng Hoàng Ngọc Diêu ưu tư gửi gắm: “Khi giải phóng, tôi về Huế có ghé thăm Nghĩa trang liệt sĩ TP Huế. Lúc đó, những nấm mồ của các liệt sĩ cảm tử Nhà máy Đèn Huế năm xưa không có bia mộ. Lần thứ hai trở lại thì đã có bia mộ. Mặc dù vậy, tôi mong muốn các cấp, các ngành xây dựng một bia lưu niệm có ý nghĩa lịch sử để tri ân các liệt sĩ cảm tử Nhà máy Đèn Huế đã anh dũng hy sinh”.

Bài, ảnh: Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn

Sáng 25/4, ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp công dân tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc. Cùng dự buổi tiếp công dân có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Trân; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Phú Lộc và một số phòng, ban liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top