ClockThứ Bảy, 05/10/2019 13:15

L’Art à Hué trăm năm nhìn lại (1919 - 2019)

TTH - Từ thế kỷ XVII - XX, nhờ vai trò thủ phủ xứ Đàng Trong rồi kinh đô nước Đại Nam, Huế thực sự là trung tâm tụ hội nhân tài vật lực cả nước và khu vực, đặc biệt trên phương diện học thuật, nghệ thuật tạo hình, với đỉnh cao là tinh hoa mỹ thuật truyền thống.

Bế mạc lớp tập huấn nâng cao nhận thức và quản lý, lãnh đạo văn học, nghệ thuật

Tư liệu quý về nghệ thuật và nghệ nhân

Dù thiếu vắng những công trình đồ sộ nguy nga so với Trung Hoa, hay Đàng Ngoài; dù chỉ được thể hiện chủ yếu trên vật liệu gỗ, vôi vữa, đá, đồng hay vải vóc... nhưng người thợ thủ công đã thực sự hóa thân để trở thành những nghệ nhân - nghệ sĩ tài hoa, thổi hồn để biến những đồ vật thô mộc thành tác phẩm nghệ thuật.

Ở trung tâm học thuật và nghệ thuật truyền thống đó, trong bối cảnh tiếp xúc văn minh Đông - Tây hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã nảy sinh cuộc hôn phối văn hóa độc đáo với trào lưu học thuật hiện đại phương Tây. Sự tiếp xúc, cái bắt tay thận trọng, rụt rè đầy khó khăn buổi đầu giữa những bậc quan lại trí thức túc Nho Đại Nam với những đồng nhiệm “Đại Pháp” đã dần dần có sự gắn kết trong mục tiêu hòa hợp để phát triển xứ sở theo đúng khát vọng và tư tưởng các bên.

Hội Đô thành Hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hue - A.A.V.H) là một hội đoàn học thuật phương Tây được gieo trồng ở ngay chính Kinh đô Huế, quy tụ và gắn kết những con người có thiện chí và khát vọng kiếm tìm, trân trọng những giá trị tinh hoa trong lịch sử văn hóa Việt vùng Huế, để giáo dục nhân cách và phát triển xã hội.

Tạp chí của Hội Đô thành hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue - B.A.V.H) thực sự là một diễn đàn sâu rộng, hữu hiệu để quy tụ những con người tài hoa, tâm huyết, người Pháp lẫn người Việt, với nhiều ngành nghề, xuất thân và vị trí xã hội đa dạng... để thực hiện chiến lược nghiên cứu Huế, trong đó có vấn đề đặc biệt quan trọng là nghệ thuật tạo hình - mỹ thuật Huế.

Nghệ thuật Huế rất được chú trọng trong chiến lược nghiên cứu của A.A.V.H, đăng tải trên B.A.V.H, từ phạm vi thôn dã đến tận chốn cung nội, trên nhiều chất liệu khác nhau, từ đồ gia dụng cho tới đồ ngự dụng, tự khí, pháp khí chốn tự viện... Đặc biệt, trong số chuyên đề đầu tiên năm 1919, L’Art à Hué chính thức ra đời, sau đó được tái bản như là một cuốn sách độc lập, đã tạo nên mốc son quan trọng trong diễn trình nghiên cứu nghệ thuật - mỹ thuật truyền thống vùng Kinh thành Huế.

Đọc sách Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế (L. Cadière, Nxb. Hà Nội, Lê Đức Quang dịch, Nguyễn Hữu Thông, Trần Đình Hằng giới thiệu,Thaihabook ấn hành, 2019)

Công trình này đã được khởi động ngay từ những ngày đầu của A.A.V.H, dưới sự khởi xướng của học giả uyên bác L.Cadière, có sự trợ giúp của một nhân viên đặc biệt ở ngân khố Trung kỳ E.Gras và nhất là sự tham gia hứng khởi của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tài hoa người Việt, tiêu biểu như họa công Đại Nội Nguyễn Văn Nhơn/Khắc Nhân, giáo sư trường Bá công Tôn Thất Sa cùng những học trò ưu tú từng tốt nghiệp trường Bảo hộ như Lê Văn Tùng, Trần Văn Phềnh... Hình ảnh không gian làm việc nhóm từ trong văn phòng ra đến thực địa của người Pháp mang Âu phục và người Việt mang áo dài khăn đóng, guốc mộc... đã khắc họa nên một tinh thần “Đông - Tây hội ngộ” trong học thuật đương thời qua tác phẩm L’Art à Hué, mang lại những nét khởi sắc thiết yếu, những sản phẩm khoa học có giá trị, được thể hiện công phu, trau chuốt qua từng trang sách, từng tranh ảnh minh họa sống động.

Được dẫn dắt, xếp đặt trong bối cảnh Đông - Tây hội ngộ, A.A.V.H tại Kinh thành Huế là điểm gặp gỡ của truyền thống hội đoàn học thuật châu Âu với một vùng đất chất chứa giao thoa văn hóa, L’Art à Hué là một tác phẩm bàn về nghệ thuật và quan trọng hơn, chính nó cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm này có vị trí then chốt không chỉ trong chiến lược nghiên cứu nghệ thuật của A.A.V.H giai đoạn 1914 - 1944 mà đến nay, vẫn còn nguyên giá trị khoa học và thực tiễn sâu sắc khi nhìn lại 100 năm nhân sự kiện ra đời ấn bản đầu tiên (1919 - 2019).

Qua L’Art à Hué, càng thổn thức nỗi niềm thiêng liêng trước di sản của tiền nhân, những khó khăn phải gánh chịu, những khoảng trống còn lại cho hậu bối kế thừa và làm tiếp để lấp dần những khoảng trống đáng tiếc đó. Nhiệt huyết của những học giả nghiệp dư đến từ chân trời Âu Tây xa lạ hơn trăm năm trước đã kịp thời hòa điệu với những nỗi niềm bản xứ để cùng nhau khám phá, sẻ chia, khẳng định đầy thiện chí những giá trị di sản văn hóa truyền thống Việt. Nhờ đó, nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX dần được hiện ra rõ nét với nhiều dấu ấn đặc trưng vùng Kinh sư, nổi bật với kiến trúc đô thị và nhà cửa, đặc biệt là những giá trị, ý nghĩa biểu tượng, khát vọng phồn thực, thái hòa qua hệ biểu thức trang trí hình học, cát tường tự, cổ đồ, họa tiết cỏ cây muông thú hay phong cảnh... với sự biến hóa đa dạng, nhiệm mầu để mây nước, cỏ cây hoa lá cũng lại là rồng, là phượng, là phúc lộc khang ninh, phù hợp tối ưu cho từng bối cảnh, không gian thể hiện, đem lại cho con người cuộc sống an bình, tĩnh tại.

Cho dù khiêm tốn coi đây như một dạng “thầy bói xem voi” hay “thêm một bản dịch là thêm một ngón tay chỉ trăng”, nhưng thái độ, thiện chí và cách tiếp cận của dịch giả, những mong sẽ làm cho độc giả càng thêm yêu quí, tự hào và thiêng liêng hơn trước di sản nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế của tiền nhân trong cuộc sống hôm nay. Từ đó, độc giả sẽ thêm phần hứng khởi, tò mò để cùng dịch giả khám phá đời sống nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX khi lật giở từng câu chữ, những hình ảnh qua những trang sách L’Art à Hué mà các tác giả đã dày công thể hiện, mà chắc chắn, nó không phải là “ánh trăng lừa dối”.

Bài, ảnh: TRẦN ĐÌNH HẰNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Return to top