ClockThứ Sáu, 01/02/2013 11:29

Làm ăn mùa vụ Tết

TTH - Trong tâm thức hay cách nếp nghĩ, cách làm của người Việt mình, Tết đến Xuân về được xem là một mùa vụ làm ăn. Nó có điểm tương tự như vụ lúa mùa, lúa chiêm hay vụ mía, vụ rau của nhà nông ta. Lại cũng có nét khác rất cơ bản, bởi đó không chỉ là riêng của nghề nào, của giới nào, mà là của chung xã hội.

Doanh nghiệp làm ăn quanh năm suốt tháng, đặc biệt là các cơ sở, xí nghiệp, nhà hàng kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến sản xuất hàng tiêu dùng đều có sự ưu tiên, dành riêng cho mùa vụ Tết những mặt hàng riêng hay một kế hoạch đặc biệt. Cũng có những doanh nghiệp, ngành nghề, cơ sở sản xuất chỉ xuất hiện đúng vào dịp Tết. Hết mùa rồi việc, tính sổ, nghỉ ngơi lại chờ đến năm sau, chuẩn bị cho một vụ mùa làm ăn mới. 

Nghề làm mứt Tết chẳng hạn, là một ví dụ cụ thể về loại nghề có liên quan đến mùa vụ Tết. Thật khó hình dung về không khí ngày Tết lại thiếu vắng đĩa mứt. Xưa nay, nhất là ở Huế, nó đã là phần không thể thiếu của cái gọi là hương vị ngày Xuân. Mứt được các gia đình chuẩn bị theo kiểu tự cung, tự cấp. Nhu cầu tiêu dùng xã hội ngày càng lớn, vậy là hình thành nên những người làm để bán, tiến đến những cơ sở sản xuất nhỏ và cao hơn đã ra đời các doanh nghiệp kinh doanh mứt bánh. Tương tự là nghề trồng hoa, cây kiểng và nhiều ngành nghề khác nữa, đã lấy mùa vụ chính là dịp Tết để kinh doanh và thu lợi.

Hàng hóa kinh doanh mùa vụ vốn có đòi hỏi với nét đặc thù riêng, trong đó có cả những thuận lợi nhưng cũng không có ít những áp lực. Sự xuất hiện của khối lượng lớn hàng hóa cùng chủng loại trên thị trường là bài toán cần tính đến, làm tăng tính cạnh tranh. Nếu không khéo tính toán sẽ dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”, hiệu quả kinh tế thu được không như ý muốn. Thách thức đó càng thấy rõ trong mùa vụ Tết.

Trồng hoa bán Tết được ví như “đánh bạc với trời”. Nó bị chi phối bởi nhiều yếu tố: năng lực của người trồng, thời tiết, sâu bệnh, giá cả, sự cạnh tranh và cả tiết trời dịp áp Tết. Các yếu tố đó càng trở nên nặng nề hơn ở xứ Huế vốn mưa lạnh thất thường. Muốn thu lợi lớn, nhất là các loại hoa mai phải biết cách trồng thế nào để hoa nở đúng vào dịp Tết đến Xuân về. Mọi thứ phải tính toán chi li, sai sót chỉ được tính theo chênh lệch một hai ngày. Mưa rét kéo dài, cây không phát triển được, hoa không chịu nở, vậy là Tết đến chỉ có mà “chờ hơ”, theo cách nói của mấy mệ Huế. Hay đã là hai chín, ba mươi Tết rồi mà mưa vẫn cứ ầm ầm, lại rét căm căm, ngồi ở nhà đã lạnh thấu xương, mấy ai dám ra đường, hoa Tết ế rề, chỉ có cách bán thống, bán tháo hay đem mà đi vứt. Đó là “trời cho chộ mà không cho ăn”

Những áp lực trong làm ăn, kinh doanh mùa vụ Tết là rất lớn. Vậy nên, nó cũng hình thành nên ở những người kinh doanh hàng Tết những kỹ năng đặc biệt trong làm ăn, buôn bán. Rõ ràng, muốn thu được lãi lớn phải biết khắc chế những rủi ro, có sự tính toán cặn kẽ, chi li nhưng cũng rất khoa học và cần lắm sự năng động, sáng tạo; đồng thời cũng phải biết cách mạo hiểm, chấp nhận rủi ro. Làm ăn mùa vụ Tết là kiểu làm mấy tháng mà ăn cả năm, nên có cả một quãng thời gian dài chuẩn bị, rút kinh nghiệm, rồi nghiền ngẫm để tung “chiêu”. Đó là cơ hội và điều kiện mà một nhà sản xuất kinh doanh giỏi phải hiểu và biết cách tận dụng, nếu không muốn bị thua thiệt và lỗ vốn.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top