ClockThứ Hai, 07/09/2020 16:00

Lạc quan trước khó khăn

TTH - Dù rất bận với công tác tham gia phòng chống dịch COVID-19 tại địa phương, song 5 thành viên tổ hợp tác “Nuôi cá lồng thanh niên xã Phú Thượng”, huyện Phú Vang do anh Nguyễn Lương Thọ, Bí thư Xã đoàn làm tổ trưởng, vẫn tranh thủ thay nhau mỗi người 10 ngày chăm sóc cá.

Nới lỏng giãn cách xã hội tác động lớn đến công tác phòng chống dịch“Cầu nối” phòng chống dịch bệnhVừa phòng dịch, vừa thi công

Anh Nguyễn Hiệp làm mái nhà cho người dân

Anh Nguyễn Lương Thọ cho biết, năm ngoái, 4 lồng cá hồng, cá trắm, cá trê của tổ hợp tác cho thu hoạch 2 lứa, mỗi lứa hơn 1 tấn, bán được giá nên thu về được gần 200 triệu đồng. Các thành viên thống nhất dùng toàn bộ số tiền thu được để đầu tư hoàn thiện hơn mô hình, hy vọng thu nhập cao hơn trong năm nay.

Thế nhưng, dịch COVID-19 xuất hiện, mối tiêu thụ lớn là những nhà hàng, khách sạn đều ngừng thu mua, cá đến kỳ thu hoạch đành phải bán hạ gần 10 giá so với năm ngoái, nhưng số lượng cá đến kỳ thu hoạch vẫn chưa bán hết. Xót tiền của và công sức bỏ ra, song các thành viên tự động viên nhau đó là khó khăn chung, họ chung tay tìm đầu ra cho cá tại các chợ truyền thống, bán lẻ qua các mối quen biết và bán hàng online…Đồng thời, tiếp tục đầu tư thả thêm con giống để duy trì sản phẩm đầu ra trong thời gian tới. “Chúng tôi rất mong được giải ngân vốn vay khởi nghiệp mà chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ trước đó để giải quyết những khó khăn trước mắt”, anh Thọ chia sẻ.

Tinh thần lạc quan, vượt khó do dịch của các thành viên tổ hợp tác “Thanh niên nuôi cá lồng xã Phú Thượng” cũng là tinh thần chung của nhiều ông chủ trẻ trên địa bàn tỉnh mà chúng tôi gặp. Anh Nguyễn Hiệp, chủ xưởng cơ khí Hiệp Thành Phát ở tổ dân phố Vĩnh Nguyên, thị trấn Phong Điền cho biết, không dám chắc thời gian tới sẽ như thế nào, nhưng cho đến nay anh vẫn duy trì việc làm thường xuyên cho 5 nhân công với mức thu nhập trung bình từ 300 đến 350 nghìn đồng/ngày.

Xưởng anh Hiệp chuyên lắp ráp, sản xuất các loại cửa sắt, cầu thang, lan can… ở các công trình dân dụng. Dịch diễn biến phức tạp, nhiều đơn hàng đã nhận nhưng khách hàng hoãn lại. Ngoài ra, một số công trình ngoại tỉnh anh nhận trước đó cũng do dịch nên chưa thể thi công.“Khi dịch bùng phát, điều tôi lo lắng, trăn trở nhất là làm sao duy trì được việc làm cho những người thợ đã gắn bó, đồng cam cộng khổ với tôi từ nhiều năm nay”, Hiệp chia sẻ.

Vì vậy, anh luôn động viên, nhắc nhở anh em trong xưởng tuân thủ thực hiện tốt mọi biện pháp phòng chống dịch theo quy định, đồng thời phải thi công đảm bảo chất lượng, uy tín để duy trì việc làm trước mắt, hết dịch sẽ tăng tốc để tăng thu nhập.

 Còn với Nguyễn Văn Trung ở xã Phú Diên (Phú Vang) - ông chủ trẻ của mô hình “Sản xuất sữa từ các loại hạt”, do không tăng doanh thu được như kế hoạch năm đề ra, anh chuyển hướng duy trì kết quả sản xuất.

Trung kể, 3 năm qua, mô hình “Sản xuất sữa từ các loại hạt” từng bước đi vào ổn định. Năm 2020, anh dự định đầu tư xe đông lạnh, mở rộng thị trường ra một số tỉnh lân cận mà anh đã khai thác được trước đó. Dịch COVID-19 xuất hiện, buộc Trung phải chuyển mục tiêu tăng doanh thu sang cố gắng duy trì. Ngoài thị trường tiêu thụ cố định tại căng tin của các doanh trại quân đội, hầu hết thị trường tại các chợ, các đại lý đều giảm. Để bù lại, Trung chuyển mạnh qua kênh bán hàng online. Đắp đổi qua về, Trung vẫn duy trì được lợi nhuận như năm trước. Hiện Trung dành thời gian tìm hiểu các kiến thức, nghiên cứu sản xuất thêm các loại sữa từ nhiều loại hạt khác nhau; đồng thời, cải tiến mẫu mã cho sản phẩm để tạo tính cạnh tranh sau khi dịch được kiềm chế.

Ngoài ra, nhiều mô hình khác như: mô hình “Du lịch sinh thái cộng đồng" của thanh niên Dương Thị Thúy Hằng (TP. Huế), “Cửa hàng dịch vụ công nghệ thông tin” của anh Lê Minh Tám (huyện Phú Lộc)… đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, thay vì lo lắng, bỏ cuộc, họ luôn lạc quan, tự tìm giải pháp duy trì mô hình của mình.

Chị Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần lạc quan, nỗ lực vượt khó của các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thiện 15 hồ sơ để sắp tới giải ngân vốn vay “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” của Tỉnh đoàn. Đồng thời, hướng dẫn, giới thiệu để những thanh niên có mô hình kinh tế khả thi tiếp cận nguồn vốn vay 120 của Trung ương Đoàn nhằm duy trì phát triển kinh tế, tạo việc làm cho thanh niên trong bối cảnh khó khăn chung do dịch COVID-19”.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín hiệu lạc quan với bóng đá trẻ Huế

Bóng đá trẻ Huế đang có những bước tiến bộ đáng ghi nhận. Đó là nền tảng để chờ đợi sự bứt phá trong tương lai của bóng đá tỉnh nhà. Vòng chung kết U19 Quốc gia 2024 đã khép lại, nhưng dư âm của giải đấu này vẫn đọng lại với bóng đá Huế.

Tín hiệu lạc quan với bóng đá trẻ Huế
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Trang bị kỹ năng và nâng cao ý thức phòng, chống đuối nước

Thời tiết bắt đầu bước vào những ngày nắng nóng. Đây là thời điểm mà các điểm bơi lội mở cửa trở lại, nhu cầu tắm sông, suối của người dân, nhất là các em nhỏ tăng cao. Vì vậy, cẩn trọng đuối nước luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Trang bị kỹ năng và nâng cao ý thức phòng, chống đuối nước
Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Return to top