ClockThứ Tư, 20/02/2019 14:11

Lách luật, không đóng bảo hiểm xã hội cho lao động thời vụ

TTH - Lao động có ký kết hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, sau một năm triển khai, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn tìm cách lách luật.

Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: Tự an sinh cho chính mìnhSẽ xử lý hình sự nếu trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp

Lao động thời vụ vẫn phải tham gia bảo hiểm xã hội (ảnh minh họa)

Cùng lách luật

Năm 2018, nhiều người không khỏi xót xa khi ông  P.V.Đ (TP. Huế), làm việc ở Công ty THNH G. bị tai nạn trong khi xây dựng dẫn đến tử vong. Ông là lao động thời vụ, doanh nghiệp nào thuê thì ông làm nên khi xảy ra sự cố, gia đình ông không được bảo vệ về quyền lợi khi không có hợp đồng lao động. Gia đình gặp khó khăn khi ông là lao động chính trong gia đình. Doanh nghiệp điêu đứng khi phải có trách nhiệm thỏa đáng với gia đình nạn nhân. Bài học nhãn tiền khiến người trong cuộc giật mình, nhưng, không ít trường hợp vì lợi ích trước mắt nên không quan tâm đến hợp đồng lao động, đồng nghĩa, quyền lợi của họ bị ảnh hưởng.

Không ít doanh nghiệp nhỏ cho rằng, quy định này khiến họ gặp khó khăn do phải đóng một khoản tiền không nhỏ về các loại hình bảo hiểm bắt buộc, sẽ tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận. Thế nên, họ lại chuyển sang sử dụng hình thức "hợp đồng miệng", hoặc cho người lao động nhận sản phẩm về nhà làm gia công (khoán sản phẩm), thay vì trực tiếp đến công ty làm việc để bỏ qua khoản tiền đóng BHXH.

Thực tế, ngoài hình thức giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản, đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng, các bên có thể giao kết bằng lời nói (hợp đồng miệng), nhưng hợp đồng miệng chỉ được thỏa thuận một lần và sau đó, phải được xác lập bằng văn bản. Tuy nhiên, nếu người lao động và đơn vị sử dụng lao động đều “hợp tác” thì cơ quan chức năng khó có cơ sở để làm rõ, đó là hợp đồng miệng lần đầu hay đã nhiều lần.

Khá nhiều lao động trẻ ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tâm lý “ăn xổi”, muốn nhận nguyên lương, không tham gia các loại hình BHXH bắt buộc. Họ cho rằng, lương tiền đã thấp, lại phải đóng BHXH sẽ không đủ trang trải. Tâm lý “đứng núi này, trông núi nọ” luôn thường trực ở lao động thời vụ. Chủ doanh nghiệp cung cấp thực phẩm tươi sống Phước Thịnh (TP. Huế), trải lòng, công ty anh gặp không ít khó khăn khi tuyển dụng nguồn nhân lực. Bởi, nếu muốn tuyển được người lao động thì phải làm trái quy định, còn nếu làm đúng quy định sẽ không tuyển được lao động. Tất nhiên, có hợp đồng ràng buộc, sẽ hạn chế tình trạng “nhảy việc”.

Thông tin từ BHXH tỉnh, qua kiểm tra, số lao động mà doanh nghiệp kê khai chênh lệch khá nhiều so với lao động thực tế. BHXH chỉ có thể kiểm soát được đối với những doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo tình hình sử dụng lao động và lập sổ theo dõi biến động lao động theo quy định. Còn hầu hết các cơ sở kinh doanh của hộ cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có tổ chức công đoàn, thì cơ quan BHXH không thể kiểm soát được.

Ông Nguyễn Viết Dũng, Phó Giám đốc điều hành BHXH tỉnh cho biết, có nhiều doanh nghiệp lách luật không ký hợp đồng lao động bằng cách chuyển đổi hình thức từ hợp đồng lao động sang hình thức hợp đồng kinh tế, thuê khoán, trả thù lao vài triệu đồng/vụ việc. Qua kiểm tra, đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh không chấp hành và có hành vi lách luật bằng hình thức hợp đồng khoán theo khối lượng công việc, chấm công người lao động dưới 14 ngày trong tháng.

Hệ lụy

Đã từng xuất hiện hàng chục lao động thời vụ, chủ yếu trong ngành xây dựng điêu đứng vì bị nhà thầu nợ lương, không trả lương. Lao động thời vụ trắng tay mỗi khi xảy ra tai nạn lao động. Họ cuống cuồng gõ cửa các cơ quan chức năng yêu cầu bảo vệ quyền lợi, song, do không có hợp đồng, cũng không phải đoàn viên công đoàn nên các ngành chức năng khó can thiệp. Thế nên, tham gia BHXH vừa là quyền và nghĩa vụ của người lao động. Họ được hưởng lợi khi gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe, thất nghiệp. BHXH cũng là sợi dây gắn kết giữa doanh nghiệp với người lao động.

BHXH tỉnh cần tăng cường các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành kiểm tra việc thực hiện đóng BHXH, BHYT ở các doanh nghiệp; kiểm tra, đối chiếu, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp trích nộp đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật BHXH. Cũng cần nhiều buổi đối thoại giữa cơ quan BHXH với các đơn vị sử dụng lao động về những vướng mắc trong quá trình triển khai.

"Trong trường hợp nếu phát hiện doanh nghiệp liên tục vi phạm, ký kết hợp đồng lao động nhưng không lập danh sách người lao động tham gia BHXH bắt buộc, ngoài việc sẽ bị cơ quan chức năng lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính, khi ký kết hợp đồng lao động sẽ bị cơ quan BHXH truy đóng và bị tính lãi suất chậm đóng theo quy định hiện hành", ông Trương Công Khả, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ BHXH tỉnh, cho hay.

Hơn lúc nào hết, người lao động phải tự bảo vệ bản thân bằng cách lên tiếng để chủ sử dụng lao động tham gia đầy đủ về BHXH. Có như vậy, mới bảo đảm tính công bằng, nghiêm minh và tính ưu việt của chính sách an sinh xã hội.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư về “đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”, sáng 16/4 Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm cầu trong nước nhằm đánh giá những kết đạt được cũng như những tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước
Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần

2 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh có gần 2.000 người làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần; riêng tháng 2/2024 có gần 900 người, tăng 10,7% so với tháng trước. Đây là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) mà còn ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần

TIN MỚI

Return to top