ClockThứ Năm, 08/12/2011 05:14

Lại chuyện họp hành

TTH - Không ai có thể phủ nhận sự cần thiết của họp hành. Nhưng họp hành nhiều quá với những cuộc họp xuân thu nhị kỳ, họp hành hiếu hỉ, họp cho có họp... từ lâu đã trở thành nổi bức xúc. Càng phê phán họp hành càng nhiều thêm, kéo theo bao hệ lụy.

Nhìn bảng phân công công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị, có lẽ dành nhiều thời gian nhất là họp, thậm chí có những cuộc họp mang tính hiếu hỉ, nhưng không đi không được. Không thiếu những cuộc họp đầu giờ đông đảo “bá quan văn võ”, cuối giờ còn lại lèo tèo, nhìn mà phát ngán. Do vậy không có gì phải ngạc nhiên, có những cuộc họp nhà báo đến dự nắm được báo cáo là về. Đối với dân thì sao? Họp hành cũng không kém; từ xây dựng gia đình văn hóa, tổ văn hóa, làm cam kết, bình xét hộ nghèo... nhất nhất đều họp; trong lúc đó một cuộc họp huy động cho được 50% hộ dân ở tổ dân phố đến dự là điều thực sự không dễ dàng, nên họp hành thường chỉ là hình thức.

 
Chúng ta đều biết, xưa trong 2 cuộc kháng chiến, họp hành nhiều là việc đương nhiên và hết sức cần thiết. Đường lối cách mạng, các chủ trương biện pháp đấu tranh phải được bàn bạc kĩ ở những người có trách nhiệm. Với người dân phải được quán triệt để hiểu rõ, để vận dụng đúng và hành động với tinh thần hoàn toàn tự giác, mọi sơ suất đều được trả giá. Mặt khác, do tính chất gay go, quyết liệt của cuộc kháng chiến, phải bảo đảm bí mật nên phần lớn các cuộc họp chỉ được phổ biến bằng miệng “Cách mạng miền Nam, ai làm nấy biết”, các cuộc họp phân tầng theo đối tượng, sau đó mở rộng ra. Trước kia, thông tin liên lạc, điều kiện in ấn, tài liệu phổ biến đều rất hạn chế nên họp hành nhiều là điều đương nhiên, là đúng và cần thiết.
 
Nhưng cái đúng của ngày hôm qua áp dụng cho ngày hôm nay, nhất là trong họp hành chưa chắc đã phù hợp. Rõ ràng loạn họp là điều ai cũng thấy. Có nhiều cách để giảm họp hành nếu chúng ta đặt vấn đề về nó một cách nghiêm túc và thái độ quyết liệt. Trước hết, những vấn đề mang tính thông báo, phổ biến thì không cần phải tổ chức họp, nhưng đây là lĩnh vực họp nhiều nhất. Chúng ta đều biết, trong điều kiện thông tin liên lạc ngày nay, phương tiện truyền dẫn các văn bản nhanh chóng, thuận lợi. Việc xây dựng văn bản có các chuyên gia làm việc khoa học, tính chuyên môn cao, dễ hiểu, do vậy việc tiếp nhận thông tin ở cơ sở dễ dàng. Vấn đề đặt ra là xây dựng chính quy hóa, hiện đại hóa các cơ quan nhà nước, quy chế hóa mối quan hệ giữa cơ quan và người dân, rạch ròi giữa chế độ trách nhiệm cá nhân và tập thể.
 
Đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa, tôn trọng nguyên tắc công khai, bình đẳng, bãi bỏ kiểu bất bình đẳng thông tin, hạn chế dần phổ biến thông tin nội bộ. Đẩy mạnh hoạt động các cơ quan truyền thông đại chúng và xem đây như là giải pháp hữu hiệu để giảm họp. Qúa trình dân chủ hóa là quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền với nguyên tắc: các cơ quan và nhân dân có nghĩa vụ thi hành đúng luật pháp, mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật và không ai được quyền nói tôi không hiểu luật pháp. Điều này đặt ra, các cơ quan cũng như người dân khi có nhu cầu, họ phải tự tìm hiểu, không ai có thể tự hào mình biết hết luật pháp, như những gì liên quan đến mình thì mình phải biết, bắt buộc phải biết.
 
Phê phán mạnh mẽ những cuộc họp không cần thiết, những cuộc họp mang tính hình thức, hiếu hỉ, bồi dưỡng, những cuộc họp làm lá chắn cho những sai trái mượn danh tập thể với sự nhất trí giả tạo, những cuộc họp cho có để bớt gánh nặng trách nhiệm cá nhân phụ trách... Do vậy, giảm họp không chỉ là giải pháp hạn chế lãng phí thời gian, công sức, kinh phí... mà còn nâng cao trình độ lãnh đạo, năng lực điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, thể hiện tính chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại của các cơ quan cũng như cá nhân, tập thể.
 

Hải Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top