ClockThứ Bảy, 08/09/2018 11:57

Lại nhớ “Tôi đi học”

TTH - Hằn sâu trong tâm trí bao thế hệ học trò gần cả thế kỷ nay là lời mở đầu áng văn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”.

Buổi học đầu tiên

Thuở còn là một học trò tiểu học, tôi đã thuộc lòng đoạn văn kia và dù chưa biết Thanh Tịnh ở đâu, tôi cũng đã ngờ ngờ về cái làng Mỹ Lý, xuất hiện không chỉ trong “Tôi đi học” mà còn trong rất nhiều truyện ngắn ở tập “Quê mẹ” của ông. Làng Mỹ Lý thân quen và gần gũi lạ, sao giống hình ảnh làng ngoại Thanh Thủy và làng nội Dạ Lê của tôi. Ở đó, cũng như bao làng quê Huế, có dòng sông nhỏ (con hói) chảy qua, có cánh đồng thay đổi sắc màu trong năm và đặc biệt rộn vui khi mùa gặt về, lại có những bến sông, con hói nhỏ quanh co, con khe thăm thẳm và những con đường làng rợp bóng tre xanh.

“Tôi đi học” càng trở nên gần gũi và thấm đậm hơn khi sau này tôi được biết, tác giả của nó là một người Huế. Nhà văn Thanh Tịnh tên thật là Trần Văn Ninh sinh năm 1911 tại xóm Gia Lạc, nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang. Bố là cụ Trần Văn Giáp làm thợ ở hãng Bồ - Ghè và mẹ là Nguyễn Thị Nghe, một tiểu thương ở Phú Vang, có quê gốc tại Gio Linh (Quảng Trị), đời ông nội tổ vào ở làng Dương Nổ Tây Thượng. Thuở nhỏ Thanh Tịnh học chữ Hán tại chùa Bà La Mật, rồi vào Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba. Vậy là, khác với nhân vật “tôi” trong “Tôi đi học”, Thanh Tịnh không học tiểu học ở trường làng. Mỹ Lý và ngôi trường làng Mỹ Lý chỉ là tưởng tượng nhưng đó một sản phẩm tưởng tượng để đời. 

Trong thiết chế của văn hóa làng xã xưa ở Huế, có cánh đồng làng, con đường làng, ruộng làng, rồi chợ làng, đình làng, chùa làng, cái giếng làng… và rất thân thương là ngôi trường làng. Không đủ đầy như học trò ở phố, một thời nơi trường làng, học trò vừa học lại vừa chơi, vừa học và cũng là vừa làm. Kỷ niệm do thế đong đầy thú vui và những học trò từ lũy tre làng bước ra và lớn lên cũng có được thói quen chịu đựng và tự lập. Mùa khai trường đang đến, tôi đã nghĩ đến ngôi trường tiểu học xưa của mình ở làng Thanh Thủy Thượng và ngôi trường ở cái làng Mỹ Ý đã đi vào ký ức của hàng triệu con người kia. Thật kỳ lạ, đã chuẩn bị nghỉ hưu như tôi, bạn bè một thuở gặp nhau vẫn tay bắt mặt mừng, tự hào bảo rằng, ta là học sinh trường làng.

Buổi sáng cận kề ngày tựu trường năm nay, nhớ lại “Tôi đi học” tôi đã tìm về con đường Thanh Tịnh ở Huế. Nằm trên địa bàn phường Vỹ Dạ, con đường có từ đầu thế kỷ 20, cùng với việc Thượng thư Tôn Thất Hân cho xây dựng chiếc cầu mà dân gian quen gọi là cầu Ông Thượng. Đây cũng là điểm cuối của con đường dài chừng 200m có điểm khởi đầu từ đường Tuy Lý Vương. Phố thị đã ngập tràn nhưng vẫn thấy đây đó thấp thoáng là hình ảnh làng quê xưa ở ven đô Huế. Còn nhớ mấy hôm rầy trời Huế sang thu, các làng quê tưng bừng lễ hội tế thu. Không còn đơn thuần là chuyện cúng kỵ và lễ nghi, tế thu tại các làng Huế nay rộn ràng sắc trắng học trò. Lễ phát thưởng và vinh danh học trò hiếu học và thành đạt đã là một phần không thể thiếu trong lễ hội làng lớn nhất năm này tại Huế.

Và, tôi đã nghĩ đến cái chất văn hóa làng đã trở nên thấm đẫm trong tâm hồn bao thế học trò, còn lại đến hôm nay ở Huế mà với “Tôi đi học”, Thanh Tịnh đã có sự chuyển tải tuyệt vời.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top