ClockThứ Năm, 04/09/2014 02:19

Lãi suất “lùn”

TTH - Gần đây, thị trường tài chính xuất hiện thuật ngữ lãi suất “lùn”. “Lùn” là một từ đắc địa để phản ánh cho một sắc thái hoạt động của các ngân hàng trong lãi suất cho vay, khác với thời kỳ “siêu lãi suất” trước đó. Và không ít ngân hàng trên địa bàn công bố những gói cho vay với lãi suất “lùn”, thậm chí thấp hơn trần lãi suất huy động.

Vietcombank từng đưa ra thị trường gói cho vay doanh nghiệp xuất khẩu, với lãi suất 5-5,8%/năm, áp dụng trong thời gian từ 1 - 3 tháng đầu của khoản vay. BIDV thực hiện nhiều gói vốn giá rẻ, trong đó có gói 2.000 tỷ đồng cho vay khách hàng mua nhà, kể cả nhà ở phân khúc cao cấp, với lãi suất 5%/năm. Một số ngân hàng trên địa bàn còn có các chương trình cho vay vốn ưu đãi khác phục vụ mục đích tiêu dùng của khách hàng, với lãi suất khoảng 7-9%/năm.

Điểm chung của các gói tín dụng ưu đãi là mức lãi suất thấp (hay nói cách khác-lãi suất “lùn”, cố định trong thời gian đầu (3 - 6 tháng, tối đa chỉ 1 năm). Trong khi đó, thời gian vay thường kéo dài trên 10 năm, thậm chí, có những gói vay “mua nhà mơ ước và gia đình thịnh vượng” có giá trị khoản vay lên đến 70% giá trị tài sản bảo đảm, thời gian hoàn trả lên đến 15 năm. Với những khoản vay dạng này, lãi suất cố định chỉ được kéo dài tối đa 12 tháng, thời gian còn lại sẽ được thả nổi theo lãi suất thị trường.

Lãnh đạo một ngân hàng trên địa bàn “bật mí”: Một số ngân hàng chấp nhận cho vay thấp hơn lãi suất huy động, chấp nhận lỗ trong chừng mực nào đó, nhưng bù lại sẽ “câu” được khách hàng sử dụng dịch vụ khác, nhằm lấy nguồn thu từ các dịch vụ này bù đắp cho khoản thua thiệt về tín dụng. Mặt khác, đồng vốn huy động của ngân hàng có nhiều kỳ hạn, những kỳ hạn ngắn lãi suất thấp, chưa kể các khoản tiền gửi không kỳ hạn có lãi suất rất thấp... Bởi vậy, giá vốn bình quân của một số ngân hàng có thể cho phép họ cho vay với lãi suất “lùn”, thấp hơn cả trần huy động.

Nhìn nhận nguyên nhân sâu xa, một số chuyên gia ngân hàng cho rằng, hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào, thậm chí nhiều ngân hàng lớn còn có biểu hiện dư thanh khoản, tiền bắt đầu chảy mạnh vào ngân hàng, trong khi đầu ra tín dụng vẫn gặp khó. Các ngân hàng hợp tác cùng chủ đầu tư thực hiện các khoản vay ưu đãi cho khách mua nhà là việc làm cần thiết để vực dậy thị trường bất động sản vào thời điểm này. Tuy nhiên, ngân hàng cũng phải kinh doanh, nên mức lãi suất cho vay ưu đãi không thể “lùn” đến mức thấp hơn lãi suất huy động.

Bởi vậy, những người có thu nhập không cao cần cân nhắc kỹ lưỡng khi vay ưu đãi mua nhà, vì thời hạn các khoản vay kéo dài từ 10 đến 15 năm, nhưng chỉ được hưởng lãi suất cố định và ưu đãi trong thời gian ngắn ban đầu. Những năm còn lại, lãi suất sẽ được thả nổi, do chủ nợ (ngân hàng) quyết định và khả năng đàm phán lãi suất là gần như không có với người vay. Thế nên mới có chuyện, từ đầu năm, nhiều người được ưu đãi vay lãi suất chỉ 7,5-9%/năm, đến nay lần lượt bước sang kỳ có lãi suất từ 12-13%/năm.

Dẫu sao, lãi suất “lùn” đều có giá trị nhất định đối với lợi ích người vay vốn trong từng thời điểm. Đã nhiều năm qua họ mới được hưởng những mức thấp như vậy.

Bạch Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top