ClockThứ Năm, 01/12/2011 10:02

Lại vướng vì... thủ tục!?

TTH - Nông sản, hàng hoá được sản xuất trên địa bàn Thừa Thiên Huế vào Siêu thị Big C Huế giảm mạnh do vướng mắc về thủ tục, các cuộc hội thảo với các nhà cung cấp hàng hóa tại Huế chưa mang lại hiệu quả... Đó là ý kiến của ông Gregory Brun, Giám đốc Siêu thị BigC Huế trong cuộc làm việc với Đoàn kiểm tra Trung ương về cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ông Gregory Brun, Giám đốc Siêu thị Big C Huế, cho hay: Big C rất muốn 100% các mặt hàng trong siêu thị là hàng Việt Nam. Điều đó có lợi cho cả hai phía, nhất là hàng tại địa phương. Hiện, hàng Việt Nam tại siêu thị đã được người tiêu dùng mua đến 95%. Cái khó của siêu thị hiện nay là các mặt hàng tươi sống phải vận chuyển từ các nguồn cung cấp ở các tỉnh phía Nam và điều đáng tiếc là số lượng các nhà cung cấp ở Huế cho siêu thị quá ít. Tổng số hàng hóa tại siêu thị trên 17.000 mặt hàng, trong khi đó các nhà cung cấp ở Huế khoảng 13 với số mặt hàng không quá 100. Một số mặt hàng của Huế phải nhập từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… Dù đã có hai cuộc hội thảo giữa siêu thị Big C và các nhà cung cấp tại Huế, song đến nay chưa mang lại kết quả. Doanh số các nhà cung cấp Huế cho siêu thị năm 2010 khoảng 20 tỷ đồng, nhưng năm 2011, con số này giảm xuống dưới 10 tỷ đồng. Mắc mớ ở đây chính là do khâu thủ tục hành chính, về các quy định hàng hóa nhập vào Big C khiến các nhà cung cấp hàng hóa ở Huế lo ngại.

Qua trao đổi, ông Lê Phước Hoà, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, nội dung trên được phản ánh trong cuộc làm việc giữa lãnh đạo Big C Huế với Đoàn kiểm tra Trung ương về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và không có sự tham dự của Sở Công thương. Do vậy, Sở không rõ vướng mắc đó là gì. Mặt khác, Sở cũng không được thông tin cụ thể về những vướng mắc giữa các bên. Theo ông Lê Phước Hoà, thông qua việc tổ chức các hội thảo, Sở Công Thương đã thể hiện rất rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc làm cầu nối giữa Siêu thị Big C Huế và các đơn vị sản xuất trên địa bàn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Những vướng mắc phát sinh trong quan hệ kinh doanh các bên cần sớm tìm cách tháo gỡ vì mục tiêu chung. Về phía đơn vị sản xuất, anh Trần Đình Hoàng ở cơ sở mè xửng Thiên Hương thừa nhận, mấy năm qua mè xửng Thiên Hương được bán ở nhiều siêu thị, nhưng đưa hàng vào siêu thị Big C Huế là khó nhất. Có thể do nhiều vướng mắc nên một số cơ sở sản xuất đành bỏ cuộc hoặc đưa sản phẩm vào Big C Huế không nhiều. 
Thực ra, trong 3 DN đang kinh doanh siêu thị ở Huế duy chỉ có Big C Huế là đơn vị đã phối hợp với Sở Công Thương để hội thảo với các cơ sở sản xuất trên địa bàn nhằm mở đường cho sản phẩm địa phương vào siêu thị. Vậy thì tại sao càng hội thảo... càng vướng?!. Phải chăng đây chỉ là một hình thức Marketting của DN?! Tìm câu trả lời cho các vướng mắc khó hiểu nói trên, tôi đã liên lạc với những người có trách nhiệm ở Big C Huế. Được biết, ông Gregory Brun đã không còn làm giám đốc ở đây. Gọi điện cho nữ giám đốc mới của Big C Huế nói rõ nội dung cần tìm hiểu và đề nghị được gặp trong thời gian tối thiểu, nhưng câu trả lời mà tôi nhận được là phải đăng ký qua thư ký để xếp lịch... và... phải chờ. Gọi điện cho tôi, cô thư ký giám đốc cũng bảo rằng, “anh thông cảm phải chờ thu thập thông tin, số liệu và... chờ xếp lịch”. Vậy là tôi cũng đang “vướng” vì... thủ tục của Big C Huế. Cũng cần hiểu thêm rằng, thủ tục là cần thiết, nhưng trong kinh doanh, thủ tục quá cứng nhắc có khi lại đánh mất cơ hội!
 

Hoàng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top