ClockThứ Năm, 03/04/2014 11:22

Làm ăn theo mùa

TTH - Vào độ này khi đã vào cuối tháng ba đầu tháng tư, tiết trời ấm dần lên thì cũng là lúc Huế chuẩn bị bước vào mùa du lịch biển, kéo dài khoảng chừng 5- 6 tháng. Khắp các bãi biển của Huế, lớn và nổi tiếng như Thuận An, Lăng Cô, hay ở tầm nhỏ hơn như Vinh Thanh, Vinh Hiền đều đã có những chương trình, kế hoạch cho cái gọi là “mùa du lịch biển” mới. Thời gian gần đây, mùa du lịch biển đã được khởi động bằng các lễ hội nhiều sắc màu, như “Lăng Cô huyền thoại biển” hay “Thuận An biển gọi”.

Du lịch biển theo mùa, thật ra không phải là của riêng Huế mà là nét đặc trưng của cả miền Trung, nơi có mùa mưa kéo dài và bão lũ đi kèm. Khác nhau là ở mức độ bị tác động và xem ra Huế là một trong những nơi bị chi phối nhiều nhất. Thực tế là, mỗi năm chỉ làm ăn một mùa, còn lại đóng cửa và ngồi chờ, nên không quá nhiều lời cũng hiểu được cái khó của kinh doanh du lịch biển ở Huế. Chưa kể mưa gió kéo dài mà đặc biệt là bão dữ đã phá hoại và làm hư hỏng nhà cửa, tài sản đầu tư. Một mùa du lịch mới lại bắt đầu bằng việc xây dựng và đầu tư hạ tầng cho các hoạt động kinh doanh rất tốn kém.

Hệ lụy của những khó khăn nêu trên là tình trạng mà giới kinh doanh hay nói một cách hình ảnh là hiện tượng “mài dao cho sắc” để “chặt đẹp” và “chém đẹp”, lối làm ăn chụp giật, thiếu những đầu tư mang tính lâu dài và có chiều sâu mà không ít lần báo chí đã lên tiếng. Cái lý được nêu lên của nhiều hộ kinh doanh bên cạnh giá cả đắt đỏ và leo thang là bởi giá đấu bãi cao, chuyện thuế má, là chi phí đầu tư lớn do hư hỏng, hao mòn sau nhiều tháng ngày nằm chờ, không sử dụng. Nghĩa là toàn những khó khăn, từ A đến Z. 

Thật ra, làm ăn theo mùa không phải là chuyện của riêng Huế và cũng chẳng phải là đặc thù của riêng ngành kinh tế du lịch. Hàng mấy trăm năm nay rồi, nhà nông Huế không lạ với khái niệm “nông nhàn”. Mỗi năm hai vụ lúa. Tháng tám, tháng chín thu hoạch xong, nông dân Huế bước vào kỳ nghỉ dài hạn kéo dài cho đến tận tháng mười một, tháng chạp âm lịch mới xuống đồng vào vụ lúa mới. Và rồi, trong những tháng ngày “nông nhàn”, nông dân Huế đã biết “xen canh” bằng các công việc khác theo kiểu “mùa nào việc nấy”, như làm rẫy, làm nghề thủ công, buôn bán dịch vụ...

Từ chuyện làm ruộng của nông dân, nghĩ đến cần thiết phải có sự năng động và đa năng trong kinh doanh du lịch biển, phải biết từ “cái khó ló cái khôn”. Tuyệt đối không vin vào cái khó để trục lợi, tăng giá. Đó là kiểu làm ăn chỉ biết nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không tính đến lợi ích lâu dài. Nó sẽ đánh mất thương hiệu du lịch biển vốn hấp dẫn du khách bởi tiềm năng và những đặc sắc hiếm có của Huế. Cũng phải thấy rằng, không chỉ toàn là khó khăn mà “du lịch biển theo mùa” cũng có những cái hay và sự hấp dẫn. Sau một thời gian im ắng, một mùa du lịch mới bắt đầu cũng đồng nghĩa với những cảm xúc, hứng khởi mới có được từ sự chờ đợi và hy vọng từ cả hai phía là người kinh doanh và khách du khách. Vấn đề đặt ra là phải biết khơi dậy, biết làm mới và đặc biệt, biết tạo ra những dấu ấn đặc biệt theo kiểu năm này khác những năm kia theo hướng hấp dẫn và tốt đẹp hơn.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top