ClockThứ Bảy, 20/06/2015 07:52

Làm báo về Festival Huế

TTH - Tại Festival Huế, những phóng viên chuyên, không chuyên và các em sinh viên tham gia thực hiện bản tin, quay video và cập nhật tin bài lên website của Ban tổ chức (BTC) đã chạy đua với thời gian cho ra những sản phẩm ưng ý nhất, góp phần thành công cho Festival Huế.

Được đánh giá cao

Festival Huế 2014 là kỳ festival đầu tiên mà BTC đã thực hiện được ba phương thức truyền thông đến công chúng như ba thể loại của báo chí hiện nay là báo in, báo điện tử và truyền hình. Dù có quy mô và độ phức tạp không bằng các cơ quan báo chí nhưng đã thể hiện được tính chuyên nghiệp và nhiệt huyết của những thành viên tham gia.
Hòa mình cùng các nhà báo trong Festival Huế 2014. Ảnh: Th. Sang
Anh Lê Công Tài, thành viên tổ tin Festival Huế 2014, cho biết: “Bản tin hoạt động và vận hành như một tờ báo in. Mỗi sáng, tổ tin họp giao ban, phân công tin bài cụ thể cho từng phóng viên nhằm tránh sự chồng chéo. Các phóng viên sau khi tác nghiệp và viết tin bài xong gởi về một thành viên (như thư ký) để tổng hợp. Trừ những tin bài diễn ra muộn sẽ gởi bổ sung, còn lại các tin bài phải gởi về đúng thời gian quy định. Tiếp đến là giai đoạn biên tập tin bài được các nhà báo kỳ cựu, nhà quản lý lâu năm có kinh nghiệm trong công tác báo chí thực hiện. Bản tin được chuyển đến Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền quảng bá kiểm duyệt cuối cùng và được xuất bản vào sáng sớm hôm sau”.
Sinh viên báo chí tác nghiệp tại một triển lãm trong Festival 2014. Ảnh: Th. Sang
Với sự nỗ lực của tất cả các thành viên, bản tin giúp các phóng viên tham dự Festival Huế nắm bắt thông tin kịp thời, được các phóng viên và các cơ quan báo chí đánh giá cao. Anh Tôn Thất Đại Dương, phóng viên báo Dân trí chia sẻ: “Trong thời gian diễn ra Festival Huế 2014, tôi dự định lên huyện Nam Đông tác nghiệp để viết bài cảm nhận của người dân khi có đoàn nghệ thuật biểu diễn. Nếu hôm đó tôi chủ quan không kiểm tra lại lịch chương trình ở bản tin thì sẽ thất bại trong tác nghiệp”.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế - Phó Trưởng ban thường trực BTC Festival Huế 2014, nhận định: “Công tác truyền thông của festival luôn được dư luận và du khách đánh giá cao với phương thức truyền thông đa dạng, khai thác tối đa các kênh thông tin, tận dụng tối đa nhân lực từ nhiều nguồn khác nhau. Đó là sự nỗ lực cao độ của từng thành viên, lực lượng cán bộ điều động và cộng tác viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của Festival Huế 2014”.
Cùng với bản tin, nhóm phóng viên tham gia tác nghiệp và cập nhật tin bài lên webstie huefestival.com (website chính thức của BTC), tạo ra kênh thông tin quan trọng, thể hiện tính năng động và hiệu quả của các thành viên dù đa số đều là các phóng viên không chuyên. Anh Phạm Văn Vũ, Phó Trưởng nhóm website, tâm sự: “Đã tham gia thực hiện được nhiều kỳ trước, nên phần nào chúng tôi chủ động hơn trong công việc, hầu hết các sự kiện đều được cập nhật. Khi các phóng viên tác nghiệp xong sẽ gởi tin bài về trưởng nhóm hoặc phó nhóm để biên tập. Riêng về chất lượng ảnh chúng tôi rất xem trọng, đặc biệt có một thành viên được phân chỉ có nhiệm vụ xử lý hình ảnh, để những bức ảnh được đăng tải có màu sắc và bố cục đẹp nhất”.
Festival Huế 2014, ngoài những chương trình được Đài Truyền hình trực tiếp thì lần đầu tiên các video lễ hội, sự kiện khác được đăng tải trên Youtube. Đây là kênh thông tin mới, truyền tải nội dung đến người xem hiệu quả và đầy đủ, giúp mọi người hiểu hơn về festival. Các video này do các em sinh viên Khoa Báo chí, Trường ĐH Khoa học Huế thực hiện. “Bước đầu, chúng em đi quay các lễ hội được phân công, sau đó xử lý bằng phần mềm dựng phim trên máy tính. Các video được cắt bớt hoặc sắp xếp lại cho phù hợp, có dung lượng vừa phải và đảm bảo về nội dung. Tiếp đến chúng em gởi video đến Ban kiểm duyệt, nếu trục trặc đoạn nào thì chúng em tiếp tục xử lý, chỉ khi chất lượng video tốt nhất thì mới tải lên trang Youtube (http://www.youtube.com/user/huefestivals)”, em Trần Quốc Khải cho hay.
 Sống cùng lễ hội
Đối với những phóng viên qua nhiều năm công tác, việc chạy đua với thời gian để hoàn thành tin bài được giao là chuyện khá đơn giản. Nhưng đối với những người không chuyên, đặc biệt đối với các em sinh viên lần đầu tiên được tác nghiệp một lễ hội lớn, phải hoàn thành công việc nhanh và hiệu quả là một áp lực không hề nhỏ.
Em Nguyễn Thị Ái Phương, sinh viên Khoa Báo chí, Trường ĐH Khoa học Huế chia sẻ: “Cầm tấm thẻ do BTC cung cấp và được tác nghiệp báo chí như những phóng viên của các báo đài là niềm hạnh phúc, vinh dự và cả áp lực rất lớn đối với sinh viên chúng em”. Khi được hỏi kỷ niệm đáng nhớ nhất trong lần tác nghiệp tại festival thì Ái Phương tươi cười: “Đó là đêm đầu tiên em được phân công quay tại Đại Nội. Khi quay xong và về phòng trọ đưa vào máy tính chỉnh sửa là khoảng 11 giờ tối. Do còn thiếu kinh nghiệm và cách nhìn nhận chưa sâu nên lúc làm xong em gởi kiểm duyệt thì bị yêu cầu sửa lại. Em tự nhủ phải cố gắng, mình sẽ làm được và đêm đó em thức trắng để chính sửa, sau cùng video cũng hoàn thiện và đã được Ban kiểm duyệt khen”.
Trong những người tham gia có những cá nhân không phải là phóng viên, họ làm nhiều nghề khác nhau: giáo viên, kỹ sư công nghệ thông tin,…Chị Trần Thị Kim Thanh, Trưởng nhóm website, từng làm việc tại một công ty về công nghệ thông tin, là giáo viên Trường THPT Hóa Châu, tâm sự: “Những ngày diễn ra festival là những ngày không ngủ của tôi. Quy định của cả nhóm là tất cả phải nhanh và chính xác, bởi vậy dù nhiều sự kiện kết thúc muộn chừng nào cũng phải hoàn thiện để cập nhật kịp thời. Đêm nào cũng vậy, phải 2-3 giờ sáng mới xong công việc ở website thì tôi lại chuyển qua soạn giáo án để ngày mai đi dạy, khi làm xong trời đã sáng.”.
Thức trắng đêm để hoàn thành công việc, lần đầu tác nghiệp còn nhiều bỡ ngỡ, hay còn nhiều công việc chuyên môn khác… là những câu chuyện của những người tham gia phục vụ festival. Nhưng tất cả đều cố gắng, nỗ lực hết khả năng để cho ra những sản phẩm được đánh giá rất cao về chuyên môn. Bản tin xuất bản được 11 kỳ, với số lượng 3.300 bản; 160 tin bài và hơn 1.600 bức ảnh được đăng tải lên website và có hơn 156.000 lượt truy cập trong thời gian diễn ra festival; 32 video và 505 ảnh có chất lượng và hình ảnh khá tốt về các hoạt động Festival Huế được tải lên Youtube và Flickr là những minh chứng cụ thể nhất.

 

Đức Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Đưa sách đến với cộng đồng

Những năm qua, bên cạnh công tác phục vụ tại chỗ cũng như tổ chức các sự kiện về văn hóa đọc, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế còn triển khai việc đưa sách, báo về phục vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các đồn biên phòng, trại giam… với mong muốn đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ sách, báo của người dân.

Đưa sách đến với cộng đồng
Return to top