ClockChủ Nhật, 17/02/2013 20:41

Làm dâu Hoàng tộc

TTH - Cho đến giờ, dù không còn làm dâu bà nữa, nhưng mỗi lần Tết đến, tôi lại nhớ những ngày bà dạy tôi cách làm bánh, từng món ăn mà ngày xưa bà đã được các cung nữ triều Nguyễn truyền lại.

Mẹ chồng tôi là người xuất thân hoàng tộc, lại giỏi nữ công gia chánh, tốt nghiệp bằng ri-me thời Pháp…

Những năm 1990, lớp học nữ công gia chánh phát triển ít ỏi, nên mẹ chồng tôi là một trong những người hiếm hoi làm bánh kem có tiếng ở Huế. Không những trang trí đẹp mà bánh của bà làm khá ngon, có mùi vị đặc biệt. Sau này tôi mới biết bí quyết là do bà cho thêm vào nguyên liệu làm bánh một ít nước cam vắt. Bánh đẹp nhờ màu sắc hài hòa, sống động. Ngon là vì bột được chế biến kỹ càng. Tôi ngại nhất là việc đánh bột. Ngày đó chưa có máy hỗ trợ, nên phải đánh bằng tay. Hai tay hai nắm đũa, đánh bột hơn hai tiếng đồng hồ, bải hoải cả tay, bột mới bắt đầu mịn. Còn đánh tiếp thêm đến khi nào kiểm tra bột đạt chất lượng mới bắt đầu cho bánh vào khuôn. Đến khâu trang trí, mẹ chồng tôi ngồi cạnh, tỉ mỉ dạy vẽ kem lên mặt bánh từng cánh hoa. Miệng thì dạ, mắt thì nổ đom đóm, nên nhìn gà hóa quốc, vì vậy đến khi ra thành phẩm, tôi vẫn không hiểu vì sao chiếc bánh đẹp đến thế. Nền kem màu trắng, hoa hồng đỏ thắm nồng nàn trên màu lá xanh. Hôm cô dâu, chú rể đến nhận bánh, nhìn nét mặt rạng ngời của họ, tôi mới thấy hết giá trị, công lao động làm ra chiếc bánh kem do tôi và mẹ chồng làm nên!

Phụ nữ Huế vào bếp. Ảnh: Internet

Hồi ấy, trong những đám cưới của các gia đình khá giả (thường cưới ở gia đình chứ không tổ chức ở khách sạn như bây giờ), món tráng miệng là bánh trái cây. Nguyên liệu làm bánh trái cây chủ yếu bằng đậu xanh. “Ngày xưa, mỗi lần Tết đến, trong Cung (Triều đình nhà Nguyễn), trên bàn thờ tổ tiên, lúc nào cũng có hai chiếc lộc bình cắm bánh trái cây thay hoa. Ngày 30 Tết hàng năm, me thường được các cung nữ dạy làm loại bánh này để trang trí các bàn thờ”, mẹ chồng tôi kể. Ngày ấy, thị trường không có sẵn đậu đã đãi vỏ, hoặc xay mịn như bây giờ. Đậu xanh làm bánh trái cây phải là giống đậu mỡ, bở và không sượng, ăn bùi và có mùi thơm. Làm thứ bánh này công phu lắm. Phải ngâm đậu 3 tiếng, đến khi vỏ đậu bong ra, đãi sạch vỏ, nấu chín mới bắt đầu chế biến. Nhà chỉ có hai mẹ con, nên khâu giáo đậu (đánh bằng đũa từ khi hạt đậu nấu mềm cho đến lúc nhuyễn, mịn mới nặn bánh) do tôi đảm nhiệm. Trước đây, mỗi lần cầm chiếc bánh đậu xanh trên tay, tôi thường thán phục những người thợ làm bánh vì trông rất giống các trái cây thật, nên bây giờ tôi rất háo hức chờ mẹ chồng làm món bánh này. Với một chiếc kim đan len trên tay cùng một viên bột, sau vài giây, mẹ chồng tôi đã làm nên một trái dâu tây, trái đào, rồi măng cụt... Tôi có nhiệm vụ nhúng những chiếc bánh ấy vào bột đông sương đã nấu sẵn, chồng tôi cũng giúp sức bằng khâu nhuộm trái cây vào màu đã pha từ trước. Cách pha màu nhuộm trái cây cũng hết sức độc đáo. Bà không sử dụng màu công nghiệp, vì cho rằng đó là thực phẩm độc hại, mà pha chế từ các loại rau trái quen thuộc như màu vàng nhạt của trái dứa,vàng đậm của cà rốt, màu tím từ khoai tía, màu xanh của rau ngót, lá dứa, màu đỏ của trái gấc... khiến các món bánh chế biến đều có mùi vị thơm ngon hơn những nơi khác. Lần nào làm bánh bà cũng nhắc tôi: “chế nước cam vào bột và nhuộm bánh bằng rau củ là bí quyết riêng của các gia đình Hoàng tộc, con không được để lộ, mất nghề đó”.

Mứt bánh tết Huế. Ảnh: Internet

Tết năm ấy, để cảm ơn xếp của chồng tôi vì đã nhận anh vào làm việc mà không hề có điều kiện gì, mẹ đã làm bánh đông sương là một đôi cá vàng để biếu. Tôi thích thú phụ làm bánh. Khi sản phẩm hoàn thành, tôi cứ ngẩn ngơ cùng đôi cá đặt trong khay thủy tinh trong suốt.Từ thủa bé đến lúc ấy, tôi chưa bao giờ nhìn thấy đôi cá vàng nào đẹp như thế. Đẹp đến nỗi không ai nỡ ăn.

Tháng chạp. Các đám cưới thưa dần. Lại rục rịch chuẩn bị đón Tết. Mẹ tỉa hoa trang trí món ăn rất đẹp. Từ nguyên liệu cà rốt, củ cải, bà tỉa thành những bông cúc, bông hồng xinh xắn. Ngày ấy, thị trường chưa có những bộ dao cắt tỉa trái cây tiện lợi như bây giờ, nên phải đặt riêng thợ rèn một bộ dao đặc biệt. “Năm 1980, khi bà Từ Cung (mẹ của Vua Bảo Đại) thấy trong người bất an, mới gọi con cháu về để truyền món tỉa hoa từ rau củ. Me là một trong những người được bà dạy, vì vậy con phải lo học để mai sau còn dạy lại cho con, cháu mình”, bà dặn tôi. Tôi không có tính kiên trì, nhẫn nại như người khác, nên việc biến từng củ rau thành những bông hoa mềm mại, kiêu sa, lộng lẫy là điều khó có thể. Nhưng sau vài giờ đồng hồ, dưới sự hướng dẫn của bà, tôi cũng đã tỉa thành công những bông hồng màu gạch từ một khúc cà rốt và những bông cúc trắng tinh khiết từ nguyên liệu củ cải.

Ngày Tết, có hai món không thể thiếu trong gia đình chồng tôi là kim chi và tré. Món kim chi không làm riêng từng thứ như củ cải, cải bách thảo như gia đình khác mà làm chung nhiều thứ: Dưa leo, cải bách thảo, cà rốt. Dưa leo và cà rốt được tỉa hoa rất đẹp. Khi tôi định cho nước mắm, đường, tỏi, gừng vào muối thì bà hướng dẫn làm cách khác: Tất cả ngâm với muối bột. Để vài giờ cho nguyên liệu rịn nước thì vắt khô, sau đó trộn thêm gừng, tỏi, bột ngọt, ớt. Nhìn thẩu kim chi với màu đỏ của cà rốt, màu xanh của dưa leo, màu trắng của củ cải, tôi càng thầm phục tài nữ công của mẹ chồng “Làm thế này khi ăn, kim chi sẽ giòn và có mùi đặc trưng riêng. Hơn nữa, khi ăn lỡ bị rơi, dây ra áo, quần cũng không bị hôi mùi nước mắm”, bà giải thích.

Năm ấy và cả những cái Tết sau này nữa, làm món tré lúc nào mẹ chồng cũng sai tôi phải đi tìm mua, hoặc xin cho được lá ổi về để gói. Nếu không có lá ổi, thì không làm tré nữa. “Chỉ có lá ổi, gói tré thì mới có mùi thơm đặc biệt”, mẹ chồng tôi nói. Nước mắm để làm tré là phải nấu lên thành muối. Như vậy, miếng tré sẽ không bị nhão. Khi ăn sẽ thấm và ngon hơn.

Gần 20 năm, tôi vẫn nhớ mãi những ngày tháng làm dâu và những món ăn, món bánh đã được bà dạy. Sau này, lúc rảnh rỗi, hoặc chuẩn bị đón Tết, tôi lại làm những món được học từ bà, có lúc quên công thức, tôi điện thoại hỏi, bà lại tận tình chỉ bảo.

Huế Tết năm 2013

Đinh Hoàng Xuân Hồng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top