ClockThứ Tư, 29/07/2015 10:08

Làm rõ căn nguyên để giải quyết

TTH - Nước sông Phù Bài đen hôi, cá tôm chết hàng loạt, chất lượng nước sụt giảm… là chuyện không mới với người dân xã Thủy Phù (Hương Thủy). Nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc xác định nguyên nhân, nhưng bao giờ dòng sông lại như xưa thì người dân vẫn còn phải đợi.

Một góc sông Phù bài bị ô nhiễm nặng

 

Cần xác định cụ thể nguyên nhân

Thực tế, khi tìm đến các cơ quan chức năng chúng tôi đều có câu trả lời rõ về tác nhân gây ô nhiễm cho sông Phù Bài. Nhưng khi đối chiếu những nguyên nhân ấy lại với nhau, chúng tôi nhận thấy vẫn còn sự mâu thuẫn trong cách xác định “nút thắt” của các bên liên quan.
Theo người dân sống dọc nhánh sông Phù Bài đang bị ô nhiễm, mỗi lần trời chuyển mưa giông, lại có hiện tượng cá chết hàng loạt hoặc lóp ngóp nổi trên mặt nước. Giải thích về hiện tượng này, ông Phan Bồng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Thủy, cho biết: Vấn đề này UBND thị xã đã chỉ đạo phòng phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh tiến hành quan trắc. Nguyên nhân được xác định là do dòng nước gần như đứng yên nên hàm lượng oxy hòa tan thấp, gây ngột cho thủy sinh. Cụ thể, đập Cam Thu - công trình thủy lợi được xây dựng trên sông, lâu ngày không xả nước tầng đáy cộng với việc lòng sông không được nạo vét nên trầm tích bồi lắng. Khi có mưa, các khí tích tụ, như CH4, NH3 được giải phóng vào trong nước có hàm lượng oxy hòa tan thấp nên các loài thủy sinh, nhất là cá, không đủ nguồn oxy để hô hấp, dẫn đến bị ngạt và chết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Thừa Thiên Huế, sông Phù Bài có lưu lượng nhỏ nhưng bị ô nhiễm từ 3 nguồn chính: “Nguồn thải từ KCN, nguồn thải từ nông nghiệp, sinh hoạt của người dân và bản thân dòng sông không thể tự làm sạch do đập Cam Thu chặn dòng. Nếu giải quyết vấn đề của từng nguồn thì sẽ kiểm soát được ô nhiễm của dòng sông. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng lại quá trình vận hành của đập Cam Thu phù hợp với cả 2 mùa mưa và nắng”.
Tuy nhiên, khi trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Văn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh, cho rằng: Nếu nói vấn đề ô nhiễm trên sông Phù Bài do đập Cam Thu chặn dòng, khiến nước lưu thông kém thì “tội” cho cái đập quá. Hằng năm, đập vẫn được đóng mở, nếu tình trạng ô nhiễm kéo dài do dòng chảy yếu thì lần xả nước năm sau sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm năm trước nên không thể nói sự ô nhiễm là do bản thân dòng sông được. Hơn nữa, so với nhiều dòng sông nhỏ, hói khác trên địa bàn tỉnh bị chặn dòng, như sông Như Ý, La Ỷ… thì sông Phù Bài vẫn còn có dòng chảy tốt hơn, trong khi mức độ ô nhiễm của sông Phù Bài lại nghiêm trọng hơn nhiều.
Dân vẫn chờ
Khoảng một tháng trước, sau một trận mưa giông, cá tự nhiên và trong lồng nuôi của các hộ dân trên sông Phù Bài lại lơ ngơ nổi và chết, người dân rất hoang mang. Ông Lê Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Phù, cho biết: Chúng tôi có nhận được câu trả lời từ các ngành chức năng về vấn đề của đập Cam Thu, nhưng chúng tôi cảm thấy chưa thỏa mãn. Mỗi năm đập Cam Thu chỉ đóng 6 tháng, mở 6 tháng và ngay khi đập đóng, nước cao vẫn có thể chảy qua tràn. Hơn nữa, khi chưa có đập Cam Thu kiên cố, thì năm nào người dân cũng lấy đất chặn dòng để tích nước phục vụ tưới tiêu cho lúa. Sự xuất hiện của đập Cam Thu kiên cố hiện nay chỉ là để giảm bớt công sức, tiền của của người dân khi năm nào cũng phải dồn đất đắp đập. Mực nước được tích trước đây và hiện nay tương đương nhau, nếu ô nhiễm trên sông Phù Bài là do đập thì chắc chắn vấn đề đã diễn ra từ lâu. Trong khi đó, với đập đất trước đây, người dân vẫn sử dụng nước sông để chăn nuôi, tắm rửa, giặt giũ bình thường, còn hiện nay thì hoàn toàn không thể.
Thực tế, tại thời điểm này, khi chúng tôi tìm hiểu cội nguồn gây ô nhiễm trên sông Phù Bài từ các ngành chức năng, thì được biết nguồn nước xả thải từ KCN Phú Bài đang ở mức kiểm soát được. Hai năm trở lại đây, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường có thanh tra việc xả thải ở KCN Phú Bài, nhưng các doanh nghiệp đấu nối với bộ phận xử lý nước thải nghiêm túc nên chưa doanh nghiệp nào bị xử phạt. Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Thủy cũng cho biết: Hiện, tất cả các doanh nghiệp thuộc KCN Phú Bài đã đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý tập trung nên không còn hiện tượng các doanh nghiệp tự ý xả thải theo hệ thống nước mưa. Báo cáo quan trắc môi trường gần đây cũng cho thấy các thông số nước thải sau khi được thu gom, xử lý đều đạt quy chuẩn quốc gia trước khi thải ra môi trường. Phòng cũng chủ động quan trắc đột xuất khu vực xả thải KCN Phú Bài để phát hiện sớm và ngăn chặn các trường hợp gây ô nhiễm môi trường.
Vậy, cuối cùng vấn đề là ở đâu, cơ quan nào có trách nhiệm chính để giúp sông Phù Bài sạch trong trở lại… là những vấn đề mà người dân Thủy Phù rất mong có được câu trả lời. Theo ông Nguyễn Việt Hùng, sông Phù Bài ô nhiễm được xác định mấu chốt là do quy trình vận hành đập Cam Thu chưa phù hợp nên UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các bên liên quan để khắc phục hợp lý. Trong khi đó, ông Đặng Văn Hòa lại cho hay: “Chúng tôi không đẩy trách nhiệm cho ngành nào, nhưng theo tôi để vấn đề ô nhiễm trên sông Phù Bài được giải quyết triệt để thì việc quan trọng là kiểm soát tốt nguồn nước xả từ KCN Phú Bài phía đầu nguồn dòng sông. Đây là việc khó, không phải ngành nào cũng đủ điều kiện để làm được nên cần những cơ quan chức năng quan tâm thêm. Thêm vào đó, thị xã Hương Thủy nên tiếp tục tạo điều kiện để tăng số lần xả nước qua đập Cam Thu, tăng khả năng tự làm sạch của dòng sông trong điều kiện cho phép đủ nước cho tưới tiêu”.
Đến đây, cũng như người dân, chúng tôi mong điều ông Phan Bồng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Thủy đã nói sẽ sớm được thực hiện: “Cần thông qua Hiệp hội Khoa học độc lập để làm rõ nguồn gốc gây ô nhiễm dòng sông”. Đây là vấn đề cấp thiết và mấu chốt để xác định rõ giải pháp cũng như đơn vị chịu trách nhiệm chủ lực trong việc xử lý vấn đề ô nhiễm trên sông Phù Bài.
Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024

Sáng 14/4, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tổ chức lễ khai mạc triển lãm và chấm thi Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh lần thứ XVII, năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành cùng giáo viên, học sinh các đơn vị dự thi.

163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024
Nâng hạng chỉ số DTI

Những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp đầu về chỉ số chuyển đổi số. Song năm 2023, qua rà soát, trong Bộ chỉ số chuyển đổi số có nhiều nhóm tiêu chí không đạt bền vững, do vậy cần những giải pháp căn cơ để chuyển đổi số trở thành chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng hạng chỉ số DTI
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

TIN MỚI

Return to top