ClockThứ Sáu, 03/06/2016 14:21

Làm tốt những bài toán cơ bản nhất

TTH - Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đang đến gần. Để giúp học sinh làm tốt bài thi môn toán, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế có cuộc phỏng vấn với thầy Phan Văn Danh, giảng viên Khoa Toán, Trường đại học Sư phạm – ĐH Huế, người có nhiều năm tham gia ra đề trong các kỳ thi đại học.

Thầy Phan Văn Danh

Thầy Danh cho rằng, từ năm 2015, đề thi có cấu trúc 10 câu. Câu 1 – 5 là kiến thức cơ bản của lớp 12, chỉ cần thường xuyên làm bài tập trong sách giáo khoa sẽ làm được. Câu 6 – 7 là kiến thức cơ bản của 3 lớp 10, 11 và 12. Với 7 điểm của 7 câu đầu tiên, học sinh trung bình khá trở lên có thể làm được nếu chú ý rèn luyện bài tập qua các buổi học. Câu 8 là bài toán có tính chất khó, có thể là dạng câu dành cho các kỳ thi học sinh giỏi trung học cơ sở. Với câu này, học sinh học giỏi toán trung học cơ sở khả năng sẽ làm được. Câu 9 là câu phương trình hoặc hệ phương trình, đại số hoặc có chứa căn. Đây là câu khó, có thể sử dụng kiến thức hàm số của lớp 12. Với câu 10, mức độ khó được đẩy lên cao nhất trong đề thi. Đó có thể là câu bất đẳng thức hoặc giá trị lớn nhất, nhỏ nhất.

Để đạt được điểm cao trong kỳ thi, học sinh nên chú ý những điều gì?

Trước hết là đọc kỹ đề ít nhất 3 lần để hiểu đề rồi mới làm, tránh trường hợp mắc phải những sai lầm đáng tiếc do chưa nắm rõ đề.

Khi đọc đề, nên phân loại câu dễ, khó. Bố trí thời gian thích hợp, thường dành 60 – 90 phút cho những câu cơ bản, không quá khó. Những năm gần đây, đề thường bố trí tăng dần mức độ khó cho học sinh, đây là một thuận lợi. Nguyên tắc là câu dễ làm trước câu khó làm sau, làm được câu nào thì kiểm tra và hoàn chỉnh câu đó để có khả năng nhận được điểm tối đa của câu mà mình làm được.

Những câu nhận thấy chắc chắn làm được ngay thì làm thẳng vào bài thi, chỉ tính toán trên nháp để tiết kiệm thời gian làm những câu khác. Với những câu khó, việc sử dụng nhiều quỹ thời gian đã được phân chia trước là hợp lý. Có thể không làm trọn vẹn cả câu nhưng cố gắng “gỡ khó” được chừng nào tốt chừng ấy, kiếm được những điểm thành phần. Câu 10 thường là câu quá khó, học sinh không nên quá đặt nặng phải làm được câu này mà trước tiên phải chú ý làm tốt những câu trước đó.

Những bài toán có điều kiện thì phải chú ý đặt điều kiện ngay từ đầu và khi làm xong phải kiểm tra lại điều kiện đó. Đặc biệt là những câu có chứa căn, phân thức. Trong câu hình học, chú ý vẽ hình đúng.

Những sai sót mà học sinh hay gặp phải là gì, thưa thầy?

Học sinh hay gặp tình trạng làm bài toán thiếu điều kiện hoặc có điều kiện nhưng không kiểm tra điều kiện trước khi kết luận. Nhiều trường hợp tính toán không chính xác, lập luận sơ hở. Đáng tiếc nhất là làm nháp đúng nhưng đưa vào bài bị sai hoặc không kịp thời gian, đây là vấn đề học sinh nên chú ý. Học sinh cũng có thể nhầm lẫn các giả thiết của bài toán do đọc đề không kỹ.

Là người có nhiều năm tham gia ra đề thi đại học, thầy có lời khuyên gì cho học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi?

Tôi khuyên các em ngay trong quá trình ôn luyện nên làm đi làm lại nhiều lần các dạng toán trong sách giáo khoa thật thành thạo. Đồng thời, muốn làm được các bài toán từ câu 8 trở đi, có thể luyện thêm những bài toán khó ở các sách tham khảo giúp gia tăng kinh nghiệm.

Phải học trên cơ sở suy luận của mình chứ không học vẹt. Học để hiểu, có kinh nghiệm và làm được các dạng toán, tránh trường hợp học thuộc để vào làm bài theo kiểu chép lại.

Trong phòng thi, cố gắng ổn định tâm lý, bình tĩnh và đừng quá căng thẳng trong suy nghĩ đỗ - rớt. Chỉ khi bình tĩnh mới phát huy được khả năng của bản thân, sự lo lắng quá có thể ảnh hưởng xấu đến tinh thần khi làm bài và kết quả bài thi.

Hữu Phúc (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để ôn thi hiệu quả

Chỉ còn vỏn vẹn chưa đầy 2 tháng nữa, các sĩ tử của chúng ta sẽ bước vào một kì thi quan trọng có tính quyết định tương lai của chính mình sau 18 năm đèn sách. Vậy bạn có bao giờ tự hỏi phải ôn luyện như thế nào là hiệu quả?

Để ôn thi hiệu quả
70% của môn sử

​Tôi đã tự hỏi mình, rằng tôi đã từng thích học môn lịch sử trong suốt những năm phổ thông xa ngái không?

70 của môn sử
Quá nhiều “sạn” trong các bài thi môn ngữ văn

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 đã khép lại, quá trình chấm thi kết thúc. Bao buồn vui xoay quanh bài làm của thí sinh về môn ngữ văn vẫn còn đó. Bên cạnh những bài làm tốt, còn vô số những bài văn ngô nghê, khó chấp nhận.

Quá nhiều “sạn” trong các bài thi môn ngữ văn
Return to top