ClockThứ Năm, 06/10/2011 10:14

Làm văn hóa không thể vội vàng

TTH - Giữa tháng 9 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với các chuyên gia bảo tồn di sản văn hoá Ba Lan tổ chức khoá tập huấn kéo dài 4 tuần về đào tạo bảo tồn tại di tích Huế. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Marek Baránski - chuyên gia bảo tồn văn hoá di sản của Ba Lan. Và ông đã cởi mở bắt đầu bằng chuyện bảo tồn ở đất nước mình:

Ở Ba Lan, chúng tôi từng gặp khó khăn trong thực hiện công trình tái thiết lại thành cổ Warszawa sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 do kinh phí quá lớn, trong khi người ta lại không tin vào khả năng của chúng tôi. Cuối cùng, sau 15 năm, bằng sự nỗ lực của cả xã hội, chúng tôi đã thành công, nhờ nguyện vọng của người bảo tồn đã gắn chặt với ý chí của cả dân tộc. Và nay, công trình này được UNESCO công nhận là di sản thế giới, là biểu tượng quan trọng nhất về ý chí trường tồn của chúng tôi.

Thực tế thì vấn đề bảo tồn di sản không phụ thuộc vào tiền. Quan trọng nhất là sự nhận thức và hiểu biết của xã hội, rằng họ cần bảo vệ di sản để làm gì. Và chúng tôi - những người làm công tác bảo tồn, xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của xã hội và thực thi nhiệm vụ đó. Tôi chắc rằng, đó không phải là vấn đề riêng Ba Lan mà của toàn thế giới. Cho đến bây giờ, các nước như: Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật… vẫn chưa kết thúc được câu chuyện về nhu cầu bảo tồn di sản văn hóa của mình như thế nào. Nhưng có một câu trả lời mà họ đã đón nhận được là khi xã hội cần di sản, bảo vệ di sản thì xã hội ấy sẽ tốt đẹp hơn.
 
Việc nhiều dự án bảo tồn được triển khai chậm có khiến hoạt động của các ông bị ảnh hưởng không, thưa ông?
 
Hiện nay, Huế của các bạn còn quá nhiều việc phải làm bởi nhiều công trình di tích đã bị hư hại trong chiến tranh, cũng như sự tác động của thời gian, môi trường. Nhưng trong những năm qua, các bạn đã làm được rất nhiều việc và các bạn cần phải bình tĩnh để thấy rằng, chúng ta phải làm như thế nào và làm gì. Làm văn hoá là không thể vội vàng được. Mọi người đều mong muốn làm rất nhanh và mong có tiền để làm cái đó. Nhưng bảo tồn di tích là cả quá trình phải chuẩn bị đẩy đủ về con người và điều kiện khoa học kỹ thuật… Điều quan trọng hiện nay là chúng ta phải đào tạo nguồn nhân lực và những thế hệ kế tiếp nữa, trong vòng 5 năm, 10 năm thậm chí 20 năm tới. Việc này phải được kế thừa một cách bài bản và cho dù mất bao nhiêu năm sau nữa. Đó là quy trình rất tự nhiên. Chúng tôi đang tổ chức lớp tập huấn đào tạo về bảo tồn di sản văn hoá ở Huế. Nhưng chúng tôi không trông đợi kết quả ngay ngày mai mà chúng tôi trông vào 10 năm và nhiều năm sau nữa. Làm văn hoá là cần phải chờ đợi.
 
Điều gì khiến ông vẫn chờ đợi khi yêu cầu trùng tu các di tích thì đã rất cấp bách, thưa ông?
 
Thực tế, để có thể bảo tồn được một công trình di tích thì các kỹ thuật gia phải có đủ khả năng mổ xẻ và phân tích những vấn đề mà di tích đó đang gặp phải. Kỹ thuật về bảo tồn di sản đang có những bước tiến rất tích cực. Nơi nào đó, người ta nói rằng, trùng tu một di tích rất dễ. Nhưng chính bây giờ, chúng ta phải thấy rằng, phải cân nhắc việc tái hiện một di sản văn hoá cần phải như thế nào. Với điều kiện hiện nay, chúng tôi giúp các bạn không có nghĩa là chúng tôi làm thay các bạn, mà chúng tôi chỉ có thể giúp các bạn về biện pháp để giải quyết được vấn đề của mình.
 
Ông suy nghĩ như thế nào về một số công trình bảo tồn di tích lại bị coi là bức tử di tích?
 
Trước hết, tôi xin trả lời đấy không phải là quyền quyết định của những người làm bảo tồn. Bởi người làm bảo tồn có một sứ mệnh là bảo vệ di sản, nhưng họ cũng phải đối diện với những quyết định của cấp lãnh đạo, hay của xã hội. Tuy nhiên, trách nhiệm của chúng tôi không chỉ là bắt tay trực tiếp vào việc bảo tồn mà chúng tôi còn có trách nhiệm phân tích để người ta hiểu rằng, khi bức tử một di tích, chúng ta được gì, mất gì, trong ngày hôm nay và cả trong nhận thức lâu dài.
 
Thực ra, chúng ta đang bảo vệ di sản theo những công ước mà chúng ta đã cam kết. Vì vậy, yếu tố nguyên gốc rất quan trọng và mỗi một kỹ thuật gia phải vươn đến những kỹ thuật rất cao trong lĩnh vực này. Đây cũng là một thách thức đối với di sản Huế, đặc biệt là với Thái Bình Lâu - một di tích rất tiêu biểu về cách trang trí và hoa văn. Chúng ta chỉ mong, sau khi được tu bổ, công trình này sẽ tốt hơn, không phải đẹp hơn mà những giá trị truyền thống được trả lại chính xác hơn. Đấy là những nỗ lực không mệt mỏi.
 

Thái Bình Lâu là công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc triều Nguyễn. Gồm toà nhà hai tầng bằng gỗ, mái lợp ngói hoàng lưu ly, mặt tiền hướng Đông, gắn với nhà hát Duyệt Thị Đường và vườn Thiệu Phương. Việc hạ giải để trùng tu công trình là một phần của dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị cụm di tích Thái Bình lâu - vườn Thiệu Phương trong Tử Cấm thành, tổng mức đầu tư hơn 24 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau hai năm thi công.

“Những gì cha ông để lại cho chúng ta hôm nay đều rất quý và không gì thể thay thế được. Không có một nghệ nhân, một người nào đủ tài giỏi để nói rằng đập đi và làm lại”. Chúng ta hiểu được cha ông như vậy, chúng ta sẽ trân trọng tất cả những gì còn lại để bảo vệ. Nhờ vậy, chúng ta có những di tích. Đó là câu chuyện của người bảo tồn. Người bảo tồn phải biết điều đó và cố gắng hết sức để đưa thông điệp của quá khứ nói với tương lai, qua di sản và bằng khoa học kỹ thuật. Đặc biệt là bằng cái tâm. Với những cố gắng của các bạn trong công tác bảo tồn di sản hiện nay, tôi thấy các bạn đi rất đúng và các bạn đã bảo vệ được nhiều giá trị nguyên gốc. Ở Ba Lan, chúng tôi cũng làm như thế, nhưng bằng kỹ thuật cao hơn và bằng những phương tiện tốt hơn. Nhưng tôi muốn nói rằng, kết quả sau cùng là giống nhau.
 
Xin cảm ơn ông!
 

Đồng Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top