ClockThứ Năm, 07/08/2014 14:18

Lặn biển, canh bạc số phận

TTH - Không ít “kình ngư” trai tráng một thời phải rời xa đời lặn ngồi xe lăn, có người xấu số thì mãi mãi ra đi. Với họ, mỗi chuyến ra khơi là phải liều mình đặt cược cho một canh bạc lớn giữa biển cả. Vì kế sinh nhai, nhiều người ở khu tái định cư Phú Mậu (huyện Phú Vang) đang ngày đêm bám víu công việc nguy hiểm này.

Sống dưới đáy đại dương

Phú Mậu hàng chục năm nay có nghề lặn cá chúng tôi liền tìm về. Sau hàng giờ đồng hồ “mò mẫm” giữa xã Phú Mậu rộng lớn, mới “lùng” ra được ngôi làng có nghề lặn biển. Vào đầu làng, chúng tôi ấn tượng bởi những người làm nghề biển, ai nấy đều có làn da rám nắng, thân hình vạm vỡ, toát lên vẻ mặn mà. Hỏi thăm gia đình lặn biển, chúng tôi được một cụ già làm nghề đánh lưới trong làng dẫn đến từng nhà. Theo lời kể của ông, cuộc sống ở khu tái định cư Phú Mậu này có tới hàng trăm hộ dân nhưng chỉ sống bằng nghề cá, người bỏ lưới, bỏ chài… trong đó có nghề lặn cá dễ kiếm tiền, nhưng cũng dễ mất mạng nên không phải ai cũng làm được.

 

Rất ít người thợ lặn ở Phú Mậu được trang bị những bộ đồ nhái khi lặn. Ảnh: Hoàng Dung

Ông Nguyễn Văn Tỵ, người gắn bó hơn nửa đời người dưới đáy đại dương, đã 56 tuổi, nhưng vẫn giữ được sức vóc quắc thước. Sau tách trà nóng, ông hào hứng kể về cái nghiệp mà bấy lâu nay vẫn đeo bám để nuôi sống cả gia đình. Từ 15 tuổi, ông đã được cha truyền cho nghề lặn cá, đến nay thì cũng đã hơn 40 năm kinh nghiệm. Suốt từng ấy năm ngang dọc vẫy vùng khắp biển Thuận An, Hải Dương, ông Tỵ trở thành thầy lặn, nhiều trai tráng trong làng đến nhờ ông dạy cách “sống” dưới đáy đại dương. Anh Nguyễn Văn Bi chia sẻ về những ngày chập chững tập lặn. Để có can đảm lặn sâu dưới biển hơn chục mét, người thợ lặn mới đầu vào nghề cũng phải học lặn cả tháng trời. Lúc đầu, nghe lặn 2 - 3m đã sợ. Nhưng chỉ có nghề lặn biển làm kế sinh nhai nuôi sống gia đình thì nhất quyết phải học cho được. Ngày nào, anh Bi cũng theo bố ra biển tập lặn. Người thợ lặn phải biết làm chủ được nước, giữ nhiệt cơ thể để có thể lặn sâu mà không bị nhức xương; phải biết phát hiện được luồng nước độc, luồng xoáy để tránh nguy hiểm… Họ được trang bị ống dẫn hơi dài hơn 100m. Đồ lặn biển gồm quần áo, kính rất sơ sài, không hề có một thiết bị bảo hộ nào khác.

Hàng ngày, những người thợ lặn bắt đầu công việc lúc 7h sáng, họ lặn ngâm mình dưới biển 8 tiếng đồng hồ, chỉ nghỉ ngơi khi thu được khoản tiền đủ trang trải cho cuộc sống gia đình mình. Biết cách lặn được dưới độ sâu của biển, nhưng để thu lại được “chiến lợi phẩm” là một nghệ thuật. Mỗi lần lặn, “kình ngư” thường đi theo cặp để thuận tiện hỗ trợ lẫn nhau, phòng trừ trường hợp bất trắc. Khi đã xuống tới độ sâu nhất định chừng 10m, sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai người rất quan trọng, tất cả mọi hành động, lời nói đều được ra dấu bằng tay. Người thợ lặn nép mình vào những tảng đá lớn phục kích, hễ thấy con mồi nào rơi vào tấm ngắm, họ nhanh chóng dùng súng bắn. Khi gặp cá mú, cá hồng… là những loại cá bán được giá cao, thợ lặn sẽ truy đuổi tới cùng, cá bơi đi đâu, người “chạy” tới đó. Ngâm mình 8 tiếng đồng hồ dưới nước, sản vật mà người thợ lặn thu được chủ yếu là cá, cua, ốc… Mỗi ngày ra biển cực nhọc, nhưng chỉ thu về khoảng 200 nghìn đồng. Để có số tiền ít ỏi đó trang trải cuộc sống gia đình, nhưng họ phải mang cả tính mạng đặt cược cho một canh bạc lớn giữa biển cả. Sau những ngày lặn vất vả, chừng 5- 10 ngày họ lại nghỉ ngơi lấy sức cho những ngày ra biển tiếp theo.

Lặn biển đặc biệt kén chọn, khắc nghiệt đối với những người lấy nghề làm kế sinh nhai, bởi phải ngâm mình cả ngày dưới nước, nơi nông nhất thì cũng chục mét. Công việc vất vả, không may mắn thì mất mạng như chơi. Ông Tỵ chia sẻ: “Nghề này đòi hỏi chủ yếu là sức khỏe và kinh nghiệm, song để lặn được độ sâu chừng 15 - 20m trở lên thì sức khỏe là yếu tố rất quan trọng, thợ lặn phải có kinh nghiệm lấy hơi, chịu áp lực nước và cơ thể có sức chịu dẻo dai. Do đó chỉ có tuổi thanh niên mới có sức làm nghề này”.

Sinh ly tử biệt rình rập

Trải qua 40 năm gắn bó với biển cả, ông Tỵ vẫn không biết nghề lặn biển đã có từ bao giờ. Ông Tỵ thổ lộ: “Ngày trước có tới hàng trăm người đi lặn, thế mà giờ chỉ còn khoảng gần 20 người, vất vả quá họ bỏ lặn hết. Nghề này nguy hiểm, cái chết cứ rình rập. Thợ lặn luôn phải đối mặt với “hà bá”, từ chuột rút, ngạt thở đến bị sốc khi thay đổi áp suất nước… rùng rợn hơn khi gặp những con tàu ma dưới đáy đại dương. Nếu người không có kinh nghiệm lặn, hay chủ quan sơ ý thì bỏ mạng giữa biển”. Thời thanh niên trai tráng, ông Tỵ có thể lặn hàng giờ dưới biển, nhưng sau 30 tuổi khi đã có 15 năm lặn, sức khỏe ông yếu dần giờ chỉ lặn được 30 phút đã khiến ông nhức đầu, đau tai.

Nhiều “kình ngư” làm bạn với biển ở khu tái định cư này không thoát được “cửa tử”, cũng không ít người giờ đây hứng chịu di chứng. Đang như con rái cá ngang dọc khắp đại dương, ấy vậy mà có người sống gắn bó với chiếc giường, xe lăn khi cuối đời, nhẹ thì cũng bị ù tai, giảm thị lực. Chứng kiến bao cảnh sinh ly tử biệt, ông Tỵ cảm thấy may mắn khi không phải nằm lại dưới đáy biển.

Anh Bi rùng mình: “Cách đây hơn một tuần mới có người mất ngay dưới chân cầu Ca Cút. Đó là người thợ lặn ban đêm. Đang lặn sâu hơn 10m thì bị mất hơi, nên cố nổi lên mặt nước để thở. Nhưng trong lúc lấy sức đạp mạnh để ngoi lên, không may đụng đầu phải trụ pin tàu nên bị vỡ đầu”.

Gần chục năm, anh Nguyễn Văn Đức (30 tuổi) là một thanh niên trai tráng khỏe mạnh, nhưng giờ thì giống như một đứa trẻ đang chập chững tập đi. Ngồi kể lại cái ngày định mệnh gặp nạn, anh vẫn không nhớ được gì. Sau khi bị nạn ngất xỉu, anh chỉ được nghe những người bạn cùng lặn kể lại. Đêm đó, Đức lặn ở độ sâu 15m, bỗng nhiên mưa dông ùn ùn kéo tới, khi lên được mặt nước, anh hôn mê, mặt mày tím tái, người cứng đờ lại. Mọi người vội vàng chạy đưa anh vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ kết luận, do anh lặn quá sâu gây tổn hại đến não và các dây thần kinh khiến anh bị liệt nửa người. Bà Nguyễn Thị Lan, mẹ Đức khóc nghẹn ngào: “Gia đình tôi phải chạy vạy khắp nơi mới vay mượn được ít tiền chữa bệnh cho con. Nó nằm liệt một chỗ bao nhiêu năm, đêm nằm một mình nghĩ tới hoàn cảnh gia đình lại khóc. Nghĩ tới là tui thương con đứt từng khúc ruột”.

Ông Tị thở dài khi nhắc đến chuyện cả năm người con trai đều theo nghiệp bố: “Biết là cái nghề lặn cực khổ, hiểm nguy, cho con theo nghề lặn chẳng khác nào đánh đu với tính mạng con cái. Nhưng cũng phải làm để kiếm miếng ăn nuôi vợ, nuôi con”!

Hoàng Dung
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nắng nóng gây khô hạn kéo dài ở Trung Bộ và Tây Nguyên

Nhận định về thời tiết trong thời gian tới (từ đêm 27/3 đến ngày 3/4), Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, phía Đông Bắc Bộ từ ngày 27 - 29/3 có mưa rải rác; riêng vùng núi từ ngày 28 - 29/3 có khả năng có mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Nắng nóng gây khô hạn kéo dài ở Trung Bộ và Tây Nguyên
Đề xuất phương án giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Dù lựa chọn phương án giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần như thế nào đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại thị trường lao động, đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài. Nhấn mạnh trên được Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đưa ra trong Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Đề xuất phương án giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Hỗ trợ 300 triệu đồng các hộ tiểu thương chợ Khe Tre và gia đình Liệt sĩ Trần Duy Hùng

Ngày 22/3, nhân ký kết chương phối hợp thực hiện công tác Công an giữa Công an TP. Hồ Chí Minh, Công an TP. Cần Thơ và Công an Thừa Thiên Huế, Đoàn công tác Công an TP. Hồ Chí Minh và Công an TP. Cần Thơ đến thăm và hỗ trợ các hộ tiểu thương bị thiệt hại do cháy chợ Khe Tre (Nam Đông); thăm gia đình và thắp hương cho Trung tá Trần Duy Hùng, Phó trưởng Công an phường Thủy Vân (TP. Huế) hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Hỗ trợ 300 triệu đồng các hộ tiểu thương chợ Khe Tre và gia đình Liệt sĩ Trần Duy Hùng

TIN MỚI

Return to top