ClockThứ Năm, 25/02/2016 06:00

Làn gió mới cho nghệ thuật đương đại

TTH - Với những nỗ lực của anh em họa sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh – Lê Đức Hải trong việc tổ chức và duy trì các hoạt động nhiệm trú của nghệ sĩ, Trung tâm New Space Art Foundation (NSAF) đã có những đóng góp vào việc đưa mỹ thuật Huế hòa vào dòng chảy của nghệ thuật thế giới.

Trao đổi văn hóa

Đến Huế du lịch, tình cờ Veks Van Hillik gặp anh em họa sĩ Lê Ngọc Thanh – Lê Đức Hải và xin vào nhiệm trú ở NSAF. Sau 3 tháng, nghệ sĩ graffiti người Pháp Veks Van Hillik đã trình làng triển lãm “Xúc cảm gốm”. Hai bức tranh graffiti trên tường, bốn bức tranh trên toan và những mẫu phác thảo trên giấy mang lại cho người yêu nghệ thuật đất Cố đô những xúc cảm mới, lạ và thú vị.

Nghệ sĩ Annabelle Collett (Úc) giới thiệu tác phẩm của mình với các bạn trẻ tại NSAF (15 Lê Lợi)

Trong thời gian ở Huế, Veks Van Hillik dành thời gian khám phá thành phố cổ kính với những đền đài, lăng tẩm, phong cảnh nên thơ. Anh ấn tượng mạnh mẽ với đồ sứ ký kiểu trên kiến trúc cổng vào kinh thành và chúng trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo. Veks Van Hillik chia sẻ: “Tôi thật may mắn khi được nhiệm trú ở NSAF. Không gian sáng tác ở đây thật là tuyệt vời khi thỉnh thoảng vẫn có người vào xem tôi vẽ. Nó là không gian mở khơi gợi bao cảm hứng sáng tạo từ những gì tôi được sống và nhìn thấy ở đây”.

Từ chương trình trao đổi nghệ sĩ giữa NSAF với các trung tâm nghệ thuật của Hàn Quốc, Thái Lan, họa sĩ trẻ Nguyễn Thành Trung được chọn đi nhiệm trú ở Hàn Quốc (3 tháng) và Thái Lan (1 tháng). Với Trung, đây là cơ hội thay đổi, tiếp cận với môi trường làm việc mới. Không chỉ được hỗ trợ tối đa về không gian sáng tác, điều kiện sống, anh còn được trải nghiệm và chia sẻ tác phẩm thông qua buổi nói chuyện với công chúng, tổ chức triển lãm ở nước bạn. Đây là cơ hội tốt để nghệ sĩ trẻ như anh biết thêm nhiều điều mới mẻ, trau đồi thêm kiến thức, kỹ năng và học hỏi kinh nghiệm của nghệ sĩ ở các nước từ lĩnh vực hàn lâm cho đến các tác phẩm đương đại như sắp đặt, video, trình diễn…

Nguyễn Thành Trung cho biết: “Trong chương trình nhiệm trú, yếu tố trao đổi văn hóa rất cao. Sang nước bạn, mình mang văn hóa bản xứ đến giới thiệu, đồng thời tìm hiểu văn hóa xã hội ở điểm đến. Khi nhiệm trú ở Hàn Quốc, những gì mình trải nghiệm được thể hiện bằng chất liệu mang đặc trưng Việt Nam là sơn mài”.

Làn gió mới

Những năm gần đây, đời sống mỹ thuật Huế ngày càng nhộn nhịp với các cuộc triển lãm “lạ” và “độc” vốn là đứa con tinh thần của nhiều nghệ sĩ trong, ngoài nước đến nhiệm trú tại NSAF. Hàng trăm nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới, như: Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Hàn Quốc… đến Huế mang theo những xu hướng nghệ thuật mới của thế giới và phong cách sáng tác của riêng họ. Sự xuất hiện của họ là làn gió mới trong đời sống mỹ thuật Huế, đưa công chúng trẻ đến gần hơn với nghệ thuật đương đại. Với tiêu chí luôn làm mới tác phẩm trưng bày, NSAF chỉ triển lãm những tác phẩm các nghệ sĩ sáng tác trong quá trình nhiệm trú ở Huế.

Họa sĩ Lê Đức Hải, Giám đốc Trung tâm NSAF chia sẻ, mục đích mà trung tâm hướng tới là trở thành một gạch nối hiệu quả giữa các họa sĩ Việt Nam với nghệ thuật thế giới, đặc biệt là đối với những họa sĩ trẻ có đam mê sáng tạo và dám thử thách.

“Mặc dù mô hình trại nhiệm trú không còn mới tại Việt Nam nhưng đây là một môi trường thực sự cần thiết cho nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ. Đây cũng là cơ hội cho nghệ sĩ được tiếp xúc sáng tác và làm việc một cách chuyên nghiệp”, họa sĩ Lê Đức Hải cho hay.

Cùng nghiên cứu, sáng tác và giúp đỡ lẫn nhau, chương trình nhiệm trú tạo nên sự giao lưu, tương tác giữa nghệ sĩ nước ngoài và nghệ sĩ Huế, mang lại những ý tưởng trong sáng tác. Họa sĩ Nguyễn Thành Trung tâm sự: “Nghệ thuật đương đại cần sự va chạm, cọ xát, trải nghiệm để sáng tạo. Với nghệ sĩ trẻ như chúng tôi, được NSAF gửi đến các nước có nền mỹ thuật phát triển hơn sẽ thúc đẩy sự sáng tạo của chúng tôi tốt hơn, mở ra một xu hướng mới cho nghệ sĩ. Khi nghệ sĩ của các nước phát triển trên thế giới đến nhiệm trú tại Huế, chúng tôi cũng học được ở họ phong cách làm việc, cách xây dựng tác phẩm chuyên nghiệp”.

 “Hữu xạ tự nhiên hương”, NSAF luôn thu hút nghệ sĩ quốc tế nộp hồ sơ xin nhiệm trú, không chỉ về mỹ thuật mà còn có các loại hình nghệ thuật khác, như: văn học, nhiếp ảnh, múa đương đại… Được biết, năm 2016, hoạt động nghệ sĩ nhiệm trú ở NSAF đã kín lịch. NSAF có ban cố vấn gồm những nghệ sĩ có tiếp cận sâu với nghệ thuật đương đại để chọn lựa nghệ sĩ nhiệm trú theo tiêu chí từng năm, quan trọng là xu hướng nghệ thuật họ theo đuổi phải hay, mới lạ.

Đánh giá về những nỗ lực của NSAF, PGS. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế cho rằng, việc NSAF duy trì được chương trình trao đổi nghệ sĩ trong nhiều năm qua là đóng góp lớn trong việc mang đến nhiều “món ăn” nghệ thuật phong phú cho công chúng, nhất là tạo sân chơi cho nghệ sĩ trẻ - những người mới vào nghề còn bỡ ngỡ, giúp họ mở rộng tầm mắt về nghệ thuật thế giới và tự tin trong sáng tạo.

Năm 2008, chương trình nhiệm trú bắt đầu được triển khai. Thời gian đầu, nghệ sĩ Việt Nam đến nhiệm trú nhiều hơn nhưng nay có đến 80% là nghệ sĩ người nước ngoài. Từ năm 2012, NSAF bắt đầu mở cửa để tương tác với các trung tâm mỹ thuật quốc tế bằng việc ký kết chương trình hợp tác với Trung tâm nghệ thuật Hive Camp - Hàn Quốc, The Artists Village của Singapore và Trường đại học Mỹ thuật Silpakorn, Bangkok, Thái Lan. Theo chương trình hợp tác trao đổi văn hóa này, nhiều nghệ sĩ của các nước này đã đến Huế giao lưu, nhiệm trú. NSAF cũng đã gửi 10 nghệ sĩ trẻ đến nhiệm trú ở Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan. 

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật

Không chỉ vinh dự, những nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) xem đó còn là trọng trách nặng nề trong hành trình bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa cho hậu thế. Họ như là vốn quý, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước.

Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật
Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư pháp phương Tây) dành tâm trí hoàn toàn vào từng nét chữ. Dưới cử động thuần thục của những ngón tay, từng chữ cái với những nét mực uốn lượn thanh tao lần lượt xuất hiện trên trang giấy.

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy
Du xuân ở bảo tàng

Ngoài các điểm du xuân vui nhộn, trang trí đẹp mắt, những năm gần đây một trong những điểm đến vào dịp Tết Nguyên đán được nhiều người tìm tới đó chính là bảo tàng. Bảo tàng vì thế cũng mở cửa xuyên Tết để phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng.

Du xuân ở bảo tàng
Đặc sắc chương trình chào Xuân mới Giáp Thìn ở Hương Thủy, Quảng Điền và Phú Vang

Từ 20h30 - 24h tối 9/2 (30 tháng Chạp), đông đảo người dân Hương Thủy và du khách thập phương đã tập trung về điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh) để thưởng lãm chương trình nghệ thuật chào năm mới - Xuân Giáp Thìn 2024 kết hợp bắn pháo hoa tầm thấp đón Giao thừa do TX. Hương Thủy tổ chức.

Đặc sắc chương trình chào Xuân mới Giáp Thìn ở Hương Thủy, Quảng Điền và Phú Vang
Return to top