ClockThứ Tư, 11/09/2019 09:08

Lân làng

TTH - Không xe tải đưa đón, không quá màu mè. Thời của chúng tôi là thời đoàn lân rồng rắn kéo nhau đi từ đầu xóm đến cuối xóm, kiếm chút tiền mua vở bút để việc học tươm tất hơn.

Sôi động Ngày hội LânĐêm thi “Nhất Đại bửu” khép lại Ngày hội Lân Huế

Đoàn lân ở làng chủ yếu là lân con nít, lớn tuổi nhất chỉ là các bạn học sinh cấp ba. Một cái trống, cặp chũm chọe, một con lân, thêm ông Địa, Tôn Ngộ Không, chừng ấy đủ để thành lập một đội lân làng.

Trước trung thu ít ngày, đội lân tranh thủ tập luyện. Tuy là đội lân nghiệp dư nhưng cũng nhảy, cũng xoay toát cả mồ hôi. Phần việc quan trọng, tâm điểm của đội là con lân với cái đầu nặng trịch. Thế nhưng để “đắt sô”, kiếm được tiền thì phải nhờ vào tài lanh của Tôn Ngộ Không và ông Địa.

Không biết nơi khác sao, chứ ông Địa con nít làng tôi rất mắc cười. Lân muốn vào nhà nào nhảy phải làm “ám hiệu” trước. Đầu tiên là chũm chọe rộn ràng, tiếng trống ầm ào. Sau nữa là giọng cười không lẫn vào đâu được của ông Địa…

Hô hô hô hô hô

Hôm nay ông Địa đến nhà, chúc cho gia chủ làm ăn phát tài

Đã thành lệ, nhà nào đồng ý cho lân nhảy thì bật điện sân, mở toang cửa. Nhà nào không đồng ý thì tắt điện cái phụp. Đội lân hiểu ý, không giận, không buồn, lại rộn ràng kéo đến nhà khác. Âm thanh huyên náo, nhộn nhịp, đông vui kéo dài dưới ánh trăng.

Người làng quê tôi có thói quen giấu tiền rất kỹ. Đó là cách họ thử tài của Tôn Ngộ Không. Cách giấu độc đáo là không được nguy hiểm (vì đội lân toàn con cháu trong làng cả), tuy nhiên phải đánh đố, đốc thúc bọn nhỏ suy nghĩ. “Chiêu” giấu tiền phổ biến nhất là ém tiền nơi khe cửa, đặt tiền dưới chân tủ. Cứ thành bài, Tôn Ngộ Không sẽ tinh tay, tinh mắt phát hiện. Ngộ Không khi đã “nghía” ra nơi giấu tiền sẽ tung chiêu nhử, dùng gậy như ý (một đoạn tre láng o được đánh bóng công phu) khoèo tiền. Từ Ngộ Không, đồng tiền đến tay ông Địa, rồi từ đó, con Lân sẽ ra đòn cuối, nuốt chửng số tiền.

Lân làng kiếm tiền không nhiều, nhưng đủ để lũ trẻ có thêm vở, thêm viết. Nhiều nhà thương, ngoài tiền còn tặng bánh kẹo. Cả đoàn lân sáng rỡ mắt, miệng người nào người ấy nhóp nhép, con lân nhóp nhép, ông Địa cũng nhóp nhép khi chào gia chủ...

Lân làng nhảy không lâu, tầm mươi lăm phút cho mỗi nhà. Từ đêm 12 đã rộn ràng tiếng trống, đến đêm ngày 15, đội lân sẽ hoàn thành chuyến đi của mình. Quy tắc ở làng là “nước sông không phạm nước giếng”. Nhưng đôi khi lân thôn này đi không xuể, sẵn sàng nhường “địa bàn” cho lân thôn khác để ai cũng được đón đoàn lân, rước sự tươi mới, háo hức, tài lộc vào nhà.

Có chủ nhà cực kỳ vui tính. Có bao nhiêu đoàn họ chào đón bấy nhiêu. Nhiều lúc lân nhảy mệt quá, đang giữa giờ ngoắc tay xin nghỉ. Chủ nhà trố mắt ngạc nhiên, nhìn đứa làm lân muốn cười mà không cười nổi, mồ hôi nhễ nhại không khác gì cuốc ruộng giữa trưa. Công cuộc “thay ngựa giữa dòng” không làm tổn hại đến hình ảnh, ngược lại, còn làm mọi người yêu quý “tụi nhỏ”. Tiếng chép miệng: “Con cái nhà ai mà thương dễ sợ” cứ văng vẳng…

Tôi là con gái, vì thế không bao giờ được làm lân, làm ông Địa hay Tôn Ngộ Không. Nhưng lớn lên chút chút, tôi cũng được tham gia đánh trống. Tiếng cắc tùng không mạnh mẽ như con trai, nhưng nó cũng đủ để tạo âm thanh ồn ã, tiếp sức cho đội lân làng mạnh chân, dẻo tay.

Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đêm mùa hạ

Những ngày nắng chói chang của mùa hạ, ban ngày bầu trời ngan ngát xanh.

Đêm mùa hạ
Khế mùa mưa

Mấy hôm nay trời mưa nhu trút. Ruộng lúa sũng nước, cánh đồng sũng nước.

Khế mùa mưa
Vàng ươm mùa thị

Những ngày này, cứ tang tảng sáng là cổng chợ quê tôi đã thơm lừng mùi thị chín.

Vàng ươm mùa thị
Không gian cho hoàng mai

Tết năm nay, Huế được mùa hoàng mai. Người chơi mai ngày càng nhiều nên sắc vàng của mai hầu như rải khắp mọi nơi...

Không gian cho hoàng mai
Hơi ấm mùa đông

Cây cối được tắm đẫm nước mưa, tâm hồn tôi cũng được tưới tẩm bởi bao nhiêu ký ức ngày thơ bé.

Hơi ấm mùa đông
Return to top