ClockThứ Sáu, 28/10/2016 14:00
CHUNG TAY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN:

Lan tỏa từ một dự án

TTH - Từ dự án “Xây dựng mô hình điểm về thu gom và phân loại rác thải nông thôn” tại xã Vinh Hưng (Phú Lộc), Hội Nông dân (HND) tỉnh triển khai hỗ trợ, tuyên truyền sâu rộng về bảo vệ môi trường nông thôn đến nhiều địa phương.

Nhìn từ xã điểm

Về Vinh Hưng (Phú Lộc), không còn chứng kiến cảnh rác thải bừa bãi hai bên đường, hoặc nổi bập bềnh trên sông, đầm như ngày trước. Mỗi nhà đều có một thùng đựng rác, mỗi thôn đều có một địa điểm đổ rác tập trung và toàn xã có một bãi tập kết rác.

Ông Hồ Văn Yêm ở thôn Phụng Chánh nói: “Trước đây thường đựng rác thải trong bì ni lông rất nhếch nhác, ruồi, mùi hôi gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Bao nhiêu bao bì, chai, lọ đều vứt quanh vườn, mùa mưa nước đẩy ngược vào nhà, bẩn lắm! Từ ngày có thùng rác, các thành viên trong tổ thu gom rác luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm… nên không còn cảnh rác thải bừa bãi”.

Phó Chủ tịch HND xã Vinh Hưng - Bùi Thạnh cho biết, Vinh Hưng có khoảng 2.015 hộ, phân bố tại 4 thôn. Người dân nơi đây, ngoài sản xuất nông, ngư nghiệp còn có thêm dịch vụ, buôn bán. Các nghề ngày càng phát triển kéo theo lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng cao, gây ô nhiễm môi trường. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Môi trường nông thôn của Trung ương HND Việt Nam, HND tỉnh đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình điểm về thu gom và phân loại rác thải nông thôn” và chọn xã Vinh Hưng làm thí điểm. Dự án có tổng kinh phí 110 triệu đồng, đầu tư mua sắm 26 thùng đựng rác, giao cho 26 hộ quản lý, 4 xe thu gom rác chuyên dụng.

Với sự vào cuộc của HND xã Vinh Hưng, dự án đã thành lập được 6 tổ thu gom rác với sự tham gia của 12 thành viên, ngoài nhiệm vụ xử lý rác thải còn tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân bảo vệ môi trường. Trước khi đi vào hoạt động, chính quyền địa phương, các tổ thu gom rác tổ chức họp bàn, thống nhất với người dân về việc hỗ trợ kinh phí hoạt động. 100% hộ dân đồng tình, ủng hộ việc thu gom rác với mức phí hằng tháng 12 ngàn đồng/hộ. Kinh phí này dùng để chi trả cho các thành viên trong tổ thu gom rác… 

Ông Trần Đình Quang, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Hưng đánh giá, từ khi triển khai dự án, ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh môi trường của người dân tốt hơn hẳn. Bà con đã đổ rác vào thùng, tập kết rác đúng giờ theo quy định. Được cấp xe chở rác, thùng đựng rác tại gia đình, việc thu gom rác thải tại các hộ đi vào nề nếp, các đội thu gom rác cũng đỡ vất vả hơn trước. Có đến gần 100% rác thải trong xã được thu gom, xử lý. Dự án đã mang lại hiệu quả trong việc thực hiện hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Lan tỏa

Lồng ghép các chương trình, hoạt động, các cấp HND toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến 100% cán bộ, hội viên nông dân về nâng cao nhận thức ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên môi trường; khuyến khích sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế  sử dụng các nguồn nhiên liệu phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính; hạn chế sử dụng túi ni lông…

Từ mô hình điểm mang lại hiệu quả tại xã Vinh Hưng, HND tỉnh triển khai hỗ trợ, tuyên truyền sâu rộng tại nhiều địa phương về bảo vệ môi trường nông thôn. Người dân ngày càng tích cực tham gia, chung tay vào công cuộc bảo vệ môi trường. Bà Phạm Thị Minh Huệ, Chủ tịch HND tỉnh cho biết, có được kết quả này, các cấp HND, ban ngành hỗ trợ, phân công mỗi chi hội cơ sở xây dựng ít nhất một mô hình điểm, bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền, vận động; đảm nhận sửa chữa, bảo dưỡng, làm vệ sinh môi trường một tuyến đường giao thông nông thôn; xây hầm khí biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi…

Trong 3 năm (2014-2016), HND tỉnh đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ Môi trường nông thôn tỉnh, tổ chức 15 lớp tập huấn về Luật Bảo vệ môi trường cho 750 cán bộ, hội viên nông dân, các hộ sản xuất nông nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Được sự hỗ trợ kinh phí của dự án Luxembourg, HND huyện Phú Lộc xây dựng hai mô hình thu gom rác thải tại hai thôn Nam Phổ Hạ và Xuân Lai, xã Lộc An với tổng kinh phí 169 triệu đồng.

HND tỉnh phối hợp với Trung tâm Môi trường nông thôn, thuộc Trung ương HND Việt Nam, hỗ trợ 20 hộ nghèo tại xã Quảng Thái, mỗi hộ 4 triệu đồng để xây dựng nhà vệ sinh tự hoại. Người dân đóng góp thêm 4-8 triệu đồng, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại đạt tiêu chuẩn quy định về môi trường. HND huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, Phong Điền… tổ chức khoảng 30 lớp tập huấn bảo vệ môi trường, thu gom rác… cho trên 1.000 cán bộ, hội viên nông dân với kinh phí trên 100 triệu đồng, do dự án Luxembourg tài trợ. HND tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức cho hội viên, nông dân trồng rừng ngập mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu tại thị trấn Sịa (Quảng Điền) và thị trấn Phú Lộc với 45 ngàn cây bần chua và 18 ngàn cây dừa nước…

Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Trạm cá chép siêu tốc" tiễn ông Táo

Từ một vài phường xã triển khai, đến nay, mô hình Trạm tiễn ông táo tập trung được nhiều đơn vị nhân rộng ở TP. Huế. Ngoài bảo vệ môi trường, cách làm sáng tạo này còn góp phần nâng cao ý nghĩa của ngày 23 tháng Chạp.

Trạm cá chép siêu tốc tiễn ông Táo
Triển khai mô hình điểm nông dân phân loại thu gom vận chuyển rác thải

Ngày 29/1, tại xã Phú Diên (Phú Vang), Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị triển khai mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia thu gom, phân loại và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn” năm 2024. Tham dự hội nghị có các ông: Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành TW Hội Nông dân Việt Nam; Phạm Văn Thiện – Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn - TW Hội Nông dân Việt Nam.

Triển khai mô hình điểm nông dân phân loại thu gom vận chuyển rác thải
Nỗ lực "xóa" rác thải nhựa

Ngày 9/12, Ban Quản lý Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (DA) cùng với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện DA trong năm 2023, nhằm đề ra các giải pháp góp phần “xoá” rác thải nhựa (RTN) cho TP. Huế trong thời gian đến.

Nỗ lực xóa rác thải nhựa
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn: Đồng bộ mới hiệu quả

Sau hơn 1 năm triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn tại 23 phường thuộc TP. Huế cũ, từ tháng 11/2023 thành phố tiếp tục triển khai giai đoạn 2 đối với 36 phường, xã nhằm góp phần hoàn thành tiêu chí tại Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý CTR đến năm 2030.

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn Đồng bộ mới hiệu quả
Return to top