ClockThứ Năm, 23/08/2012 04:57

Làng có công với nước

TTH - Tình cờ đọc một tài liệu nghiên cứu tôi được biết, trước đây Nhà nước ta có một danh hiệu cao quý dành cho các làng quê giàu thành tích đặc biệt trong Cách mạng Tháng Tám, được gọi là bảng vàng “có công với nước”. Năm 1988, Bàn Môn (xã Lộc An, huyện Phú Lộc) là một làng quê ở Thừa Thiên Huế vinh dự được Hội đồng Bộ trưởng (tức Chính phủ) tặng danh hiệu cao quý này.

Làng quê Bàn Môn được Lê Quý Đôn nhắc đến trong tác phẩm nổi tiếng “Phủ Biên tạp lục” viết khoảng sau năm 1774. Đặc biệt, tên gọi Bàn Môn gợi lại ký ức hào hùng trong những tháng ngày này khi cả nước rợp bóng cờ hoa kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Lịch sử ghi lại, ngay từ năm 1916, dân làng Bàn Môn đã nổi tiếng trong việc tập hợp, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa yêu nước Duy Tân. Ít người biết rằng, chính cụ Lê Tuý, thân phụ của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, là người phụ trách chở thuyền và đã cõng vua Duy Tân trên đường rút lui từ Kinh thành Huế về Hà Trữ và rồi trú lại ở Hà Trung (Phú Vang).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một lần đến thăm làng Bàn Môn. Ảnh: Internet

Cũng chính Bàn Môn là trung tâm lãnh đạo cách mạng của tỉnh Thừa Thiên trong tháng ngày chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa 1945. Sau khi thoát khỏi nhà tù Buôn Mê Thuột, đồng chí Nguyễn Chí Thanh trở về quê hương hoạt động và ngay tại Bàn Môn, đồng chí trực tiếp truyền đạt Nghị quyết 8 của Trung ương về thành lập Mặt trận Việt Minh và vũ trang khởi nghĩa. Sau khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh bị bắt, đồng chí Nguyễn Sơn, người làng Bàn Môn, được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên và là người trực tiếp chỉ đạo hội nghị cán bộ Đảng lịch sử vào tháng 5/1945 ở đầm Cầu Hai. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, nhân dân Bàn Môn hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện đường Cầu Hai. Tiền khởi nghĩa, đình làng Bàn Môn là địa điểm tập trung huấn luyện tự vệ. Sau tổng khởi nghĩa thắng lợi, đây là nơi quyên góp “hũ gạo cứu đói”, “hủ gạo nuôi quân”; là nơi diễn ra các “tuần lễ vàng”, “tuần lễ đồng” và cũng là nơi bắt đầu của những đoàn quân nam tiến.

Có hai người con của Bàn Môn đáng được nhắc đến sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Đó là cụ Hoàng Đức Trạch và Lê Bá Dị mà mới đây vào năm 2010, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế và Hội đồng hương Phú Lộc tại TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức hội thảo về quê hương và cuộc đời hoạt động cách mạng của hai ông. Cụ Hoàng Đức Trạch từng là Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính Thừa Thiên sau Cách mạng Tháng Tám, sau đó là Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Thừa Thiên và đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Cụ Trạch được nhớ đến với hình ảnh của một nghị viện Dân biểu Trung kỳ, có cuộc sống giàu sang nhưng sẵn sàng từ bỏ để theo cách mạng. Còn cụ Lê Bá Dị là lớp đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Thừa Thiên Huế, từng là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng đầu tiên của huyện Phú Lộc.

Hừng hực khí thế cách mạng là Tố Hữu với những vần thơ: Tháng Tám vùng lên Huế của ta/ Quảng - Phong ơi, Hương Thủy, Hương Trà/ Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế/ Đỏ ngập dòng sông rộn tiếng ca.” (Quê mẹ). Huế là kinh đô thời triều đình Nhà Nguyễn. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Huế cùng với Hà Nội và Sài Gòn được xem là những dấu mốc có ý nghĩa bước ngoặt. Và, tôi đã nghĩ đến những làng quê, trong đó có người dân Bàn Môn trong chuyến “đò lên Huế” năm nào, tham gia cướp chính quyền tại Cố đô như một nét riêng độc đáo và tuyệt vời của sự nghiệp cách mạng mùa thu vùng đất xứ Thần kinh. Và cùng với Bàn Môn, tôi đã nghĩ đến rất nhiều làng quê ở Thừa Thiên cũng rất xứng đáng với bảng vàng làng có công với nước. 

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top